Đáng chú ý, các "trung tâm” này còn khẳng định, người có nhu cầu chỉ cần chụp ảnh và chứng minh nhân dân (2 mặt), kèm địa chỉ rồi gửi đến và từ 5 đến 7 ngày sau sẽ nhận được GPLX theo yêu cầu.
Để tăng tính hấp dẫn, các tài khoản còn đưa ra những lời quảng cáo như: không cần đi thi, có người thi hộ, bao đậu 100%; đây là dịch vụ hoàn hảo theo Thông tư số 38 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhằm chia sẻ với những ai không có thời gian đi thi và không muốn chờ đợi.
Các "trung tâm” còn khẳng định: GPLX có đủ hồ sơ gốc, đổi thoải mái sau khi hết hạn (bao luôn cả dịch vụ cấp đổi với giá cả hợp lý khi bị mất hoặc hết hạn); đặc biệt có mã QR; không cần bất cứ một khoản tiền đặt cọc nào, chỉ nhận tiền khi giao hàng…
Nhận thấy những dấu hiệu bất thường, phóng viên đã bình luận vào bài viết của một "trung tâm” và không lâu sau đã có hàng loạt tin nhắn mời chào làm bằng lái xe như: "Bằng thật 100%, nhanh chóng thuận tiện, an toàn, giá bằng lái xe hạng B2 là 2,5 triệu đồng, hạng C là 3,5 triệu đồng, E, FC từ 7 triệu đồng”. Đáng chú ý, có rất nhiều tài khoản facebook đã comment với nội dung hỏi giá và thủ tục làm GPLX.
Trao đổi với ông Lê Tuấn Giang - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT được biết: Thông tư số 12 và Thông tư số 38 của Bộ GTVT đã quy định rất rõ ràng về quy trình học và cấp GPLX.
cử như, GPLX hạng A1, công dân đủ điều kiện về tuổi đời, về sức khỏe phải đi học ít nhất 12 giờ tại một trung tâm đào tạo được cấp phép. Học xong sau ít nhất 4 ngày, cơ sở đào tạo chuyển hồ sơ sang sở GTVT (hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị, giấy khám sức khỏe, danh sách đủ điều kiện sát hạch của cơ sở đào tạo).
Tiếp đó, Sở GTVT thẩm định hồ sơ, ra quyết định tổ chức kỳ sát hạch, thành lập tổ sát hạch và tổ chức sát hạch (thi lý thuyết và thực hành).
Sau kỳ sát hạch từ 7 đến 10 ngày làm việc, sở GTVT mới ra quyết định công nhận kết quả và cấp GPLX cho những thí sinh đạt yêu cầu, đồng thời trả lại hồ sơ và GPLX cho cơ sở đào tạo để trả cho thí sinh. Trình tự cấp GPLX ô tô cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, GPLX hạng B2, thời gian học phải đảm bảo đủ 3 tháng, hạng C, thời gian học phải đủ 5 tháng.
Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải 2 lần gửi báo cáo danh sách học viên cho sở GTVT (lần 1, sau khai giảng 7 ngày và lần 2, sau khi đã kết thúc khóa học, các học viên đã được cấp chứng chỉ học nghề). Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Sở GTVT để duy trì chất lượng đào tạo, đặc biệt là tránh hiện tượng các cơ sở đào tạo bổ sung học viên vào lớp học, không đảm bảo thời gian học tập.
Toàn bộ ấn chỉ giấy phép lái xe do Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT quản lý theo mã số phôi, khi Sở GTVT các địa phương có nhu cầu phải có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ cấp, theo một quy trình và được quản lý chặt chẽ. "Chúng tôi khẳng định, không thể có chuyện không đi thi, không đi học nhưng lại được cấp GPLX các hạng trong thời gian từ 5 đến 7 ngày như lời quảng cáo. Người dân cần hết sức thận trọng” - ông Lê Tuấn Giang nhấn mạnh.
Được biết, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Yên Bái đã phát hiện ra một số trường hợp lái xe ô tô sử dụng GPLX giả. Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Yên Bái cũng nhận được đề nghị thẩm định một số GPLX nghi giả. Qua kiểm tra, những tấm GPLX này không có trong hệ thống dữ liệu quản lý GPLX toàn quốc, số phôi, ấn chỉ không đồng nhất (sai); về hình thức, những tấm GPLX này rất khó phân biệt thật giả bằng mắt thường.
Từ hiện tượng mời chào, quảng cáo bán GPLX (không cần đi thi, không cần đi học, bao đậu 100%...) trên khắp các trang mạng xã hội, có thể khẳng định, đây là những hành vi khuất tất. Người dân cần hết sức cảnh giác. Chắc chắn sẽ có những tình huống sau đây xảy ra: bỏ tiền ra mua giấy phép giả, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; cho dù những lời quảng cáo là "không cần đặt cọc, chỉ trả tiền khi nhận hồ sơ” nhưng những kẻ lừa đảo sẽ dùng những chiêu trò để lấy bằng được số tiền của nạn nhân rồi không trao hồ sơ và giấy phép như đã hứa; cuối cùng là, khi chúng ta gửi tên, tuổi, địa chỉ, chứng minh nhân dân… (những thông tin cá nhân quan trọng) sẽ bị chiếm đoạt thông tin cá nhân.
Tai nạn giao thông trở thành một vấn nạn.
Mỗi năm, có hàng nghìn, hàng vạn người thương vong bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó lái xe không phép, ý thức tham gia giao thông thấp, trình độ lái xe, đạo đức người lái xe không đủ… là một trong những nguyên nhân chính. Nếu muốn điều khiển phương tiện hãy đăng ký học và vượt qua được những kỳ sát hạch, đừng đùa cợt trên chính tính mạng và sức khỏe của mình và người thân! Dư luận cũng mong muốn, lực lượng công an cần lập chuyên án, bắt giữ những kẻ giao bán GPLX giả. Thiết nghĩ, việc này không quá khó khi chúng đã công khai số điện thoại và cả số tài khoản ngân hàng, sẵn sàng giao dịch, trao đổi với bất kỳ ai, vào bất kỳ thời điểm nào!
Lê Phiên