35 năm - một dòng chảy đa sắc tự hào về văn học nghệ thuật Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 11/6/2014 | 2:45:18 PM
YBĐT - Một phần ba thế kỷ đã đi qua, những thử thách đầu tiên, những con đường mới mở đã đặt nền móng cho VHNT Yên Bái, từng bước tự khẳng định mình trên đường đi tới.
|
Góp tiếng nói của mình để xây nên ngôi nhà văn chương là tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm cao quý của văn nghệ sĩ Yên Bái trước sự đổi thay của một thời đại mới. Nhận diện cuộc sống, bứt phá trong sáng tạo, đoàn kết, một lòng son sắt với văn chương, con đường đã chọn mà mỗi văn nghệ sĩ dấn thân để khẳng định mình đó là thông điệp mãi xanh của các thế hệ cầm bút có mặt hôm nay và mai sau.
Ngày này, 35 năm về trước, ngày 12 tháng 6 năm 1979, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ra Quyết nghị số 685/QN-TU thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT). Trước đó, Ban vận động thành lập Hội đã tích cực hoạt động, văn nghệ sỹ của 3 tỉnh: Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai đã tập hợp, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Quyết nghị của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ và chính quyền đối với sự nghiệp VHNT ở một tỉnh Tây Bắc của Tổ quốc.
Một phần ba thế kỷ đã đi qua, những thử thách đầu tiên, những con đường mới mở đã đặt nền móng cho VHNT Yên Bái, từng bước tự khẳng định mình trên đường đi tới. Không thể nào quên những ngày đầu thành lập, chỉ 9 năm thôi mà 4 thế hệ lãnh đạo chủ chốt thay thế với một Ban chấp hành chỉ định lâm thời không qua đại hội.
Thời gian với biết bao thăng trầm trải nghiệm. Tổ chức Hội qua những lần sáp nhập rồi tái nhập. Cơ quan thường trực Hội có lúc tới 20 biên chế, có khi chỉ dăm, bảy người. Ấn phẩm văn học nghệ thuật xuất bản không định kỳ: lúc báo, khi tạp chí. Có biết bao những gian khó, chiến tranh biên giới và sự hy sinh của biết bao thế hệ, nhưng văn nghệ sĩ của Yên Bái vẫn đứng ở tuyến đầu, vẫn đến với những vùng đất giàu tiềm năng kinh tế để viết nên trang văn, bài thơ, bức ảnh, điệu múa, kịch bản, tranh nghệ thuật và những ca khúc vang lên giai điệu tự hào về một miền quê kiên cường, anh dũng trong lao động, dựng xây và giữ vững chủ quyền Tổ quốc.
Chín năm sau ngày thành lập, Đại hội đầu tiên được tổ chức vào tháng 5 năm 1988 và chỉ sau đó một năm, Tạp chí Văn nghệ đã có giấy phép hoạt động với tư cách một cơ quan báo chí, có tôn chỉ mục đích. Hai năm sau Đại hội lần I, công tác hội viên, xuất bản Tạp chí đang đi vào ổn định thì Hoàng Liên Sơn lại chia tách: Yên Bái - Lào Cai tái lập với bao điều kỳ vọng: 26 hội viên ngược sông Hồng trở về biên giới, 54 hội viên ở lại gắn bó với Yên Bái. Lại bắt đầu một tỉnh mới tái lập: ổn định tổ chức, xin lại giấy phép xuất bản Tạp chí, mở trại sáng tác, công bố tác phẩm, tất cả vì một ngôi nhà chung của những người sáng tạo.
25 năm từ sau Đại hội đầu tiên, 23 năm tái lập tỉnh, Hội VHNT Yên Bái đã qua 5 kỳ đại hội (Đại hội lần II năm 1995, lần III năm 2000, lần IV năm 2005, lần V năm 2010). Đây là thời kỳ ổn định nhất về lãnh đạo chủ chốt của Hội.
