Ông già Noel sẽ là Di sản phi vật thể của UNESCO?
- Cập nhật: Thứ năm, 19/12/2013 | 7:32:32 AM
Viện bảo tàng Giáng sinh Đức ở thành phố Rothenburg (Đức) vừa lập hồ sơ đệ trình để ông già Noel của họ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO. Ông già Noel - nhân vật giả tưởng quen thuộc trong nền văn hóa ở khắp các nước có số đông dân cư theo đạo Thiên Chúa, mới đây, ông đã được truy tìm lại “gốc gác”.
Ông già Noel sẽ là Di sản phi vật thể của UNESCO ?
|
Theo đó, Viện bảo tàng Giáng sinh Đức ở thành phố Rothenburg cho rằng ông già Noel của nước họ mới là “bản gốc” và có những nét văn hóa riêng độc đáo. Hiện nay, ông đang bị “đe dọa” sẽ rơi vào quên lãng khi ông già Noel mang đặc trưng văn hóa Mỹ trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới.
Viện bảo tàng Giáng sinh Đức gọi ông già Noel của người Đức là “Father Christmas” còn ông già Noel của người Mỹ là “Santa Claus”.
Trước đây, người Đức vốn đã khẳng định đất nước họ là quê hương sản sinh ra nhiều tục lệ, nét văn hóa độc đáo trong dịp lễ Giáng sinh, chẳng hạn như tục lệ trang hoàng cây thông Giáng sinh, mở những khu chợ Giáng sinh, lập nên lịch Mùa Vọng (khoảng thời gian 4 tuần trước lễ Giáng sinh), thiết kế ra chiếc kẹp hạt dẻ hay những quả bóng kính màu để treo trên cây thông…
Theo giám đốc của Viện bảo tàng Giáng sinh Đức, người Đức không còn biết nhiều về ông già Noel mang đặc trưng văn hóa Đức. Họ không thể phân biệt được sự khác nhau giữa “Father Christmas” của Đức và “Santa Claus” của Mỹ. Theo đó, ông già Noel - Santa Claus của Mỹ được cho là “phiên bản” sau của “Father Christmas”.
Với niềm tin rằng ông già Noel của Đức là ngọn nguồn sản sinh ra những ông già Noel trong các nền văn hóa khác, Viện bảo tàng Giáng sinh Đức đã đệ trình hồ sơ để “Father Christmas” của họ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO.
Bằng chứng được viện bảo tàng này đưa ra là một tờ tạp chí xuất bản hồi giữa thế kỷ 19 ở thành phố Munich (Đức). Tờ tạp chí này đã đăng tải một bức hình phác họa ông già Noel có vẻ mặt hơi dữ dằn, mặc chiếc áo choàng dài tối màu có mũ chùm, đang vác trên vai một cây thông dưới trời đổ tuyết.
Vài thập kỷ sau, một họa sĩ Đức di cư sang Mỹ có tên Thomas Nast đã đưa hình ảnh ông già Noel vào nền văn hóa Mỹ bằng những hình vẽ cách tân, thay áo choàng dài có mũ chùm thành áo choàng ngắn và mũ rời.
Hình ảnh đó đã ngay lập tức được các công ty ở Mỹ sử dụng cho mục đích quảng cáo. Vì vậy, hình ảnh ông già Noel “cau có” của Đức được thay bằng khuôn mặt hồng hào luôn nở nụ cười thân thiện, chiếc áo choàng dài tối màu cũng được thay thành bộ đồ đỏ tươi tắn.
Bên cạnh đó, ông già Noel của Đức không chỉ tặng quà cho những em bé ngoan mà còn rất nghiêm khắc và thường phạt những trẻ em hư.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Theo Kế hoạch số 182 do UBND TP Hà Nội vừa ban hành, các ban, ngành chức năng của thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật (VHNT) phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch, Xuân Giáp Ngọ và kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiều 18-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật 70 đại biểu gia đình văn hóa tiêu biểu đại diện cho gần 700 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc nhân dịp về thủ đô dự hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc lần thứ 2-2013.
YBĐT - Nguyễn Đăng Lộc là tác giả thơ được nhiều bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết đến. Anh đã cho ra mắt ba tập thơ: “Vẫn xanh màu áo lính”, “Neo đậu nỗi nhớ”, “Đếm mưa”, cảm xúc chủ đạo là tình cảm với đồng đội, quê hương và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Dọc đường thơ anh có thể chia thành hai thời kỳ: khi ở quân ngũ và lúc trở về với đời thường.
Hai tháng sau khi đăng quang, cặp đôi quán quân Đồ Rê Mí 2013 Nhật Minh, Quốc Thái chính thức lên đường đến Australia.