Vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Á năm nay có những hiện tượng, đó là Jordan, là đội tuyển Việt Nam hay Uzbekistan. Tuy nhiên, đúng với từ "hiện tượng”, các đội vừa chỉ gây bất ngờ trong nhất thời, chứ chưa thể đi đến cùng.
Jordan là hiện tượng đầu tiên của giải, họ dẫn đầu bảng B với 3 trận toàn thắng, là một trong số ít các đội toàn thắng ở vòng bảng.
Trong số 3 trận thắng thuộc vòng bảng của Jordan, có cả chiến thắng trước đương kim vô địch Australia. Nhưng như đã phân tích, chiến thắng này chủ yếu xuất phát từ chỗ Australia chưa kịp bắt nhịp ngay với giải đấu ở trận đầu tiên của họ. Vả lại, đấy là trận đấu mà nếu thua, Australia vẫn có cơ hội sửa sai, nên họ không quyết liệt thắng bằng mọi giá.
Đấy là lý do mà dù toàn thắng ở vòng bảng, thắng cả nhà đương kim vô địch, Jordan vẫn không được đánh giá là đội quá mạnh. Bằng chứng, đội bóng Tây Á thua ngay ở vòng knock-out đầu tiên, trước đội tuyển Việt Nam.
Đội bóng của HLV Park Hang Seo nối tiếp sự tiến bộ của mình sau năm 2018 đầy thành công bằng ấn tượng đẹp tại giải châu Á.
Chiến thắng trước Yemen ở vòng bảng, Jordan ở vòng 1/8 cùng vé vào tứ kết của đội tuyển Việt Nam hoàn toàn đến từ thực lực. Và chuyện chúng ta dừng bước trước Nhật Bản ở tứ kết cũng xuất phát từ thực lực. Không có gì phải tiếc nuối hoặc mặc cảm khi thua một đối thủ cực mạnh như Nhật Bản.
Trận thua đấy nói cho cùng phản ánh rằng dù có là hiện tượng, bóng đá Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng tranh chấp các thứ hạng cao nhất tại giải vô địch châu Á.
Uzbekistan cũng vậy, đội bóng Trung Á có thể từng vô địch giải U23 châu lục cách nay đúng 1 năm, nhưng lên đến sân chơi Asian Cup, sân chơi vô địch châu lục lại hoàn toàn khác. Uzbekistan không mạnh đến mức có thể tranh chấp ngôi vô địch châu Á, cầu thủ của họ vẫn có một số hạn chế về kinh nghiệm, về bản lĩnh.
Ngược lại, Iran lại là đội hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh ngôi đầu bóng đá châu lục. Nhưng từ 43 năm nay, đội bóng Tây Á chưa hề trở lại với vị trí số Asian Cup, chứng tỏ họ có những hạn chế nhất định.
Hạn chế đấy rốt cuộc bị Nhật Bản khai thác trong trận đối đầu trực tiếp với Iran tại bán kết. Hạn chế của Iran là họ thi đấu dựa quá nhiều vào cảm tính, họ có tố chất cực tốt, nhưng trình độ tổ chức lối chơi, ý thức tổ chức kỷ luật không bằng các đội phía Đông châu Á.
Thành ra, khi gặp đối thủ thực thụ, Iran thường dừng bước, dừng bước không chỉ một đôi lần, mà dừng bước liên tục suốt 43 năm qua.
Nhật Bản, Saudi Arabia và Australia chính là những đội bóng như thế ở các kỳ giải vô địch châu Á gần nhất. Họ bản lĩnh hơn so với Iran và so với cả Hàn Quốc, nên các đội bóng này là những đội thay phiên nhau vô địch châu Á nhiều thập niên gần đây nhất, chỉ là thời điểm nào đội nào sở hữu các nhân tố tốt hơn, đội đó sẽ vượt lên trên các đội còn lại!
Rõ ràng sau chiến thắng tưng bừng 4-0 trước UAE, Qatar được đánh giá rất cao, nhất là khi họ ghi đến 16 bàn và chưa thủng lưới. Và trận chung kết lúc 21h ngày 1/2 tới hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều thú vị, giữa hai đối thủ xứng đáng ở trận chung kết năm nay.
(Theo Dân Trí)