Tổ chức Hội Liên hiệp VHNT từng bước được củng cố và ngày càng phát triển. Điều lệ Hội được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động. Biên chế cơ quan Thường trực Hội tăng từ 10 người lên 14 người, tổ chức thành 2 đơn vị chức năng: Văn phòng Hội và Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, tạo nên sức mạnh để tập hợp hội viên xuất bản báo chí. Các ban chuyên môn của Hội bao gồm: Ban Công tác hội viên, Ban Sáng tác, Ban Văn xuôi, Ban Thơ, Ban Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, Ban Âm nhạc và Biểu diễn từng bước được kiện toàn tương xứng với sự phát triển ngày càng cao của công tác Hội. Các chi hội chuyên ngành Trung ương đã tự nguyện gia nhập là thành viên của Liên hiệp Hội, phát triển thành các chi hội chuyên ngành địa phương với sự tham gia của các hội viên trong tỉnh.
Điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là từ năm 2012, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra quyết định thành lập Đảng đoàn Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng đoàn Hội đã nắm bắt, triển khai một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện sự nghiệp VHNT theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về VHNT trong tình hình mới.
Một trong những nhiệm vụ của Hội trong năm qua là đẩy mạnh hoạt động sáng tác thông qua công tác xuất bản, tích cực bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phát hiện và nâng đỡ những tác giả mới có độ tuổi trẻ qua đào tạo, có năng khiếu; ưu tiên lực lượng sáng tác là người dân tộc thiểu số, chú trọng đến các vùng miền; chuẩn bị cho cuộc bàn giao thế hệ vào những năm tiếp theo.
Đến nay, Hội đã có 136 hội viên thuộc 9 chuyên ngành: văn học, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc, tăng 16 hội viên so với nhiệm kỳ 2005 - 2010. Toàn Hội có 72 hội viên chuyên ngành Trung ương, chưa kể các hội viên chuyển vùng và đã mất. Hầu hết các hội viên chuyên ngành Trung ương đã phát huy được vai trò tiên phong trong sáng tác, trong thực hiện các nhiệm vụ của Hội ở địa phương. Nhiều giải thưởng, nhiều thành tựu, trong đó có một Giải thưởng Nhà nước của nhà thơ Ngọc Bái đã khẳng định vị thế của các cây bút trong tỉnh.
Kỷ niệm 35 năm thành lập Hội, trong niềm vui họp mặt hôm nay, càng tự hào về truyền thống vẻ vang của Hội, chúng ta càng trân trọng công lao to lớn, nghị lực sáng tạo, tình yêu nghề, tận tụy với VHNT để làm nên những tác phẩm có giá trị đích thực về tư tưởng và lý tưởng thẩm mĩ của lớp lớp các thế hệ văn nghệ sỹ mà tên tuổi của họ vẫn sống mãi với thời gian. Không thể nào quên các tác giả đã đặt nền móng cho sự phát triển của Hội mà nay đã "trên đường thiên lý" như: Doãn Thanh, Hoàng Hạc, Xuân Nguyên, Huyền Sâm, Bùi Hồng Sính, Nguyễn Tất Đợi, Hoàng Hữu Sang, Lê Anh Quốc, Minh Khương, Thanh Bình, Ngọc Quang, Lê Năng, Đặng Văn Cẩn, Phan Kế Dũng, Hoàng Bảo, Hiền Phong, Hoàng Công Dung, Phạm Tuất.
35 năm, chúng ta xin được trân trọng cảm ơn sự đóng góp tích cực của các thành viên Ban vận động thành lập Hội đã tạo ra tiền đề hết sức quan trọng cho sự ra đời của Hội! Xin được tri ân lãnh đạo, cán bộ, công chức của cơ quan Thường trực Hội qua các thời kỳ đã tận tâm, tận lực vì sự nghiệp phát triển VHNT của tỉnh!
