Tết của người Tày
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/1/2014 | 2:45:33 PM
YBĐT - Cũng giống như các dân tộc ở mọi miền Tổ quốc, hàng năm, vào mùa thu hoạch xong, bà con người Tày Khao ở xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) lại nô nức chuẩn bị đón tết cổ truyền.
Người Tày xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) gói bánh ngày tết.
|
Trong những công việc sắm sửa cho tết, bà con người Tày nơi đây không quên sắm một mâm lễ cúng với đầy đủ các món ăn ngon cổ truyền của dân tộc để ngày 27 tết nhà nhà bưng lễ ra đền cúng tết tưởng nhớ vị anh hùng trung dũng Hà Khắc Chương.
Người già kể lại, vào thời quân Mông Nguyên xâm lược nước ta, ông Hà Khắc Chương (dân tộc Tày) là một vị tướng tài ba, văn võ song toàn được nhà vua phong làm tướng tiên phong dẫn theo một đội quân đánh đuổi quân Nguyên ngược theo sông Hồng lên đến đối diện đền Nhược Sơn hiện nay, sang bên kia sông thì không may bị trúng tên của giặc và hy sinh. Ông đã được quân sỹ và nhân dân nơi đây đưa về mai táng. Để tưởng nhớ tới công lao của ông, nhân dân đã lập đền thờ Hà Chương tại gốc đa và đặt tên đền Nhược Sơn. Sau khi đi lễ ở đền xong, bà con đồng bào Tày lại tiếp tục về sắm sửa mọi thứ cho ngày tết.
Ngoài các loại bánh kẹo, hoa quả, thịt rượu như các dân tộc khác thì trong ngày tết cổ truyền đối với người Tày không thể thiếu một số món truyền thống như: “pẻn đang” tức là bánh đảng hay còn gọi là bánh tro hoặc bánh chay bởi đây là loại bánh gói trơn không nhân, bánh không có mùi vị của thịt, mỡ, mắm muối...
Đây là loại bánh đặc trưng của người Tày. Đối với người Tày, “pẻn đang” với hương vị từ nhiều loại cây tạo thành thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc, anh em, họ hàng… Bên cạnh đó còn “pẻn cuổi” tức là bánh chuối. Bánh được làm bằng quả chuối tây chín bóc vỏ sấy khô, đem rửa sạch rồi xôi chín, cho vào cối giã thật nhuyễn, đem bột gạo nếp trộn vào rồi giã tiếp cho thật đều và nặn thành từng chiếc, cho nhân vào, rồi gói vào lá chuối và đem xôi chín sẽ được loại bánh vừa thơm ngon vừa đẹp mắt.
Ngày tết, người Tày còn để hai cây nứa dựng thẳng gốc, chạm đất, ngọn chạm chân mái nhà ở cửa đối diện bàn thờ với quan niệm làm cầu thang cho tổ tiên về ăn tết với gia đình. Hai bên bàn thờ không thể thiếu hai cây mía to thẳng với quan niệm làm gậy cho tổ tiên chống để ăn tết với con cháu. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, ngày 29 tết, mọi người tập trung làm tổng vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, cổng, đường làng ngõ xóm với quan niệm quét hết các bệnh tật, xui xẻo, những điều không may, không tốt trong năm cũ đi để mở đầu cho một năm mới tốt lành.
Ngày 28-30, các nhà chia nhau mổ lợn làm cỗ để mời anh em, hàng xóm đến uống rượu chúc mừng nhau. Tối 30 lau chùi lại bàn thờ, nhà của sạch sẽ, mâm cỗ chuẩn bị để cúng tổ tiên đêm giao thừa với đầy đủ các món gia truyền ngon như: “pẻn đang”, “pẻn cuổi”, thủ lợn, thịt gà, bánh kẹo, hoa quả, rượu trắng...
Khi chuẩn bị xong xuôi, người chủ nhà khấn và báo cáo kết quả sau một năm lao động, sản xuất cho tổ tiên, rồi có lời cảm ơn tổ tiên, các thần linh, thần núi, thần rừng, thần thổ địa, thần sông suối... trong năm đã phù hộ cho gia đình và cầu mong các vị thần về nhận lễ cúng tết rồi lại tiếp tục phù hộ cho gia đình năm mới mạnh khỏe, mưa thuận, gió hoà.
Đặc biệt, mùng 1 tết mọi nhà đều kiêng không cho trẻ ra ngoài, chủ nhà dậy sớm làm một mâm cỗ cúng tổ tiên báo hiệu ngày khởi đầu của năm mới đã đến, song mới cho trẻ ra ngoài đi chơi, rồi mời anh, em họ hàng đến nhà cùng ăn cơm, uống rượu chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt, vạn sự như ý...
Mùng 2 đến mùng 5, bà con, già trẻ nô nức kéo nhau về tụ tập tại một số điểm để sinh hoạt cộng đồng, đó có thể là một sân, bãi đất rộng bằng phẳng để vui chơi văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như: “tức xiên” nghĩa là đánh yến, “tức cọn” nghĩa là ném còn, kéo co, đánh đu, bóng đá, bóng chuyền... Tối đến mọi người lại tập trung đến một nhà có thể là nhà của một già làng hay trưởng họ có uy tín để “the then” tức múa xòe then - một điệu múa cổ truyền đặc trưng của người Tày, “múa sạ” tức múa nhảy sạp, hát đối nam nữ, hát giao duyên...
Trước đây, người Tày ở đây có thể vui chơi đến hết rằm mới đi làm nhưng giờ sau ngày mùng 5 - 6 tết họ đã đua nhau xuống đồng, lên rẫy, tiếp tục lao động, sản xuất, thi đua cấy nhanh, cấy thẳng... trong niềm tin, niềm hy vọng vào một năm mới nhiều thành công và hứa hẹn mới.
A Mua
Các tin khác
Mới đây, Trang Nhung vừa cho ra đời một album ca nhạc đặc biệt với chủ đề viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Phan Hoàng Thu đã có buổi làm việc với Sở VH-TT-DL Hà Nội xung quanh việc tự ý đi thi mà không xin phép.
YBĐT - Tập truyện “Những ánh sao xanh” của Nông Quang Khiêm như một bức tranh với những gam màu tươi sáng đầy hương sắc và tình người về quê hương yêu dấu của anh. Từ cốt truyện đến những chi tiết nghệ thuật cùng tính cách các nhân vật đều là những người thân yêu xung quanh anh, chưa nói đôi chỗ còn thấp thoáng chính gương mặt của tác giả.
Chương trình do Nhà văn hóa Thanh niên, Báo Tuổi Trẻ, Hãng phim Trẻ và HTV phối hợp tổ chức, diễn ra từ 14 giờ 30 đến 17 giờ ngày 10.1 tại sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM. Chương trình được truyền hình trực tiếp từ 15 giờ 30 đến 17 giờ trên kênh HTV9.