Lò Thị Hoàng - cô gái Thái với cú ném lao đi vào lịch sử thể thao Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/11/2023 | 3:10:21 PM

Cú ném lao với thành tích 56,37m của Lò Thị Hoàng mang về tấm huy chương vàng đầu tiên ở nội dung ném lao cho thể thao Việt Nam ở một kỳ SEA Games.

VĐV Lò Thị Hoàng
VĐV Lò Thị Hoàng

Mai Châu (Sơn La) một buổi chiều nắng đẹp, những em gái nhỏ người Thái đang cùng tập điệu múa xòe để biểu diễn văn nghệ ở trường học. Đã là người Thái phải biết múa xòe, điệu múa của niềm vui, điệu múa rộn ràng của sự đoàn kết cộng đồng. Trên khoảng sân rộng, vài cô cậu nhóc tinh nghịch mang một cây gậy ra, "để tập ném lao", mô phỏng lại một môn thể thao quốc tế.

"Tại sao em lại tập ném lao?", "Vì em muốn mạnh mẽ như chị Lò Thị Hoàng".

Sau SEA Games 31, "cô gái vàng của thể thao Sơn La" Lò Thị Hoàng nói rằng: "Em rất vui vì giờ cuộc sống có chút thay đổi, em được mọi người biết đến nhiều hơn. Vui hơn nữa là môn ném lao - bộ môn trước kia không mấy ai chú ý, và những nữ vận động viên môn này vốn rất thiệt thòi đã được biết đến nhiều hơn". Sau SEA Games 31, cô gái người dân tộc Thái Lò Thị Hoàng được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, như cô nói là phần thưởng cao quý nhất trong sự nghiệp của mình.

Trước đây, ném lao là bộ môn ít được người hâm mộ quan tâm. Lí do là điền kinh Việt Nam thống trị khu vực, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam vô địch vô số nội dung của thi đấu điền kinh, nhưng chưa từng có tấm HCV nào ở nội dung này qua tất cả những lần Đại hội thể thao Đông Nam Á được tổ chức.

Trên sân Mỹ Đình, nội dung thi ném lao nữ của SEA Games 31 có sự cạnh tranh quyết liệt. Với cú ném lao xuất sắc đạt thành tích 56,37m, Lò Thị Hoàng mang về tấm HCV đầu tiên trong lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở bộ môn ném lao. Thành tích này của cô đã phá kỉ lục SEA Games ở bộ môn này, một thành tích làm ngỡ ngàng giới chuyên môn.

Ném lao là bộ môn đòi hỏi khổ luyện, và khi thi đấu thì cần nhiều đến cảm giác. Cú ném "không thể tin nổi" của Lò Thị Hoàng được lí giải thuộc vào trạng thái mà ý chí, sự quyết tâm vượt bậc đem đến một thành tích vượt giới hạn.

Hình ảnh một nữ VĐV Việt Nam với cánh tay rắn chắc phóng đi cây lao đã lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội như một biểu tượng về sự mạnh mẽ của người phụ nữ. Để có thành tích ấy, Lò Thị Hoàng đã phải đi một hành trình dài với sự khổ luyện. Từ một cô gái dân tộc thiểu số nhỏ bé, nhút nhát, thể thao là hành trình để Lò Thị Hoàng mạnh mẽ hơn, vươn tới ước mơ, đem về vinh quang cho Tổ quốc.

Nói về vai trò của gia đình đối với thành công lịch sử với bản thân, Lò Thị Hoàng cho biết: "Với tôi thì vai trò của mẹ (ảnh phải) không thể kể hết. Khi tôi mệt mỏi, không tập luyện được, áp lực nhiều cái quá thì tôi lại gọi về cho mẹ tôi để nhận được sự động viên, bảo ban. Bố mẹ tôi bảo phải cố gắng, vì chúng tôi là người dân tộc, hiếm người được đi học và do đó làm gì phải cố gắng".

Lúc thi đấu, Lò Thị Hoàng vô cùng mạnh mẽ, nhưng khi giành HCV, cô đã khóc rất nhiều. "Là người dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn, em đã không được đi học. Thành tích này rất có ý nghĩa với em, em xin dành tặng cho cha mẹ mình". Những giọt nước mắt khi Lò Thị Hoàng chạy lên khán đài ôm lấy cha mẹ khiến bao người hâm mộ thể thao xúc động.

Sau cú ném đi vào lịch sử này, Lò Thị Hoàng chính thức trở thành kỉ lục gia ném lao Việt Nam. Tuy nhiên, số phận lại tiếp tục thử thách ý chí của cô một lần nữa. Lò Thị Hoàng bị chấn thương đứt dây chằng gối, buộc phải nghỉ thi đấu dài hạn. Cô phải phẫu thuật nối dây chằng, trải qua quá trình luyện tập phục hồi mới có thể trở lại. Lò Thị Hoàng lỡ cơ hội tham gia SEA Games 32, điền kinh Việt Nam cũng hụt thành tích ở nội dung này.

Trở lại trong giải vô địch Quốc gia mới đây, thành tích của nữ VĐV Sơn La đã không được như ý muốn. Vẫn giữ sự lạc quan, cô chia sẻ rằng: "Với em, cứ được thi đấu đã là hạnh phúc. Trước đây, em đã luôn luyện tập trong những điều kiện khó khăn thiếu thốn. Em vẫn sẽ luôn không ngừng nỗ lực, chờ cơ hội để trở lại và tiếp tục thi đấu các giải quốc tế".

Cạnh những trường học trên những địa phương vùng cao của tỉnh Sơn La, những đứa trẻ sau giờ học vẫn đuổi theo quả bóng ở những sân bóng trên triền đồi cao, những sân bóng "nhà hát của những giấc mơ". Những đứa trẻ vẫn tập chạy trên những con đường đầy sỏi đá, và đó là những niềm vui bất tận. "Mạnh mẽ như chị Hoàng", cô gái người Thái đã truyền cảm hứng, đã mang lại những điều tốt đẹp. Thể thao có sức lan tỏa mạnh mẽ, và những điều này có giá trị chẳng khác gì tấm huy chương vàng mà Lò Thị Hoàng đã chạm tay vào ở đấu trường SEA Games. 

(Theo phunuvietnam)

Các tin khác
Các đội bóng đã có vé dự VCK EURO 2024.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ban tổ chức đã xác định được 11/24 đội bóng đã có vé dự Vòng chung kết (VCK) EURO 2024 diễn ra tại Đức.

Văn Toàn ghi bàn cho đội tuyển Việt Nam.

Hai pha lập công của Văn Toàn và Đình Bắc giúp đội tuyển Việt Nam có chiến thắng quý giá trước đội tuyển Philippines.

Đội kata nữ Việt Nam giành huy chương vàng Asiad 19 (từ trái qua): Lưu Thị Thu Uyên, HLV Nguyễn Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Ngọc Trâm.

Các vận động viên (VĐV) bắn súng, karate, cầu mây giành huy chương vàng Asiad 19 đã nhận khoản thưởng "nóng" 1,2 tỉ đồng từ đoàn thể thao Việt Nam.

Trương Cao Minh Phát tham gia sự kiện MTR hồi tháng 7.

Võ sĩ Việt Nam xếp hạng 8 thế giới gặp đối thủ người Iran Mostafa Armand trong trận tranh danh hiệu WBC Muay Thái thế giới tại Việt Nam vào ngày 19/11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục