Vi phạm lâm luật gia tăng - đâu là lời giải?

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản, xâm chiếm rừng, đất rừng trái phép ngày một gia tăng cả về mức độ đến hành vi. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2009, các lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã bắt và xử lý 385 vụ vi phạm, tịch thu 78 m3 gỗ xẻ, 334 m3 gỗ tròn các loại. Tuy đã có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, song tình trạng khai thác, buôn bán gỗ trái phép ngày một phức tạp hơn và dường như nó đã trở thành một vấn nạn. Vậy làm gì để chặn đứng khai thác, buôn bán lâm sản trái phép?

Người dân vùng cao vẫn còn tình trạng ngang nhiên vận chuyển trái phép lâm sản. (Ảnh: Thanh Phúc)
Người dân vùng cao vẫn còn tình trạng ngang nhiên vận chuyển trái phép lâm sản. (Ảnh: Thanh Phúc)

Công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua đang tồn tại hai vấn đề cần được giải quyết, đó là tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản và việc phát rừng làm nương rẫy. Tình trạng khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản, phát rừng làm nương rẫy không phải đến nay mới “nhức nhối” mà nó đã xảy ra từ nhiều năm nay. Nghiêm cấm triệt để là rất khó, nhưng làm gì để hạn chế tới mức thấp nhất thì không phải là quá khó, nếu có sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm minh của các tổ chức, cá nhân!

Thực tế đã diễn ra trong những năm qua là số vụ phát hiện xử lý khai thác gỗ tại rừng rất ít; số vụ bắt giữ vận chuyển buôn bán quá nhiều. Tại sao lại như vậy? Trong khi đó, ngành kiểm lâm Yên Bái luôn coi vấn đề giữ rừng tại gốc là trọng yếu. Qua đó, đã đưa cán bộ kiểm lâm viên về phụ trách các xã, các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các điểm nóng, thành lập nhiều trạm kiểm soát lâm sản trên các “điểm nóng”; phối hợp với chính quyền sở tại, công ty, lâm trường và chủ rừng giữ rừng.

Giải pháp giữ rừng tại gốc nếu làm tốt chắc chắn sẽ giảm thiểu tình trạng chặt phá, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép! Nhưng rừng vẫn bị khai thác? Gỗ vẫn được vận chuyển ra khỏi rừng? Kiểm lâm đâu? Chính quyền sở tại và chủ rừng ở đâu?... Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, chúng tôi tìm đến các cơ quan chức năng và lại được nghe “quả bóng gỗ” chuyền đi, chuyền lại. Xã nói rằng kiểm lâm, kiểm lâm kêu chính quyền, huyện này kêu gỗ đó là từ huyện khác về… và cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm!

Một vấn đề không thể không nói đến là số vụ mà cơ quan chức năng thu giữ hàng năm rất lớn, nhưng có rất ít “lâm tặc” hay “ông đầu nậu gỗ” bị bắt giữ và khởi tố. Những vụ phá rừng với diện tích, quy mô lớn, đã được nhân dân phát giác, công luận đã lên tiếng nhưng cuối cùng vẫn chìm vào im lặng, hoặc có xử lý cũng ở mức độ… khiển trách.

Những cách xử lý như vậy, rất khó đủ sức để răn đe, hạn chế tình trạng khai thác vận chuyển, buôn bán lâm sản trên địa bàn cũng là điều dễ hiểu. Vẫn biết, việc phát hiện và xử lý khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép là rất khó khăn và phức tạp, bởi các đối tượng cũng khá tinh vi, vận chuyển khối lượng ít và chủ yếu dùng xe máy đã “quá đát” và ngựa thồ để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Việc dùng ngựa, xe máy vận chuyển gỗ cũng là trái phép, vậy chúng ta cũng phải tịch thu và xử lý thật nghiêm. Việc phát rừng làm nương rẫy diễn ra phổ biến, tại sao không quy hoạch phát triển ổn định nương rẫy và vận động nhân dân chuyển đổi từ chặt rừng sang trồng và tu bổ rừng để ổn định cuộc sống?

Vấn đề nữa là trong thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện kiểm kê, quy hoạch lại 3 loại rừng theo quy định của nhà nước và chuyển đổi các lâm trường sang công ty lâm nghiệp thì tình trạng xâm chiếm đất diễn ra khá phổ biến. Địa phương nào cũng để xảy ra việc xâm chiếm rừng, đất rừng gây mất trật tự an ninh. Việc quy hoạch, chuyển đổi những diện tích rừng nghèo kiệt, rừng ít khả năng phòng hộ sang trồng rừng sản xuất là rất đúng, phù hợp nhưng việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác lập hồ sơ thiết kế và hợp đồng giao khoán đến hộ nên đến nay nhiều địa phương vẫn chưa bàn giao được rừng. Diện tích rừng này gần như “vô chủ”  và nó đã và đang trở thành nơi “oanh tạc” của lâm tặc.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chặt phá, khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép, chúng ta phải làm tốt 3 vấn đề. Một là, làm tốt công tác giữ rừng tại gốc, kiểm lâm, chính quyền sở tại và chủ rừng phải có trách nhiệm và có sự giám sát của nhân dân. Hai là, tăng cường các lực lượng tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường và xử lý nghiêm, đúng luật các đối tượng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Ba là, phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.

Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến xã phải vào cuộc tích cực với kiểm lâm, chủ rừng để giữ rừng. Trên địa bàn huyện nào, xã nào để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển sử dụng lâm sản trái phép, thì chính quyền và kiểm lâm viên xã đó phải chịu trách nhiệm...

Ngọc Trúc

Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu: Bắt giữ 67 vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép

Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu đã bắt giữ 67 vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, thu gom 33,029m3 gỗ, thu giữ 3 máy cưa xăng, tạm giữ 30 xe máy, 2 ô tô khách, nộp ngân sách cho nhà nước trên 21 triệu đồng.

Hạt đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai truy quét việc khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Trạm Tấu.

Đồng thời thành lập nhiều chốt kiểm tra đầu mối, nhờ vậy chỉ trong vòng một tháng, Hạt Kiểm lâm huyện đã bắt 11 vụ, thu gom 10,987m3 gỗ, chủ yếu là gỗ pơmu và gỗ sến…                         

Hà Tĩnh - Minh Hằng

 

Các tin khác
Mai Ngọc Tú và các đối tượng trong đường dây ma tuý.

Tráng A Lâm định mang heroin về Hà Nội nhưng lại đi nhầm đến thị trấn Xuân Mai. Bị người bán nước ven đường doạ hờ, Lâm hoảng sợ bỏ trốn bỏ lại 13 bánh heroin. Từ đó, công an lần ra cả đường dây ma tuý lớn.

VKSND Tối cao ngày 29-9 tống đạt cáo trạng đến các bị can trong vụ án tham nhũng xảy ra tại dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) do PMU 18 làm chủ đầu tư.

Viện kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có kháng nghị đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm xét xử 8 bị cáo trong vụ án tại vũ trường New Century theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo, trong đó có bị cáo Nguyễn Đại Dương (giám đốc vũ trường New Century).

Bị bắt quả tang khi đang mang 6 bánh heroin, Nguyễn Tiến Thọ đã dùng súng K54 bắn thẳng vào cảnh sát. Sáng 28/9, thủ phạm phải hầu tòa trên chiếc xe lăn, sau khi tự tử không thành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục