Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số cần được quan tâm phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 7/7/2014 | 9:09:29 AM
YBĐT - Ngày 11/7/2014 tới đây, Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Yên Bái tiến hành Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2104 - 2019).
Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Yên Bái được thành lập ngày 21/6/2001 và là thành viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Chi hội đã trải qua hai kỳ đại hội, có 29 hội viên, nay còn 24 hội viên, gồm các dân tộc: Kinh 12 người, Tày 9 người, Nùng 1 người, Mông 1 người, Dao 1 người. Chi hội đã tạo điều kiện cho hội viên sáng tác, cử đi dự trại viết, xin hỗ trợ và dự giải thưởng hàng năm của địa phương và Hội Trung ương.
Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2007-2014, các hội viên của Chi hội đã xuất bản được gần 50 đầu sách gồm các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện viết cho thiếu nhi, ký, thơ, nghiên cứu - sưu tầm văn hóa dân gian, phê bình văn học… đồng thời là các cộng tác viên nòng cốt của Tạp chí Văn nghệ Yên Bái.
Cùng đó, nghệ thuật múa cũng được Chi hội quan tâm, phát triển với nhiều chương trình nghệ thuật lớn trong các lễ hội, hội diễn chuyên nghiệp và tham gia dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật cho các đơn vị quần chúng. Trong lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ sáng tác hơn 10 ca khúc thể hiện được bản sắc văn hóa Yên Bái.
Các tác giả mỹ thuật để lại những tác phẩm tranh, tượng đa dạng về chất liệu, bám sát đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh hiện mới có hai người nhưng đã có hàng trăm tác phẩm được in ấn, dự liên hoan ảnh nghệ thuật địa phương, khu vực và toàn quốc. Hầu hết các tác phẩm của các bộ môn trên đều đoạt giải thưởng hàng năm ở địa phương và Trung ương, đem lại niềm tự hào cho đất và người Yên Bái.
Điều không thể phủ nhận được là các tác phẩm của hội viên trong Chi hội đã không ngừng khai phá, phản ánh hiện thực mọi mặt cuộc sống và con người các dân tộc miền núi mang bản sắc Yên Bái - một hướng đi đúng đắn để góp phần xây dựng nền văn hóa, văn nghệ “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Chi hội không có kinh phí hoạt động nên việc tổ chức sinh hoạt, hội thảo, mở trại, đi thực tế sáng tác gặp rất nhiều khó khăn, thụ động. Các hội viên tự mình chủ động sáng tác, dẫu được hỗ trợ vẫn còn quá ít ỏi, khó công bố được tác phẩm, phải loay hoay xoay xở vất vả mới công bố được tác phẩm. Đội ngũ tác giả còn ít, rất thiếu tác giả người dân tộc thiểu số, một số dân tộc vắng bóng tác giả hoạt động. Đây là điều Ban chấp hành Chi hội luôn lo lắng, đau đầu suy nghĩ làm sao cho Chi hội hoạt động có hiệu quả.
Đại hội lần III (nhiệm kỳ 2014 - 2019) của Chi hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong những năm tới, hứa hẹn sẽ có nhiều thành tựu hơn. Nhưng để thực hiện Nghị quyết Đại hội có hiệu quả, ngoài sự chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, cần lắm sự tham gia sáng tác - sưu tầm của tác giả các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc cùng chung sống, có nền văn hóa, văn nghệ đa sắc tộc. Việc xây dựng, tạo điều kiện cho Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Yên Bái hoạt động, phát triển là yêu cầu cấp thiết, nên làm. Hiện nay, chi hội một số tỉnh, thành miền núi trong nước đã tiến tới thành lập hội. Yên Bái dẫu không được như vậy, cũng nên quan tâm đến hoạt động của Chi hội. Chỉ có sự quan tâm thiết thực của các cấp lãnh đạo trong tỉnh và sự ủng hộ nhiệt tình tham gia của các dân tộc, chúng ta mới có một đội ngũ văn nghệ sĩ miền núi - dân tộc đông đảo, chuyên nghiệp, vững mạnh, sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị, giàu bản sắc dân tộc, vùng miền, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đồng bào các dân tộc trên chặng đường cách mạng mới.
Hoàng Việt Quân
Các tin khác
Tô Hoài là nhà văn cần mẫn và được kính trọng. Ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài sáng tác cho đến những ngày cuối đời.
Ngoài địa điểm Hà Nội, chương trình biểu diễn của đoàn nghệ sỹ Venezuela sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật, Quảng Ninh vào ngày 9/7 và Nhà hát Lớn Hải Phòng vào ngày 11/7.
12 thí sinh đã có những phần biểu diễn tương đối hoàn chỉnh, dù còn nhiều bỡ ngỡ. Hàng loạt "hit" đang "hot" trên thị trường hiện nay sẽ được các ca sỹ trẻ thể hiện như Tìm (Hoàng Tôn), Trót yêu (Ái Phương), Yêu xa (Vũ Cát Tường), Đừng ngoảnh lại (Lưu Hương Giang)...
Nhân kỷ niệm 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ĐSQ Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Korea Fantasy – Âm thanh, Chuyển động và Nghệ thuật Biểu diễn”. Chương trình diễn ra vào lúc 19h30 ngày 3-7 tại Nhà hát Bến Thành, TP Hồ Chí Minh và lúc 19h30 ngày 6-7 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ TP Hà Nội.