Theo thống kê sau 2 vòng đấu với 10 trận, V-League mới chỉ có 15 bàn thắng, trung bình 1,5 bàn/trận. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,14 bàn/trận mùa giải trước. Thống kê về số bàn thắng không phản ánh hết chất lượng V-League nhưng ở khía cạnh nào đó, nó cho thấy mức độ hấp dẫn chưa cao.
Một ví dụ cụ thể như 2 trận vừa qua, ứng viên vô địch như Hoàng Anh Gia Lai chưa ghi được bàn thắng nào. Trong cả 10 trận đấu 2 vòng vừa qua, rất khó để chọn ra một cặp đấu thực sự hấp dẫn về mặt chuyên môn. Sau khi để Hà Tĩnh cầm hoà 0-0 ngay tại Pleiku, HLV Kiatisuk đã thừa nhận nỗi lo các học trò của ông mất cả hứng vì thời gian tập trung đội tuyển Việt Nam quá dài.
Thực tế nếu tính từ khi V-League dừng hồi tháng 7/2021, các câu lạc bộ (CLB) đã trải qua giai đoạn nghỉ quá dài. Trong 2 năm qua, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng chật vật thay đổi lịch thi đấu chỉ để phục vụ những đợt tập trung dài ngày của đội tuyển Việt Nam. V-League, một cách rất tự nhiên, đã bị đặt xuống dưới lợi ích của các ĐTQG.
Tới đây sau vòng 4, giải đấu tiếp tục phải dừng lại để nhường "đất” cho nhiều sự kiện thể thao khác, và chỉ tái khởi tranh vào tháng 7. Rất khó để tìm thêm những ví dụ khác về việc một giải đấu lại bị xé lẻ như vậy, mà vẫn duy trì được chất lượng, sức nóng như mong đợi.
VFF dĩ nhiên có lý do để muốn dồn toàn lực cho các ĐTQG, đặc biệt là đội tuyển Việt Nam. Thành công của các đội bóng dưới thời HLV Park Hang-seo đã giúp đội tuyển Việt Nam và ông Park nhận được nhiều ưu ái. Điều này không có gì bất thường. V-League và các giải chuyển nghiệp hiện đã được VFF chuyển giao cho VPF tổ chức khai thác, trong tay VFF lúc này chỉ còn các ĐTQG.
Thành công của các đội bóng đem về cho VFF nguồn thu tăng lên từ tiền quảng cảo, tài trợ, bản quyền… Sức ép với VFF cũng rất lớn, liên quan đến thành bại của các ĐTQG.
Tuy nhiên thành công của các ĐTQG về mặt dài hạn cần dựa trên sự phát triển, chất lượng của V-League. Không phải ngẫu nhiên từ năm ngoái, đòi hỏi của các CLB về việc V-League cần được quan tâm hơn ngày càng nhiều.
Đại diện các đội bóng như HAGL, Becamex Bình Dương từng lên tiếng mong muốn VFF dành không gian cho V-League. Nếu nhìn vào thực tế vừa qua, có thể tin rằng tiếng nói của các CLB chưa được VFF thực sự lắng nghe.
Mùa giải 2021 đã phải dừng nửa chừng với nhiều lý do khác nhau: sự đồng lòng của các CLB ở nhóm dưới đang có nguy cơ rớt hạng, dịch COVID-19, nhưng có cả nguyên nhân VFF và VPF không thể sắp xếp được thời gian bởi vướng lịch thi đấu Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Trong khi đó, cơ hội đi tiếp của đội tuyển Việt Nam ở giải đấu trên là rất thấp, và mục tiêu VFF đặt ra đối với thầy trò ông Park cũng chỉ là tích luỹ kinh nghiệm để chuẩn bị cho mục tiêu đoạt vé vào năm 2026.
Ở góc độ đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức giải, có thể tin rằng VPF không phải không ưu tư với những vấn đề trên. Việc phải đổi lịch "như cơm bữa” trong bối cảnh thời gian eo hẹp luôn là bài toán khó với bộ phận chuyên môn của VPF. Tuy nhiên, VPF lại chịu sự chi phối lớn của VFF trên nhiều phương diện. Kết cục của nó là khi không dung hoà được lợi ích của V-League với đội tuyển Việt Nam, lợi ích của V-League sẽ bị hy sinh.
Như đã nói ở trên, ngắn hạn đội tuyển Việt Nam và ông Park Hang-seo có thể hưởng lợi nhưng dài hơn, điều này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của V-League, tác động trực tiếp tới chất lượng các ĐTQG. Đã tới lúc VFF cần đặt V-League vào một vị trí quan trọng hơn?
(Theo TP)