Mơ về những ánh sao xanh
- Cập nhật: Thứ tư, 4/6/2014 | 8:49:31 AM
YBĐT - “Chẳng có sông biển rì rào với những cánh buồm căng gió, chẳng có ruộng đồng thẳng cánh cò bay, quê tôi nhìn xung quanh chỉ thấy khe, thấy núi và màu xanh ngút ngàn của cây lá. Tuổi thơ tôi cứ thế trôi đi trong êm đềm cỏ cây, khe suối, bên ngôi nhà sàn với những người thân yêu tảo tần, lam lũ”.
|
Đấy là lời kể của tác giả Nông Quang Khiêm về vùng quê Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái của mình. Và cũng ở đó “Tôi lớn lên từ bát cơm của mẹ, của cha, từ những lời ru ngọt ngào, mộc mạc. Tôi lớn lên từ rừng núi, từ tình yêu thương tha thiết của ông, bà, cha, mẹ”. Cái nôi quê núi đã nuôi dưỡng anh để lần lượt các tác phẩm ra đời: tập truyện “Rừng Pha Mơ yêu dấu” năm 2007, tập thơ “Cánh diều tuổi thơ” năm 2012 và tập truyện “Những ánh sao xanh” - Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2013.
Ở “Những ánh sao xanh”, ký ức về quê hương cứ lần lượt xuất hiện qua từng trang viết. Khi thì cánh đồng làng với tiếng mõ trâu “lốc cốc đều đều gõ vào chiều mênh mông nắng”; rồi mùa cá vật trên hồ Thác Bà; bến đò bà Coóng cạnh cây đa già với chùm rễ hình thù kỳ quái; mùa hoa gạo đỏ bên bờ sông quê… Nhưng đẹp hơn cả lại chính là người quê tần tảo, cần cù, giàu lòng nhân ái. Họ là bà Coóng không chồng, không con, suốt đời làm nghề chở đò và sẵn lòng ấp iu bé Nhình bị bỏ rơi bên gốc đa làng từ ngày còn đỏ hỏn.
Một bà mẹ âm thầm chịu đựng nỗi đau chồng phụ bạc, chắt chiu từng đồng tiền nhỏ gửi nuôi bé Y Ban - đứa con ngoài giá thú của chồng ăn học khi mẹ con nó bị chính người bố bỏ rơi. Còn cô Lả hy sinh tuổi thanh xuân để nuôi đàn em ăn học nên người, riêng mình chấp nhận cảnh nhỡ thì quá lứa. Em Quỳnh sớm biết thương bố mẹ vất vả mà gắng công học hành, cuộc sống bươn chải lận đận vẫn giữ gìn phẩm hạnh “lành cho sạch, rách cho thơm”.
Cô bé Thùy Linh cảm phục sự kiên trì, chịu khó của anh Quang mà gạt bỏ được tính kiêu kỳ của con gái rượu chủ nhà, vươn đến những ước mơ xanh. Có truyện như “Gọi vía”, đơn giản chỉ là việc bà của Đoóng bị cảm, bác sĩ bảo uống thuốc vài hôm là khỏi. Ấy vậy mà cả tuần nay bà vẫn “ốm liệt giường, không nói không rằng, không ăn không uống, đôi mắt trũng sâu, ánh mắt thăm thẳm như dõi tìm cái gì đó trên gương mặt mọi người”. Gia đình mời thầy Cát về làm then gọi vía, rồi chú Thuyết là người con thứ hai đang công tác trên tỉnh cũng về thăm mẹ. Bà tự nhiên khỏe trở lại khi thấy con cháu, anh em quây quần đông đủ.
Câu chuyện gửi đến chúng ta thông điệp cuộc sống thời kinh tế thị trường khiến cho đạo đức bị băng hoại, nền tảng xã hội là mỗi gia đình cũng có nguy cơ bị phá vỡ nên cần phải gìn giữ “thì cứ cho là không có vía đi nhưng con cháu hiếu thảo, quây quần, anh em tập trung đoàn kết thì cũng là nguồn động viên, là liều thuốc tinh thần, nó mạnh hơn tất cả các thứ thuốc ở bệnh viện”.
Viết cho thiếu nhi song truyện của Nông Quang Khiêm đã có tầm khái quát, mang tính giáo dục sâu sắc. Truyện của anh giàu kịch tính và thường kết thúc có hậu, mỗi truyện là một bài học giàu tính nhân văn. Đọc văn anh chúng ta thấy cái giọng kể hồn nhiên mang đậm chất dân gian, gần gũi trường ca Khảm hải (Vượt biển) hay điệu then Tày.Thời gian sống ở quê đã giúp cho tác giả tích lũy được vốn hiểu biết khá phong phú về nếp sống và tập quán của dân tộc mình.
Chuyện cô Lả là con gái Pú Nhảng - một người chuyên chế thuốc độc chết người, khiến trai làng chẳng ai dám gần có gì phảng phất chuyện ma gà của đồng bào vùng cao; cách chuẩn bị lễ vật cúng âm binh gọi vía thể hiện sự quan sát kỹ càng “Anh của Đoóng đào hai cây tre vẫn để nguyên cả gộc lẫn ngọn. Rồi anh dùng đục nối hai cây tre thành chín bậc để làm cầu nối số bắc lên xà nhà trước bàn thờ. Sau đó anh lại cầm thuổng ra vườn đào một cây chuối con làm cây mệnh số”…
Những bài đồng dao, những câu truyện cổ nghe bà nội kể ngày nào cũng được vận dụng sáng tạo trong văn khiến cho nó trở nên hấp dẫn với lứa tuổi măng non. Thật thú vị khi đọc những câu văn không cầu kỳ, trau chuốt mà chẳng kém phần hấp dẫn: “Nhà anh nghèo lắm, cầm ba con dao quẳng từ đầu nhà đến cuối nhà chẳng vướng một cái gì”; hay “Từng ngày cắn đuôi nhau chạy, nàng Lả đã qua tuổi hai mươi… Nàng bắt đầu dệt mong chờ, dệt buồn tủi, dệt yêu thương, nàng cứ dệt, dệt mãi”…
Nặng tình với quê hương nên “lớn lên nghe người ta nói quê tôi nghèo nhưng tôi biết tôi luôn có những thứ mà nơi khác, người khác không có, những thứ không thể mua được dù thật nhiều tiền”. Chính quê hương đã cho Nông Quang Khiêm sự “giàu có” để mơ về những ánh sao xanh.
Thế Quynh
Các tin khác
Ngày 3-6, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp Báo ảnh Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi ảnh với chủ đề "Việt Nam - Ðất nước - Con người" lần thứ sáu trên phạm vi toàn quốc.
Tại Freiburg (Đức), người ta đã tổ chức một cuộc thi hoa hậu đặc biệt với thí sinh là 32 người đẹp đến từ 32 quốc gia có đội tuyển góp mặt tại World Cup 2014.
Sau khi Liên hoan Phim quốc tế Cannes 2014 khép lại vào ngày 25-5, nhiều nhà chuyên môn nhận định một số phim ra mắt hoặc tranh giải tại Cannes vừa qua rất có thể sẽ là những ứng viên sáng giá cho một số hạng mục của Oscar 2015.
YBĐT - Di tích lịch sử Cổng Đục - Đồn Cao nằm trên địa bàn phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái). Di tích vừa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vì đây là một trong hai di tích trên địa bàn thành phố liên quan đến cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Yên Bái tháng 2 năm 1930 do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo.