Trung ương Cục miền Nam - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/1/2014 | 8:58:57 AM

YBĐT - Về thăm mảnh đất Tây Ninh hôm nay đang đổi thay từng ngày, từng giờ, thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam được hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam, về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Căn cứ “R” Trung ương Cục - Cơ quan đầu não của cach mạng miền Nam.
Căn cứ “R” Trung ương Cục - Cơ quan đầu não của cach mạng miền Nam.

 Trong chuyến hành trình dọc miền đất nước, để tìm hiểu truyền thống lịch sử, đoàn công tác của Báo Yên Bái đã đến nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng như: thành cổ Quảng trị, sông Bến Hải, Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Phú Quốc… Trong các địa chỉ cách mạng đó, Di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh là một địa chỉ cách mạng gây ấn tượng khó quên đối với mỗi người làm báo chúng tôi.

Từ thị xã Tây Ninh, theo quốc lộ 22  khoảng một giờ đồng hồ chạy xe chúng tôi đến xã Tân Lập huyện Tân Biên. Bỏ lại hai bên đường những cánh rừng cao su cùng những khu dân cư trù phú, xe chạy khoảng chục kilômét dưới tán rừng tự nhiên xanh ngát với những cây cổ thụ chi chít dây leo, hiện trước mắt chúng tôi là trụ sở đón tiếp, nhà truyền thống… dưới tán cây đại thụ. Nằm ở Rùm Đuôn xã Tân Lập, căn cứ Trung ương Cục cách biên giới Campuchia  chỉ chừng 1km theo đường chim bay, cách cửa khẩu Xamát chừng khoảng 4km. Nơi đây có vị trí rất thuận lợi trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng cũng như đảm bảo bí mật, an toàn.

Với những tên gọi khác như: R (mật danh của Trung ương cục miền Nam); căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt căn cứ); căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian dài); căn cứ địa Bắc Tây Ninh, dù với tên gọi nào, Trung ương Cục vẫn là một căn cứ cách mạng, là một bộ phận của Ban chấp hành Trung ương Đảng Việt Nam, có nhiệm vụ chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Tháng 3 năm 1951, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (khóa II) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư. Để đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt có hiệu quả, ngày 6/9/1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đến ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam, một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đầu 1965, Trung ương Cục được giao nhiệm vụ chỉ đạo kháng chiến ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đảm nhận trọng trách Bí thư Trung ương Cục. Sau khi có quyết định, lễ thành lập Trung ương Cục được tổ chức long trọng tại Mã Đà, căn cứ đóng tại Suối Nhung (chiến khu Đ) tỉnh Đồng Nai.

Đầu năm 1962, căn cứ chuyển về Chiến khu Bắc Tây Ninh cho đến ngày 30/4/1975.  Và tại đây, trong khoảng thời gian 15 năm (1961 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Việt Nam mà trực tiếp là các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam. Lịch sử đã chứng minh, quyết định thành lập căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Trung ương Cục đã để lại những bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn với nhân dân, đặc biệt về bài học xây dựng Đảng.

Là thủ đô của cách mạng miền Nam, nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam bộ, với tầm vóc lịch sử của mình, năm 1990, căn cứ Trung ương Cục được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa và được đầu tư trùng tu, tôn tạo hai giai đoạn (1994  và  2005). Và ngày 10/5/2012,Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hiện nay với diện tích khoảng 70ha, khu di tích lịch sử gồm ba phân khu chính là: căn cứ Trung ương Cục miền Nam, căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong đó, khu Trung ương Cục sau khi trùng tu được quy hoạch thành hai khu vực chính là khu di tích đã phục hồi gồm: nhà thường trực, hội trường lớn, hội trường nhỏ, nhà bảo vệ, văn phòng, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cùng hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu và hầm hàm ếch, phân bố đều trên toàn tuyến.

Còn Khu tưởng niệm được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà đón tiếp, trưng bày, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Vì vậy, trước khi đi vào rừng, đoàn chúng tôi được vào tham quan tại Nhà trưng bày di tích lịch sử. Những hình ảnh tư liệu của cuộc kháng chiến chống Mỹ rất chân thật, tận mắt chứng kiến những dụng cụ sinh hoạt, những tư liệu và phương tiện vũ khí chiến đấu thô sơ  càng hiểu và cảm phục hơn những vất vả hy sinh và những cố gắng vượt qua khó khăn cũng như tài trí của thế hệ đi trước.

Từ nhà truyền thống, con đường nhỏ đưa chúng tôi đến những căn nhà nhỏ bé đơn sơ ẩn mình sau tán lá rừng được phục hồi nguyên trạng trên nền đất cũ. Tại nhiều nhà, dấu vết chiến tranh vẫn còn in đậm khi bên cạnh vẫn còn hố bom B52 sâu hoẳm, dù trải qua thời gian vẫn rộng như chiếc ao con.

Trong các nhà được phục dựng có nhà hội họp tập thể,  nhà làm việc của các cán bộ cao cấp đã đi vào huyền thoại như đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt… Điều đặc biệt của những ngôi nhà này ngoài sử dụng vật liệu bằng tre, gỗ còn phần mái lại được lợp bằng lá rừng giống lá xoài mà  bộ đội ta gọi là lá trung quân.

Tại các nhà ở và làm việc, nơi các vị lãnh đạo đã từng ở và làm việc bắt gặp những kỷ vật là các vật dụng  có thời gian cách đây trên gần nửa thế kỷ  như: chiếc chõng tre, tủ, kệ bằng ván đến các súc gỗ làm bàn, ghế… thật đơn sơ. Mỗi người thắp một nén tâm nhang tưởng niệm những nhân vật huyền thoại đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi của họ thì vẫn còn sống mãi với thời gian. Chúng tôi ai cũng bồi hồi xúc động về một thời kỳ cách mạng đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng thật oai hùng của thế hệ đi trước.

Từ sự mưu trí, dũng cảm, biết lợi dụng yếu tố địa lý và tự nhiên nên mặc dù trong chiến tranh nhiều lần bị địch đánh phá ác liệt nhưng căn cứ  Trung ương Cục vẫn được bảo vệ vững chắc và trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, trí thông minh, tài thao lược của quân và dân Việt Nam.

Về thăm mảnh đất Tây Ninh hôm nay đang đổi thay từng ngày, từng giờ, thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam được hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam, về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Đình Tứ

Các tin khác

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/52014), ngành du lịch tỉnh Điện Biên đã triển khai chỉnh trang, sửa chữa nhiều điểm di tích, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

Lễ công bố đề cử của Oscar 2014 vừa diễn ra cách đây ít giờ tại Los Angeles. Trong danh sách đề cử, American Hustle và Gravity đã trở thành 2 phim có số lượng đề cử cao nhất của năm nay.

“American Hustle – Săn tiền kiểu Mỹ” giành được 10 đề cử Oscar.

Hai bộ phim dẫn đầu đề cử cho giải Oscar lần thứ 86 là “American Hustle” và “Gravity” khi giành được 10 đề cử.

Bìa cuốn tiểu thuyết Gadsby sáng tác năm 1939 của nhà văn Mỹ Ernest Vincent Wright.

Trong lịch sử một nhà văn Mỹ đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết dài 50.000 từ có tên Gadsby mà không một lần sử dụng chữ “e”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục