Quyết định kể trên được thông qua với 71% phiếu thuận từ 152 liên đoàn quốc gia. Trước đó, một báo cáo của Hội đồng Khoa học FINA đã chỉ ra rằng, các vận động viên chuyển giới có lợi thế đáng kể so với những trường hợp khác, kể cả khi đã giảm mức testosterone thông qua việc sử dụng thuốc.
Trong một tài liệu khác, FINA tuyên bố, những vận động viên chuyển giới từ nam thành nữ chỉ có thể tham gia các giải đấu chuyên nghiệp dành cho nữ "nếu chưa trải qua giai đoạn dậy thì đánh dấu sự phát triển thể chất ở nam giới hoặc trước 12 tuổi", tùy theo điều kiện nào đến trước.
Khi đề cập đến động thái kể trên, Chủ tịch FINA Husain al-Musallam cho biết, cơ quan này bảo vệ quyền thi đấu của các vận động viên nhưng cũng phải bảo vệ tính công bằng cạnh tranh tại các giải đấu, đặc biệt ở những sự kiện dành cho nữ giới.
Tuy nhiên, FINA cũng cam kết sẽ thành lập một nhóm chuyên gia nhằm nghiên cứu kỹ lưỡng, trước khi đưa ra hạng mục riêng dành cho những vận động viên chuyển giới tại các cuộc thi chuyên nghiệp. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Diễn biến kể trên khiến FINA trở thành cơ quan thứ hai sau World Rugby, cơ quan quản lý bóng bầu dục thế giới, đưa ra lệnh cấm đối với vận động viên chuyển giới dựa trên lý do khoa học.
Theo The Guardian, hầu hết các môn thể thao khác đã sử dụng giới hạn testosterone làm cơ sở để cho phép vận động viên chuyển giới thi đấu ở hạng mục dành cho nữ. Đây là quan điểm nhằm thúc đẩy sự hòa nhập nhưng cũng vướng nhiều chỉ trích vì lý do không công bằng.
Sau động thái gây nhiều tranh cãi của FINA, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cũng đang xem xét những quy định về giới tính. Cơ quan này không đưa ra bình luận về chi tiết của các sửa đổi được đề xuất đối với những quy định hiện hành.
Theo Marca, FIFA đang trong quá trình tham vấn để có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất đối với cầu thủ chuyển giới tại các giải đấu dành cho nữ. Trước khi đi đến kết luận cuối cùng, cơ quan này sẽ tham khảo ý kiến từ giới chuyên gia pháp lý, y tế, khoa học và thậm chí cả nhân quyền. Trong trường hợp cần thiết, FIFA cũng sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Hồi năm 2021, IOC đã lên tiếng về sự việc này. IOC cho rằng, khi chưa có bằng chứng xác thực, những vận động viên có khác biệt về giới tính hoặc tình trạng chuyển giới không nên bị coi là có lợi thế cạnh tranh không công bằng.
(Theo HNMO)