Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung: Bị truy tố ở khung hình phạt có mức án tử hình
- Cập nhật: Thứ tư, 23/12/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 22.12, Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố điều tra các bị can trên về tội "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN". Sau đó, trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã thay đổi quyết định, khởi tố bị can tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Theo bản cáo trạng, các bị can: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định bị truy tố theo khoản 1 của tội danh nói trên và có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Lê Thăng Long bị truy tố ở khoản 2 có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Lê Công Định Lê Thăng Long |
"Nhóm nghiên cứu Chấn"
Theo cáo trạng, năm 2001, Trần Huỳnh Duy Thức thành lập Công ty cổ phần Internet Một kết nối kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ điện thoại. Tuy nhiên, do có sẵn tư tưởng bất mãn với chế độ, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, Thức nhen nhóm tư tưởng đòi thay đổi cơ chế kinh tế và thể chế chính trị của Việt Nam. Vì vậy cuối năm 2005, Thức thành lập "Nhóm nghiên cứu Chấn" và lôi kéo Lê Thăng Long, Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu, Cù Thị Phương (đều là nhân viên của Công ty Một kết nối). Thức và các đối tượng này tổ chức nghiên cứu, phân tích tình hình và cho rằng Việt Nam bị khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2010 nên đây là thời cơ hành động, thời điểm "phất cờ". Lúc đó, Thức sẽ tham gia lãnh đạo "chính phủ mới" để điều hành đất nước. Để thực hiện ý đồ này, Thức đã lập website "Chanlachong" tuyên truyền cho hoạt động của "Nhóm nghiên cứu Chấn", lôi kéo tầng lớp trí thức, làm tài liệu kêu gọi tập hợp lực lượng lấy tên gọi là "Tuyên ngôn Lạc Hồng" nêu rõ mục đích: "Tôi sẽ lãnh đạo dân tộc Lạc Hồng giành lấy quyền lực chính trị cho toàn dân chúng trong năm Canh Dần 2010; tiếp cận với những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nhằm tác động chuyển hóa tư tưởng, gây nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ; kêu gọi Chính phủ các nước và tổ chức phi chính phủ có tư tưởng thù địch chống Việt Nam ủng hộ hoạt động của "Nhóm nghiên cứu Chấn"...
Bản cáo trạng còn phân tích, Thức phân công nhiệm vụ cho từng người trong nhóm, vạch rõ kế sách "Đoài đánh Đoài". Cụ thể, Thức cho rằng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam có hai thành phần, Thức sẽ tác động để người "cấp tiến" loại trừ người "cơ hội". Trong những năm đầu thành lập, "Nhóm nghiên cứu Chấn" chủ trương liên kết với lực lượng mà Thức cho là "cấp tiến" trong Đảng Cộng sản Việt Nam để nắm quyền lãnh đạo đất nước và cho đến năm 2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thức lập ra 3 blog: "Trần Đông Chấn", "Psonkhanh", "Change we need" và một số e-mail với tên gọi khác nhau nhằm che giấu thân phận, tránh bị phát hiện; đăng tải nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc sự thật, chống đối sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân. Cơ quan điều tra đã thu thập trên blog "Trần Đông Chấn" có 22 tài liệu, blog "Psonkhanh" có 15 tài liệu, "Change we need" có 23 tài liệu mang những nội dung chống đối nêu trên.
Ngoài ra, Thức còn làm tài liệu "Con đường Việt Nam" vạch ra một kế hoạch tổng thể về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Ngoài ra, để triển khai kế sách "Đoài đánh Đoài", Lê Thăng Long đã tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII để nếu trúng cử sẽ có tiếng nói ảnh hưởng đến Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo vị trí trong cơ quan quyền lực cao nhất để tiếp cận, tác động lãnh đạo cao cấp ủng hộ hoạt động của "Nhóm nghiên cứu Chấn". Thức giúp vận động bầu cử cho Long, chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn báo chí...
Trần Huỳnh Duy Thức Nguyễn Tiến Trung |
Về phần Long, theo bản cáo trạng, Long đã làm ra 39 tài liệu trong đó có 15 tài liệu mang nội dung vạch ra đường lối, kế hoạch hành động, 13 tài liệu mang nội dung kích động, bộc lộ ý đồ lật đổ. Tháng 4.2007, Long tách khỏi "Nhóm nghiên cứu Chấn" và 7 tháng sau, tự thành lập "Phong trào Chấn hưng nước Việt", lập website và một số câu lạc bộ... để viết bài có nội dung chống phá Nhà nước. Tuy nhiên hành vi của Long đã bị phát hiện ngăn chặn kịp thời.
Hoạt động của "Đảng dân chủ Việt Nam"
Bản cáo trạng còn đề cập, "Đảng dân chủ Việt Nam" thành lập năm 2006 là một tổ chức phản động có mục đích hoạt động nhằm lật đổ chính quyền thể hiện ngay trong "cương lĩnh" là "xây dựng một Quốc hội mới, Nhà nước mới, Hiến pháp mới...".
Cuối tháng 12.2006, Nguyễn Tiến Trung tham gia vào tổ chức này. Từ đầu năm 2006 đến 3.2008, Trung đã làm ra 64 loại tài liệu, trong đó có 50 loại tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCNVN. Trung còn cùng với một số du học sinh ở Pháp thành lập tổ chức "Tập hợp thanh niên dân chủ" thực hiện nhiều hoạt động chống Nhà nước CHXHCNVN. Năm 2008, Trung giới thiệu Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức gặp Nguyễn Sỹ Bình (đối tượng cầm đầu "Đảng dân chủ VN") để lôi kéo hai nhân vật này tham gia.
