Vẫn xanh màu áo lính
- Cập nhật: Thứ tư, 18/12/2013 | 2:13:06 PM
YBĐT - Nguyễn Đăng Lộc là tác giả thơ được nhiều bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết đến. Anh đã cho ra mắt ba tập thơ: “Vẫn xanh màu áo lính”, “Neo đậu nỗi nhớ”, “Đếm mưa”, cảm xúc chủ đạo là tình cảm với đồng đội, quê hương và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Dọc đường thơ anh có thể chia thành hai thời kỳ: khi ở quân ngũ và lúc trở về với đời thường.
|
Thời quân ngũ, ta gặp cái sôi nổi của thế hệ thanh niên chống Mĩ cứu nước sẵn sàng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cũng như bao bè bạn cùng trang lứa, anh sớm xung phong lên đường gia nhập vào đội quân cách mạng:
Khói bom ập tới - chiến tranh
Xếp bút nghiên thoắt trở thành lính ngay
Đi cứu nước súng cầm tay
Ba lô nặng trĩu đong đầy gió sương
(Thời ấy)
Từng phục vụ trong quân chủng hải quân, “đối mặt cùng bão tố” nên Nguyễn Đăng Lộc có nhiều suy ngẫm sâu sắc về đất nước và chiến tranh. Đất nước là non cao, biển rộng “là cá/ là tôm/ là cánh buồm no gió/là giàn khoan thắp lửa sáng trời”. ở đó, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc có “chúng tôi người lính biển” đang ngày đêm giữ gìn, bảo vệ bởi “Trái tim ở phía mặt trời mọc”. Còn chiến tranh không phải trò đùa mà là đạn bom, gian khổ và hy sinh. Nhưng cũng trong lửa đạn khốc liệt, tình cảm đồng đội gắn bó hơn bao giờ hết:
Chiến trường xưa chia lửa gian nan
Mẩu khoai mì mớm nhau giành sự sống
Đêm sốt rét ôm nhau truyền hơi ấm
Hạt muối giữa rừng sâu nặng một vùng quê
(Gọi tên đồng đội)
Nhiều đồng đội đã hy sinh, thậm chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ “Lứa tuổi hai mươi/Trang nhật ký còn đang viết dở”. Song nhận thức của tác giả đó là sự hy sinh mang ý nghĩa lớn “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Các anh đã hóa thân vào đất nước để trở thành bất tử:
Máu các anh thắm đỏ sắc cờ
Hồn các anh là màu xanh đất nước.
Hết chiến tranh, người lính trở về trong ca khúc khải hoàn. Quê hương, nơi “Đường gạch nghiêng, cổng làng vương vấn/Tiễn đi xa… nay đón đợi ta về”. Bao ước mơ ấp ủ mang theo mong ngày về thực hiện mà cũng nhiều hẫng hụt khi cuộc sống có quá nhiều sự thay đổi. Từ cây đa làng kỷ niệm xưa “ai chặt cành, đốn cây, đào rễ” đến “Đồng làng bây giờ lọt trong khu công nghiệp/Ruộng mật bờ xôi nghĩ mà luyến tiếc/Hương nếp cái hoa vàng còn vấn vít hồn tôi” và nhất là xã hội ngày càng có sự phân hóa giàu nghèo, đạo đức băng hoại:
Người xưa - giờ cách mặt
Em tuổi thơ - xa lòng
Nghẹn ngào trào nước mắt
Ngấm nỗi đau vào trong
(Chợt tỉnh)
Khó khăn trong hòa nhập cộng đồng rồi cũng dần qua. Trái tim người lính lại đập rộn ràng trước cuộc sống đời thường. Họ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của sắc màu văn hóa truyền thống; lại say với tình yêu và càng tự hào về quê hương đất nước:
Nơi địa linh đã mấy nghìn năm
Chí quật cường, máu xương xây đắp
Câu huyền thoại trong lòng người chân chất
Núi Tản trụ trời… Sông Đà ôm đất
Đêm về – trăng trải lụa mênh mang
(Một thoáng xứ Đoài)
Nói về nghệ thuật phải nói Nguyễn Đăng Lộc có hành trình nhất quán: thơ là tiếng nói của “Trái tim vẫn nói những lời trái tim”. Kể từ một số bài thơ đầu tiên viết vào những năm tám mươi của thế kỷ XX thiên về trực cảm, đôi khi gò ép, đến nay đã có sự vươn lên vượt trội. Thơ anh có độ chín của chiêm nghiệm:
Tuổi già/ Mùa xuân qua sau lưng
Tuổi trẻ/ Mùa xuân hồng trước ngực
(Xuân sinh tồn)
Với thơ lục bát nhiều bài thành công. Chất dân ca, làn điệu chèo Tầu của miền mây trắng xứ Đoài đã in sâu vào tiềm thức làm nền để anh sáng tạo. Không ít những câu thơ hay, hình ảnh thơ đẹp:
Lòng còn nhớ mảnh trăng non
Dưới trăng ai giã gạo mòn đêm đông
(Nhớ người)
Hay:
Rạc thân cuốc gọi cuối trời
Hoàng hôn thả những tơi bời vào đêm
(Hỏi lòng)
Tác giả cũng thể nghiệm ở nhiều loại hình thơ, kể cả thơ văn xuôi để cập đến cách tư duy và diễn đạt hiện đại. Tuy nhiên, số bài thành công chưa nhiều. Song bạn đọc vẫn luôn nhớ tới thơ anh, bởi nó là tiếng lòng được cất lên từ trái tim người lính.
Thế Quynh
Các tin khác
Hai tháng sau khi đăng quang, cặp đôi quán quân Đồ Rê Mí 2013 Nhật Minh, Quốc Thái chính thức lên đường đến Australia.
Những điệu nhảy Tango, những bộ phim, triển lãm độc đáo… đã tạo nên sự đặc sắc cho Tuần Văn hóa Argentina tại Việt Nam.
YBĐT - Hoạt động chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Yên Bái không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị làm tăng thêm niềm tin của nhân dân.
Ngày 17-12, bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của các di sản văn hóa thời Trần trên vùng đất Hưng Hà, Thái Bình sẽ xây dựng hồ sơ khoa học trình cơ quan có thẩm quyền đề nghị xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.