Xuyên suốt chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái coi xuất bản và công bố tác phẩm là nội dung then chốt tạo đà cho sáng tác. Tạp chí Văn nghệ Yên Bái từ chỗ xuất bản không định kỳ tiến tới 3 tháng/1 kỳ, khi có giấy phép hoạt động. Năm 1996 tăng 2 tháng/1 kỳ, đáng chú ý là từ 2006 đến nay xuất bản 1 tháng/1 kỳ với số trang không đổi (từ 80 đến 100 trang, khổ giấy 16cm x 24cm), nội dung phong phú và đa dạng với rất nhiều chuyên mục, chuyên đề, chuyên trang, giới thiệu hầu hết các loại hình VHNT, luôn bám sát dòng chủ lưu thời sự, chính trị, không xa rời tôn chỉ mục đích, giữ vững định hướng, không để xảy ra sai sót về nội dung tư tưởng. Tạp chí được phát hành tại 63 tỉnh, thành, các ngành, các địa phương, các bưu điện - văn hóa xã.
Từ tháng 10/2011, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái có thêm một ấn phẩm "Văn nghệ Yên Bái vùng cao", xuất bản 3 tháng/1 kỳ, tiến tới đầu năm 2015 ra 2 tháng/1 kỳ. Đây là ấn phẩm phản ánh sinh động cuộc sống lao động, sản xuất cùng với phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của các vùng miền ở tỉnh Yên Bái với những bức ảnh đẹp, những bài viết ngắn gọn, dễ hiểu, những bài thơ, khúc dân ca đằm thắm trữ tình, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tiếp theo sự phát triển của loại hình báo viết, từ tháng 9 năm 2012, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái chính thức khai trương Trang VHNT Yên Bái điện tử với giao diện đẹp, bắt mắt. Các thông tin của Hội được đăng tải kịp thời, đầy đủ, nhiều bài viết mới được phản ánh trong các chuyên mục cung cấp một cái nhìn toàn diện về nền VHNT cả nước nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng với độc giả. Các ấn phẩm "Tạp chí Văn nghệ Yên Bái", "Văn nghệ Yên Bái vùng cao" cũng được đăng tải đầy đủ nội dung của từng số lên trang web. Đây là cách tích hợp đầy đủ nhất các hoạt động báo chí, văn học của Hội với sức lan tỏa nhanh chóng. Trang VHNT Yên Bái điện tử đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh của Hội đối với đông đảo bạn đọc trong nước và thế giới thông qua hàng loạt các truyện ngắn, bút ký, thơ và ảnh nghệ thuật về đất và người Yên Bái.
Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Văn nghệ Yên Bái vùng cao, Trang VHNT Yên Bái điện tử thực sự đã trở thành ấn phẩm để hội viên thường xuyên công bố tác phẩm mới đồng thời là nơi để các cây bút mới, các cộng tác viên gửi gắm những tác phẩm đầu tay, thể nghiệm những sáng tác mới, luôn cách tân trong tư duy và bút pháp thể hiện, làm cho Tạp chí luôn đổi mới phương pháp sáng tác, mở rộng biên độ, gắn dân tộc và hiện đại, tạo ra xu thế mở trong tiếp cận và sáng tạo. Điều đáng mừng là Tạp chí Văn nghệ Yên Bái qua nhiều lần bình chọn đã được Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam xếp vào 10 tạp chí có nội dung tư tưởng và hình thức trình bày đẹp của cả nước.
Trong những năm qua, Hội đã tổ chức xuất bản được hàng chục đầu sách các loại bao gồm các tuyển tập: văn xuôi, thơ, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc cho tập thể và hội viên; tổ chức 3 triển lãm mỹ thuật địa phương, nhiều cuộc trưng bày ảnh nghệ thuật ở tỉnh cũng như liên hoan ảnh, triển lãm mỹ thuật khu vực, tạo ra môi trường giao lưu học hỏi của hội viên với văn nghệ sỹ trong khu vực và cả nước.
Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, Hội đã sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ sáng tạo VHNT của Chính phủ, xét cấp cho gần 300 lượt hội viên số tiền hơn 500 triệu đồng để hoàn thiện tác phẩm; tổ chức mỗi năm từ 2 đến 3 trại sáng tác, trong đó có 1 trại ở ngoài tỉnh, nhiều đợt đi thực tế cho tập thể hoặc nhóm tác giả đến biên giới, hải đảo và các vùng miền trong tỉnh và một số tỉnh bạn, tạo điều kiện cho hàng trăm lượt hội viên nắm bắt được tình hình cơ sở, hoàn thành sáng tạo tác phẩm VHNT; kết hợp huy động nguồn lực cá nhân các hội viên đã xuất bản, công bố hơn 200 đầu sách, hàng trăm tranh, ảnh nghệ thuật, hàng trăm ca khúc mới… Có người đến nay đã tự in tới 30 đầu sách các loại.
Nhiều tác giả in từ 8 đến 15 đầu sách, vẽ hàng chục bức tranh, in phóng hàng trăm bức ảnh nghệ thuật, tham gia các cuộc trưng bày triển lãm, dự thi các giải VHNT của tỉnh, khu vực, các ngành và quốc gia, đem về hàng trăm giải thưởng từ khuyến khích đến giải nhất, từ bằng khen tới huy chương bạc, huy chương vàng. Nhiều tác phẩm của văn nghệ sỹ Yên Bái đã được lưu giữ tại thư viện, bảo tàng quốc gia, trở thành tiết mục của các đoàn nghệ thuật, thành tác phẩm đi cùng năm tháng của khán giả, độc giả trong tỉnh và cả nước.
Hội thảo nâng cao chất lượng Văn nghệ Yên Bái vùng cao.
35 năm qua là quãng thời gian văn nghệ sỹ Yên Bái luôn được sự quan tâm từ vật chất đến đời sống tinh thần của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và nhân dân các dân tộc của tỉnh. Dù tổ chức ban đầu có nhiều biến động, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng các hoạt động Hội và cơ quan thường trực vẫn được chăm lo.
Tạp chí Văn nghệ Yên Bái được đảm bảo nguồn kinh phí xuất bản và nhuận bút tác giả, đến nay đã được áp dụng từng phần theo Nghị định 61 của Chính phủ. Trụ sở Hội đã được đầu tư xây dựng mới khang trang và trang thiết bị tương đối đầy đủ, đảm bảo cho hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và một cơ quan báo chí. Giải thưởng VHNT hàng năm mở ra từ năm 1994 đến năm 2012 đã tăng hơn về cơ cấu và giá trị giải thưởng. Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm đang được tỉnh chỉ đạo: đặt tên gọi đúng với ý nghĩa đặc trưng của Yên Bái sẽ trình tỉnh phê duyệt vào kỳ họp tháng 7, Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2014.
Nhân dịp 35 năm thành lập Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, xin được bày tỏ lòng biết ơn của văn nghệ sỹ Yên Bái đối với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã hết lòng chăm lo cho sự nghiệp VHNT Yên Bái phát triển!
Phát huy truyền thống xây dựng và phát triển 35 năm qua, đặc biệt là những thành tích đạt được trong những năm gần đây đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được đón nhận cờ thi đua và bằng khen nhiều năm của UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, từ nay đến Đại hội lần thứ VI - 2015, Hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Không ngừng học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức sáng tạo VHNT theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới để có nhiều tác phẩm ngang tầm với cuộc sống lao động, sáng tạo, phát triển kinh tế, bảo vệ đất nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái và cả nước.
Thứ hai: Tiếp tục nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Văn nghệ Yên Bái vùng cao, Trang VHNT Yên Bái điện tử cả về nội dung, tư tưởng nghệ thuật đến hình thức trình bày; tăng thêm các chuyên mục, chuyên trang, mở rộng phối hợp với các ngành, các huyện, thị trong sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT và phát hành tạp chí.
Thứ ba: Đẩy mạnh cuộc sáng tác quảng bá tác phẩm VHNT về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tổng kết cuộc thi "Tự hào thành phố Yên Bái anh hùng"; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức cuộc thi viết "Kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời bộ đội Cụ Hồ trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc"; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật, ca khúc và tranh về đề tài Công an nhân dân do Bộ Công an phát động.
Thứ tư: Phối hợp với Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam mở trại sáng tác tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ cho các văn nghệ sỹ.
Thứ năm: Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất tiến tới Đại hội VI Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái sẽ diễn ra vào quý III năm 2015 với tinh thần: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo.
Lao động nghệ thuật là lao động đặc thù, đối mặt với trang giấy là cuộc sống, là nỗi niềm nhân thế, là sự khát khao hoài vọng của mỗi tác giả về một xã hội tốt hơn. Lòng nhân ái, sự yêu ghét, phấn đấu cho một lý tưởng cao cả, lý tưởng thẩm mỹ là sự lóe sáng trong mỗi tâm thức của người viết. Ai đó đã nói, văn chương là thánh đường của tri thức. Tri thức có đồng cảm với bạn đọc hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tư chất và tài năng của văn nghệ sỹ. Có điều là sự hy sinh thầm lặng, lao động miệt mài, tận tụy với nghề, thức tỉnh lương tri luôn đau đáu trong mỗi người cầm bút của đội ngũ văn nghệ sỹ Yên Bái. Sự trải nghiệm, vốn sống thực tế hẳn sẽ giúp họ có được những tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc.
Tự nguyện trong một ngôi nhà chung - Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái - mỗi hội viên là một thế giới của đa thức, của sáng tạo. Cá tính sáng tạo là phẩm chất của văn học, sự không giống nhau qua từng bài viết, từng nét họa, bức ảnh đã tạo nên sự đa sắc phong phú và sinh động của nghệ thuật. Góp tiếng nói của mình để xây nên ngôi nhà văn chương là tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm cao quý của văn nghệ sĩ Yên Bái trước sự đổi thay của một thời đại mới. Nhận diện cuộc sống, bứt phá trong sáng tạo, đoàn kết, một lòng son sắt với văn chương, con đường đã chọn mà mỗi văn nghệ sĩ dấn thân để khẳng định mình đó là thông điệp mãi xanh của các thế hệ cầm bút có mặt hôm nay và mai sau.
35 năm - VHNT Yên Bái đang hướng về tương lai. Sự đổi mới chính mình, tìm ra hướng đi phù hợp, nhận diện cuộc sống, tập hợp, đoàn kết, hội tụ, tất cả cho mục tiêu sáng tạo, đó là cốt lõi của văn nghệ. Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi hội viên, mỗi chi hội. Sự nghiệp VHNT đang còn là phía trước với bao nhiêu dự định, một thế hệ mới của văn chương hẳn phải làm nên kỳ tích bởi trước họ đã có một thế hệ hy sinh và cống hiến để làm nên một dòng chảy đa sắc tự hào về VHNT Yên Bái.
35 năm - một phần ba thế kỷ đi đến bến bờ của niềm vui và thành tựu trên con đường phát triển từ thế kỷ XX sang những năm đầu thế kỷ XXI.
Giới VHNT Yên Bái xin được cảm ơn Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Yên Bái qua nhiều thế hệ lãnh đạo đã động viên, cổ vũ, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách để văn nghệ Yên Bái sánh vai cùng cả nước!
Xin cảm ơn các cấp, các ngành, các văn nghệ sỹ đã đồng hành cùng VHNT Yên Bái những chặng đường qua và những ngày sắp tới!
Nguyễn Ngọc Chấn - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái
Các tin khác
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, “Ngày hội Gia đình Việt Nam 2014” sẽ diễn ra từ ngày 26-28/6 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tối 10-6, tại Đà Lạt, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) phối hợp Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng khai mạc liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
YBĐT - Xác định là một trong những cơ quan báo chí chính thức của tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái trong những năm qua luôn bám sát hiện thực đời sống xã hội, kịp thời đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần độc giả. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua mảng ký trên Tạp chí.
Những bức ảnh ấn tượng được chụp từ tầm cao đem lại những cảm nhận hoàn toàn khác lạ. Một bộ ảnh như thế trên báo Anh đã xuất hiện hình ảnh ruộng lúa tuyệt đẹp của Việt Nam.