Tháng 1.2009, Thức đi Mỹ gặp Nguyễn Sỹ Bình. Tiếp đó, tháng 3.2009, Thức và Định sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình bàn bạc, đánh giá về quá trình hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tiếp theo và phân công nhiệm vụ của từng người viết hoàn thiện tài liệu "Con đường Việt Nam". Theo đó, Bình viết phần chính sách của nước ngoài với Việt Nam, Thức chịu trách nhiệm chung và viết phần kinh tế, Lê Công Định viết phần pháp luật. Thức còn đề ra "kế hoạch 5 người", phụ trách trên 5 lĩnh vực quan trọng: kinh tế, cải cách pháp luật, giáo dục, biển Đông và Tây Nguyên. Nhưng do Nguyễn Sỹ Bình đã từng bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" và bị trục xuất năm 1992 nên cả ba thống nhất trước mắt Bình chưa nên tham gia nhóm 5 người.
Các đối tượng này xác định vai trò của mình là rất quan trọng, gọi là "nhóm hạt nhân" trong việc tiến hành các kế hoạch hoạt động chống phá Nhà nước. Cũng trong cuộc gặp này, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Sỹ Bình và Lê Công Định thảo luận và thống nhất thành lập thêm 2 tổ chức nữa có tên gọi "Đảng lao động Việt Nam" và "Đảng xã hội Việt Nam" để lôi kéo, bành trướng lực lượng. Sau khi về Việt Nam, Định đã tạo blog mang tên "Đảng lao động Việt Nam", viết tài liệu "tuyên cáo"... Còn Trần Huỳnh Duy Thức đang trong quá trình tạo lập blog "Đảng xã hội Việt Nam" thì bị cơ quan chức năng bắt giữ. Thức đã làm ra 36 tài liệu phát tán trên các blog, thư từ liên lạc trao đổi qua lại giữa các đối tượng trong tổ chức về phương thức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Đối với Lê Công Định, bản cáo trạng kết luận: do tiếp thu các quan điểm sai trái về "dân chủ", "nhân quyền" của các thế lực thù địch chống CNXH và sự nhìn nhận đánh giá chủ quan về các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong xã hội, Lê Công Định nảy sinh tư tưởng bất mãn với chế độ, đường lối chính sách của Đảng nên đã có tư tưởng thay đổi cơ chế, thể chế chính trị của Việt Nam. Sau khi gia nhập vào "Đảng dân chủ Việt Nam", Định được phân công vào "Ban thường vụ" phụ trách việc viết tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, kích động lôi kéo người tham gia tổ chức phản động. Lê Công Định còn tham gia chỉnh sửa "Điều lệ" của "Đảng dân chủ Việt Nam", nhận bản "Tân hiến pháp" của các đối tượng phản động người Việt lưu vong để nghiên cứu, soạn thảo "Hiến pháp" để khi lật đổ được chính quyền nhân dân thì thay thế Hiến pháp Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Lê Công Định đã làm ra 33 tài liệu, tàng trữ 24 tài liệu và 32 cuốn sách có nội dung xuyên tạc, tuyên truyền, kích động chống Nhà nước, thể hiện rõ quyết tâm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Mặc dù biết rõ "Việt Tân" là tổ chức khủng bố, hoạt động chống phá Việt Nam nhưng từ ngày 1.3 đến 3.3.2009, Định đã đến Pattaya (Thái Lan) tham dự khóa huấn luyện về phương pháp đấu tranh "bất bạo động" lật đổ nhà nước theo kinh nghiệm của Serbia do "Việt Tân" tổ chức.
Bản cáo trạng kết luận, đây là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội của các bị can có tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể, móc nối, câu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức "bất bạo động", thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" chống cách mạng Việt Nam.
Riêng đối với Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu, Cù Thị Phương, xét hành vi vi phạm pháp luật có mức độ, thành khẩn khai báo nên không bị xem xét xử lý hình sự.
(Theo TNO)
Các tin khác
Ngày 22-12, nhiều hộ dân phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) kéo đến trước nhà vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tâm và bà Ngô Thi Ngọc Thơ (trú lô B16, Nguyễn Đình Trọng, tổ 39, Hòa Khánh Nam) để đòi trả số tiền bị chiếm đoạt trên 20 tỷ đồng. Ông Tâm hiện là Chi cục trưởng Thi hành án quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.
Trong số các bị can có 7 cán bộ thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Đông Đô và Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Thành Công Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng vụ án “tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại một số ngân hàng ở Hà Nội và Thái Bình.
Ngày 21/12, Công an TP Huế cho biết, Phòng Cảnh sát môi trường vừa phát hiện thêm 2 cơ sở chế biến hàng tấn da và mỡ lợn bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Rạng sáng 20.12, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương tìm được hài cốt bà Nguyễn Thị Mai (63 tuổi, quê Đồng Nai) giấu trong bụi cây thuộc khu 9, P.Phú Lợi (TX Thủ Dầu Một). Nghi phạm giết bà Mai được xác định chính là con rể Trần Nguyễn Minh Phương (30 tuổi, ngụ TX Thủ Dầu Một).