Cần có biển di tích nơi phát hiện ra thạp đồng Đào Thịnh
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/12/2013 | 8:45:08 AM
YBĐT - Thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện bên bờ sông Hồng từ năm 1963 tại khu vực giáp ranh giữa thôn I, thôn II xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên). Gần 50 năm kể từ khi được phát hiện, thạp đồng Đào Thịnh đã vinh dự được xếp hạng Bảo vật quốc gia nên nó còn là niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Yên Bái.
Thạp đồng Đào Thịnh - Bảo vật quốc gia được tìm thấy ở Yên Bái.
|
Sở dĩ được xếp hạng Bảo vật quốc gia vì đây là hiện vật hiếm, to và đẹp nhất trong số hơn 200 thạp đồng được phát hiện ở Việt Nam. Kỹ thuật chế tác thạp đồng Đào Thịnh thể hiện đỉnh cao kỹ nghệ đúc đồng của người Việt cổ mà cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn về kỹ thuật. Hoa văn trên thạp vô cùng tinh tế và nó phản ánh rất đa dạng bản sắc văn hóa ở nhiều phương diện trong đời sống của cư dân nền văn minh lúa nước sông Hồng…
Từ những giá trị văn hóa ấy, đến bây giờ thạp đồng Đào Thịnh vẫn là một đề tài vô cùng hấp dẫn của giới truyền thông và các nhà nghiên cứu khoa học giải mã “Những bí ẩn thạp đồng Đào Thịnh”. Bao thế hệ người dân tỉnh Yên Bái và huyện Trấn Yên cũng đã có cơ hội đến các cuộc trưng bày lưu động hoặc đến với Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng huyện Trấn Yên để ngắm nghía phiên bản bảo vật này.
Tuy nhiên, nhiều người dân trong xã Đào Thịnh, những người nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng tỏ ra băn khoăn giống như ông Nguyễn Trường Sơn-Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên rằng, vì sao từ lâu ta đã khẳng định đây là hiện vật vô cùng quý giá và nay thì xếp hạng Bảo vật quốc gia mà địa điểm phát hiện ra nó lại không được đặt một tấm bia ghi dấu? Ông Sơn cũng cho biết thêm, mấy năm trước khi ông còn công tác ở Phòng Văn hóa huyện, ông đã đặt vấn đề với cơ quan chuyên môn của tỉnh về việc nên đặt bia ghi dấu nơi phát hiện ra thạp đồng Đào Thịnh nhưng vẫn không nhận được sự hồi âm.
Trao đổi với ông Mã Đình Hoàn-Giám đốc Ban Quản lý di tích-danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hoàn khẳng định, việc đặt một tấm bia di tích ở đây là rất cần thiết và tới đây Ban Quản lý sẽ chủ động tham mưu, đề xuất với Sở về vấn đề này. Đồng thời, việc xây dựng một tấm bia di tích cũng không quá tốn kém về mặt tài chính, thậm chí có thể vận dụng cả những giải pháp xã hội hóa để thu hút nguồn lực.
Thiết nghĩ, đặt một tấm bia ghi dấu di tích cũng sẽ có rất nhiều thuận lợi vì nó nằm ngay khu vực trung tâm xã. Từ đường tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang ra điểm bờ sông phát hiện được thạp đồng chỉ cách khoảng 200m và không gian rất thoáng đãng. Đường Yên Bái-Khe Sang ở điểm này lại chạy song song với đường sắt Hà Nội-Lào Cai. Bởi thế, nếu biển di tích có nét chữ to thì người đi đường bộ hay đường sắt đều có thể nhận diện được đây là nơi phát hiện ra bảo vật quốc gia.
Đồng thời, nếu xây dựng biển di tích cũng cần lưu ý thỏa mãn các thông tin về Yên Bái là nơi có thể coi như quê hương của thạp đồng Đông Sơn vì trong số trên 200 thạp đồng được phát hiện thì có tới trên 30 chiếc ở Yên Bái. Đặc biệt, số thạp đồng phát hiện ở Yên Bái lại có tới 1/3 tìm thấy ở Đào Thịnh.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Triển lãm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh về Lực lượng vũ trang trong học tập, lao động, sinh hoạt, công tác…
Viện Hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh (AMPAS) vừa công bố danh sách 289 phim điện ảnh đạt tiêu chuẩn tranh giải tại Oscar 2014, tăng 7 phim so với Oscar năm ngoái.
Tối 18/12, Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33 đã chính thức khai mạc tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Viện bảo tàng Giáng sinh Đức ở thành phố Rothenburg (Đức) vừa lập hồ sơ đệ trình để ông già Noel của họ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO. Ông già Noel - nhân vật giả tưởng quen thuộc trong nền văn hóa ở khắp các nước có số đông dân cư theo đạo Thiên Chúa, mới đây, ông đã được truy tìm lại “gốc gác”.