Trải qua 74 năm thành lập và phát triển, thể thao Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh để khắc phục và vượt qua những khó khăn, đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Kỷ niệm 74 năm Ngày Thể thao Việt Nam năm nay (27/3/1946-27/3/2020), trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, câu lạc bộ thể dục thể thao dừng tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao nhằm tránh tập trung đông người trên toàn địa bàn tỉnh.
Đồng thời tạm dừng việc tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao; thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch cho lực lượng huấn luyện viên, vận động viên của tỉnh, sẵn sàng cho việc tập luyện trở lại khi đủ điều kiện.
Ngành tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của ngành, vai trò, ý nghĩa của thể thao đối với đời sống, tuyên truyền, vận động đến nhân dân tự lựa chọn và luyện tập những môn thể thao phù hợp trong mùa dịch để nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật.
Đã trở thành truyền thống, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam, chúng ta cùng điểm lại những thành tích nổi bật mà thể thao Yên Bái đạt được trong suốt thời gian qua; từ đó, đề ra những định hướng lớn trong thời gian tới.
Trải qua 74 năm thành lập và phát triển, thể thao Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh để khắc phục và vượt qua những khó khăn, đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Về thể thao quần chúng, đến nay, số người tham gia tập luyện thường xuyên là 330.360 người, đạt 40,2% tổng dân số của tỉnh; số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao là 21.400 gia đình, đạt tỷ lệ 19,5% tổng số hộ gia đình của tỉnh.
Toàn tỉnh có 5 liên đoàn thể thao hoạt động có hiệu quả; thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 510 câu lạc bộ thể dục thể thao, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia tập luyện.
Hàng năm, tổ chức thành công từ 18 - 20 giải thể thao cấp tỉnh ở các môn: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bơi lội, quần vợt, đẩy gậy, bắn nỏ, võ Karatedo, võ Vovinam, điền kinh… với sự tham gia ước tính khoảng trên 2.000 lượt vận động viên.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các giải thể thao cấp ngành, cấp huyện và cơ sở cũng được tổ chức thường xuyên, đảm bảo chất lượng, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng.
Về thể thao thành tích cao, hiện nay, ngành đang tập trung đào tạo vận động viên cho 10 môn thể thao mũi nhọn của tỉnh cả 3 tuyến: đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh và đội tuyển năng khiếu, với tổng số từ 150 đến 160 vận động viên; trong đó, có 12 vận động viên đạt cấp kiện tướng, 17 vận động viên cấp I; duy trì 4 đội hạng A toàn quốc; hàng năm, tham gia thi đấu 20-24 giải thể thao toàn quốc và quốc tế đoạt trên 40 huy chương các loại.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở thể dục thể thao cũng từng bước được đầu tư xây dựng từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đều có sân vận động, nhà tập luyện đơn giản đáp ứng nhu cầu tập luyện thường xuyên của nhân dân cũng như tổ chức các hoạt động tập thể phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ở cấp tỉnh, các công trình như: sân vận động, nhà thi đấu được sửa chữa và nâng cấp. Đến nay, trên địa bàn trung tâm tỉnh đã có 7 nhà tập luyện và thi đấu, 2 sân vận động, 9 bể bơi, trên 20 sân quần vợt.
Vovinam là môn thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh với nhiều huy chương tại các giải thi đấu quốc gia.
Đặc biệt, trong năm 2019, ngành đã tham mưu lắp đặt 72 thiết bị dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời phục vụ đông đảo nhân dân tại 2 địa điểm ở thành phố Yên Bái và dự kiến năm 2020 tiếp tục đề xuất lắp đặt bổ sung thêm tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ để đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân.
Ngành cũng đã duy trì tốt các hoạt động phối hợp với 24 ngành, đoàn thể của tỉnh hàng năm tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao có chất lượng. Công tác xã hội hóa đã được chú trọng tuyên truyền, vận động và hiện nay đã có nhiều tư nhân, một số cơ quan, đơn vị đầu tư làm sân bãi như sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền hơi, bể bơi, phòng tập thể hình… phục vụ tốt nhu cầu tập luyện, thi đấu thể dục thể thao của các đối tượng.
Bên cạnh đó, ngành luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên, trọng tài thể dục thể thao cơ sở và hàng năm tổ chức từ 3 đến 4 lớp tập huấn nghiệp vụ; đồng thời, thường xuyên tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra các hoạt động lĩnh vực thể dục thể thao theo quy định của pháp luật...
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như phong trào thể thao quần chúng đã phát triển, nhưng chưa đồng đều; thành tích ở các giải thi đấu quốc gia chưa thực sự nổi bật; cơ sở vật chất, các thiết chế thể thao phục vụ cho các đội thể thao thành tích cao đã cũ và chưa kịp thời sửa chữa, nâng cấp...
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn nêu trên, thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ như sau:
Một là, nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, củng cố, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, bổ sung cơ sở vật chất, nhằm đảm bảo phục vụ hiệu quả, đoàn kết quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.
Hai là, tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; thực hiện tốt Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 16/10/2019 của UBND tỉnh Yên Bái về nâng cao chất lượng hoạt động phong trào thể dục thể thao quần chúng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2025 và Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tổ chức Tháng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2030.
Ba là, chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản nhằm góp phần tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động thể thao trên địa bàn toàn tỉnh; ban hành các chính sách nâng cao các chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh cũng như các chế độ ưu đãi các vận động viên có thành tích xuất sắc của tỉnh.
Bốn là, quản lý, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, các công trình thể thao để phục vụ nhân dân; đề xuất nâng cấp, sửa chữa các công trình hiện có, đầu tư có hiệu quả cơ sở vật chất phục vụ nhân dân tập luyện thể dục thể thao tại nơi công cộng; đảm bảo phục vụ tốt công tác đào tạo, huấn luyện các môn thể thao của tỉnh trong đào tạo vận động viên thành tích cao và tham gia các giải thi đấu thể thao toàn quốc, quốc tế theo chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm đề ra.
Năm là, tập trung nâng cao công tác tổ chức thi đấu các giải cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, các Liên đoàn thể thao; tăng cường các hoạt động đối ngoại và hợp tác với các tỉnh bạn nhằm mở rộng việc trao đổi, học tập kinh nghiệm trong tổ chức thi đấu, huấn luyện, đào tạo.
Sáu là, tiếp tục duy trì đào tạo các môn thể thao thành tích cao mũi nhọn với số lượng 160 vận động viên ở cả 3 tuyến: đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ và vận động viên năng khiếu; duy trì 4 đội tuyển hạng A toàn quốc; tổ chức tập huấn và tham gia thi đấu từ 22 đến 24 giải toàn quốc; phấn đấu giành từ 40 huy chương các loại trở lên; khai thác, bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc có thế mạnh.
Với sự quyết tâm nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên và những người làm công tác thể dục thể thao; đặc biệt là sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền từ trung ương tới cơ sở, chắc chắn thể thao Việt Nam nói chung và thể thao tỉnh Yên Bái nói riêng, sẽ gặt hái được nhiều thành công trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch