Thêm sắc màu cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/1/2014 | 9:05:58 AM

YBĐT - Nhẹ nhàng mà tinh tế, mộc mạc mà có hồn, giờ đây, cùng với các dòng tranh khác như: đá quý, sơn mài, tranh gỗ..., những sản phẩm tranh thêu chữ thập giàu giá trị nghệ thuật cũng đã khẳng định được vị thế và có mặt ở mọi không gian.

Thêu tranh chữ thập đã trở thành sở thích của nhiều bạn trẻ để rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và sự khéo léo.
Thêu tranh chữ thập đã trở thành sở thích của nhiều bạn trẻ để rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và sự khéo léo.

Cuộc sống hiện đại kéo theo những lo toan, mệt mỏi khiến cho nhiều người phải khỏa lấp bằng những thú vui để tìm lại cảm giác thư thái, yên bình. Người thì chọn cách đi du lịch, người chơi thể thao, song với phụ nữ, ngoài công việc xã hội còn đảm đương việc nội trợ, chăm sóc gia đình, con cái nên để có thể thư giãn, xả stress, thoả mãn niềm đam mê... mà không phải phụ thuộc vào yếu tố thời gian, địa điểm, hiện nay, không ít chị em đã tìm đến bộ môn nghệ thuật mới - thêu tranh chữ thập.

Tranh chữ thập xuất hiện trên thế giới cách đây đã vài thập kỷ, song du nhập vào Việt Nam thì mới chỉ những năm gần đây. Tranh thêu chữ thập là hình thức thêu lên một tấm vải thô (còn gọi là Aida). Trên Aida được chia thành nhiều ô vuông nhỏ cách đều nhau và in sẵn mẫu. Người thêu chỉ việc thêu đè lên nền mẫu in theo hình chữ thập trong mỗi ô vuông nhỏ. Tranh đặc biệt ở chỗ là chỉ bằng những đường kim mũi chỉ mà bất kỳ ai cũng làm được, những gam mầu của cuộc sống lại được tái hiện một cách rất sinh động, mềm mại. Tình yêu, tình bạn, cỏ cây, hoa lá, tĩnh vật, dân gian...đều đã trở thành chủ đề và là nguồn cảm hứng bất tật của dòng tranh này. Thông qua mỗi bức tranh tự tay làm, nhiều người đã rèn luyện được cho mình tính kiên trì, nhẫn nại, sự khéo léo, giúp phần nào tránh được những áp lực căng thẳng trong cuộc sống.

Hiện đang là chuyên viên công tác tại một sở trên địa bàn tỉnh, chị Nguyễn Thị Hà, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) cho biết: "Từ nhỏ đến lớn, mình chẳng mấy khi cầm đến cây kim sợi chỉ. Nhưng từ khi nhìn thấy những bức tranh thêu đẹp, mình lại muốn tự tay làm được những bức tranh đẹp như thế và rồi mê chúng lúc nào không hay. Tranh đã giúp mình thấy yêu cuộc sống, gần gũi với thiên nhiên và giảm bớt những mệt mỏi". Mỗi bức tranh được hoàn thành, nhìn ngắm lại tác phẩm tự tay làm, hào hứng, hạnh phúc là cảm giác của hầu hết người thêu tranh.

Bác Đặng Thị Mai năm nay ngoài 50 tuổi ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) tâm sự: "Nghỉ hưu ở nhà, ngoài giờ trông cháu, tôi cũng đã học thêu tranh cho đỡ buồn. Ban đầu nghĩ chỉ thêu một hai bức treo trong nhà, song rồi thấy thích nên tôi đã thêu thêm tặng bạn bè, người thân. Đặc biệt, việc thêu tranh đã giúp tôi rèn luyện trí nhớ và sự dẻo dai của đôi tay".

Nhẹ nhàng mà tinh tế, mộc mạc mà có hồn, giờ đây, cùng với các dòng tranh khác như: đá quý, sơn mài, tranh gỗ..., những sản phẩm tranh thêu chữ thập giàu giá trị nghệ thuật cũng đã khẳng định được vị thế và có mặt ở mọi không gian. Tranh thêu đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp, tạo phong cách, điểm tô cho mỗi ngôi nhà, nơi công sở, đồng thời cũng là cách tôn thêm những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam "công, dung, ngôn, hạnh".

Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu của người yêu tranh, tại thị trường Yên Bái, các mẫu tranh thêu chữ thập cũng đã ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Bên cạnh những mẫu quen thuộc như: tứ quý, thư pháp, thủy mặc..., những bức tranh có hình ảnh ngộ nghĩnh, tươi vui, phản ánh không khí lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của con người cũng được bày bán khá nhiều.

Chị Nguyễn Thị Thủy- chủ cửa hàng bán mẫu tranh thêu trên đường Điện Biên (thành phố Yên Bái) cho biết: "Khách tìm đến mua tranh có đủ mọi lứa tuổi, vì thế, sở thích cũng khác nhau. Giới trẻ thì thích những mẫu tranh mới, hiện đại, người lớn tuổi lại thích những mẫu tranh có ý nghĩa về nội dung. Trung bình giá của mỗi mẫu tranh thêu không quá đắt, bức nhỏ chỉ năm bẩy chục nghìn đồng, bức lớn thì vài trăm đến một triệu đồng nên hầu như ai đến đây cũng có được sản phẩm mang về".

Tạo thêm niềm vui cho chị em, giúp nhiều người tăng thu nhập, hơn hết còn điểm tô thêm sắc màu cho cuộc sống sẽ là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của dòng tranh thêu này.

 Hồng Oanh

Các tin khác
Thầy cúng gõ chiêng mời thần lúa, thần màu.

YBĐT - Người ta thường nói mùa xuân là mùa của hương sắc tình yêu, của những lễ hội kéo dài tưởng như không bao giờ dứt, lời hát như hoa đào nở trên núi cao đón mùa xuân mới ngập tràn khắp thôn, bản, ruộng đồng...

Điệu múa xòe cổ của người Tày biểu diễn phục vụ khách trong dịp lễ, tết.

YBĐT - Tết của đồng bào Tày vùng Đông hồ cũng như đồng bào Tày ở các địa phương trong tỉnh từ xa xưa đến nay đều ăn chung một tết cổ truyền của dân tộc và luôn giữ được những nét đẹp văn hóa riêng của mình.

Quang cảnh một buổi chiếu phim.

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 199/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.”

Trong 15 ngày Tết, mỗi ngày đều có một ý nghĩa riêng. Hãy cùng đi tìm ý nghĩa đặc biệt của từng ngày Tết trong tâm thức người Việt…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục