Bùi Huy Mai và những điều để lại
- Cập nhật: Thứ tư, 16/7/2014 | 9:08:27 AM
YBĐT - Đau đáu với việc gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của vùng Văn Chấn - Mường Lò - mảnh đất ông đã gắn bó phần lớn cuộc đời và coi đó là quê hương thứ 2 của mình, trước khi mất không lâu, ông đã hoàn thành bài viết: “Bảo tồn lễ hội dân gian các dân tộc vùng Văn Chấn - Mường Lò” nói lên tâm huyết và những điều ông luôn trăn trở về vấn đề này.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Mai trong phòng làm việc tại nhà riêng.
|
Biết tin nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian vùng Văn Chấn - Mường Lò Bùi Huy Mai vừa qua đời, tôi không khỏi tiếc thương. Cách đây 2 năm, ông là nhân vật chính trong phóng sự tôi thực hiện, nói về một người thầy giáo gắn bó cả cuộc đời và có nhiều sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi vùng cao. Khi ấy, tóc ông đã bạc gần hết, lại đang mang trong mình căn bệnh tiểu đường nhưng đôi mắt vẫn tinh anh và đi lại khá nhanh nhẹn. Chúng tôi đã cùng ông về thăm lại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Văn Chấn - mái trường thân thương đã cho ông cảm xúc sáng tác nên bài hát “Dưới mái trường thiếu nhi vùng cao” dành tặng thầy và trò nhà trường.
Tôi vẫn nhớ buổi gặp gỡ với bao cảm xúc bồi hồi, yêu mến và nụ cười trìu mến của ông. Vậy mà người ông, người cha, người thầy ấy đã ra đi. Nhưng tôi tin, gia tài tinh thần mà ông để lại là những tập khảo cứu, bài viết về văn hóa dân gian vùng Văn Chấn – Mường Lò; những bài hát dành tặng thiếu nhi vùng cao sẽ còn sống mãi trong tình cảm yêu mến của mọi người.
Nhà giáo Bùi Huy Mai sinh năm 1940, nguyên quán Hoàn Kiếm - Hà Nội. Ông nguyên là giáo viên âm nhạc, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Là một người con của mảnh đất Hà thành, xung phong lên Tây Bắc dạy học từ những năm 59 - 60 của thế kỉ trước - thời điểm giáo dục miền núi thiếu thốn, khó khăn trăm bề nhưng bằng tình thương sâu sắc với đàn em nhỏ vùng cao, nhà giáo Bùi Huy Mai đã gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Tây Bắc, với quê hương Yên Bái và đã chăm lo, dạy dỗ hàng trăm, hàng nghìn học sinh khôn lớn, trưởng thành.
Bước chân nhà giáo Bùi Huy Mai đã đi qua hầu hết các vùng đất khu tự trị Thái Mèo, tỉnh Hoàng Liên Sơn xưa và dừng chân lại mảnh đất Yên Bái. Bởi sự mến thương với đồng bào và các em nhỏ vùng cao nên dù không đứng trên bục giảng đã nhiều năm nhưng thầy giáo Bùi Huy Mai vẫn luôn khắc ghi tình cảm với học sinh, không quên những tháng năm thầy trò vượt khó nên dù đã nghỉ hưu, thầy vẫn nghĩ đến học sinh bằng việc viết tặng các em rất nhiều bài hát phổ nhạc bài học trong sách giáo khoa để các em dễ thuộc, dễ nhớ.
Phải kể đến những bài như: Cái máy tuốt lúa, Giọt mồ hôi, Cái trống trường em, Em yêu lúa vàng, Yêu trường yêu bản mường mới, Ngôi nhà, Con chim chiền chiện, Tí xíu… Ông cũng tích cực tham gia nhiều cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi và đã được ghi nhận qua không ít giải thưởng: giải Nhì cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2001 - 2002 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức với chùm 6 ca khúc có tên “Ngày hội vùng cao”; giấy khen cho tác phẩm “Gió Đại Phong về với bản mường” trong cuộc thi sáng tác nhạc do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức… Rất nhiều bài hát của thầy giáo Bùi Huy Mai được in trong các tuyển tập ca khúc như: Cánh diều ước mơ, Con ngựa vàng, Tuyển tập ca khúc Yên Bái… để đông đảo các bạn thiếu nhi có thể đón nhận.
Bên cạnh việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, niềm say mê lớn cả cuộc đời được ông dành nhiều thời gian và tâm huyết chính là sưu tầm, khảo cứu văn hóa dân gian vùng Văn Chấn – Mường Lò. Ông đã xuất bản: “Cay húc nậm Xia” - tập truyện dân gian Văn Chấn - Mường Lò (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 1996); các tập khảo cứu “Dân tộc và bản sắc văn hóa” năm 2003 và 2005… Ông còn có nhiều tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, truyện, bút ký, ca khúc… in trên các báo, Tạp chí Văn học Nghệ thuật Yên Bái, Báo Yên Bái, tạp chí văn hóa các dân tộc ở Trung ương…
Những tác phẩm, công trình nghiên cứu ấy của ông đã góp phần gìn giữ và lưu truyền kho văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đặc sắc của các dân tộc vùng Văn Chấn - Mường Lò, giúp các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn những giá trị văn hóa tinh thần của vùng đất quê hương mình.
Đau đáu với việc gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của vùng Văn Chấn - Mường Lò - mảnh đất ông đã gắn bó phần lớn cuộc đời và coi đó là quê hương thứ 2 của mình, trước khi mất không lâu, ông đã hoàn thành bài viết: “Bảo tồn lễ hội dân gian các dân tộc vùng Văn Chấn - Mường Lò” nói lên tâm huyết và những điều ông luôn trăn trở về vấn đề này.
Bài viết nêu lên thực trạng gần 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng những người làm công tác văn hóa Văn Chấn - Mường Lò đã không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và khai thác một cách có hệ thống những giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng.
Đó là việc đã huy động được sức mạnh tổng hợp để sưu tầm, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội "Xên bản xên mường", "Hạn Khuống", "Cầu mùa", "Xíp xí" của dân tộc Thái ở các xã quanh lòng chảo Mường Lò; lễ hội "Cầu mưa", "Ma hạ gọ" (Rước mẹ lúa) dân tộc Khơ Mú xã Nghĩa Sơn; lễ hội "Tăm khẩu mẩu", "Lồng tồng" của dân tộc Tày các xã Đồng Khê, Tú Lệ; lễ hội "Sải sán" (hội chơi núi mùa xuân) của dân tộc Mông các xã vùng cao. Mặc dù đã cố gắng và đầu tư nhiều thời gian, tiền của vào đầu tư sưu tầm, phục dựng các lễ hội song thực chất so với truyền thống văn hóa của các dân tộc thì những việc làm đó chưa được là bao.
Với tư cách tác giả bài viết, Bùi Huy Mai trăn trở rằng, nếu không có kế hoạch sưu tầm, phục dựng, bảo tồn tiếp thì còn nhiều lễ hội dân gian nữa có nguy cơ thất truyền hoặc mất dần bản sắc. Thêm nữa, hiện nay các nghệ nhân dân gian vốn đã ít lại tuổi cao, một mai không còn họ, ai là người truyền dạy lại cho con cháu? Hiển nhiên, nhiều lễ hội vì vậy mà thất truyền, mà biến dạng là điều khó tránh. Rồi thực tế, nhiều dân tộc sống đan xen, sự giao thoa sẽ diễn ra dẫn đến những yếu tố vay mượn. Đó là chưa nói đến có lễ hội mang nặng tính sân khấu, thương mại hóa... Cuối cùng, nhiều cơ sở muốn phục dựng lại lễ hội truyền thống nhưng lúng túng, không biết khôi phục thế nào cho hợp với cũ - mới, với chính sách của Đảng, Nhà nước. Cho nên khi tổ chức, những lễ hội này thường pha trộn, cải biên, cách tân, thậm chí có lễ hội chỉ nhằm mục đích quay phim, chụp ảnh hoặc nhu cầu nhất thời nào đó như phục vụ tuyên truyền, ngày lễ, hội chợ, du lịch, để rồi sau đó không bao giờ làm lại nữa…
Qua những thực trạng ông nêu lên, có thể thấy rằng, phải là người vô cùng tâm huyết, luôn trăn trở, đau đáu với vấn đề ấy thì ông mới nhìn ra những thực trạng hết sức bức thiết trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc ở Văn Chấn - Mường Lò như vậy. Ông cũng nêu lên một vài ý kiến để các cơ quan chức năng có thể tham khảo khi đưa ra giải pháp giải quyết thực trạng đó. Những trăn trở vẫn còn đó, tấm lòng và tâm huyết của ông vẫn luôn cháy bỏng nhưng hình bóng ông thì đã xa mãi chân trời.
Tuy lớp học sinh mới dưới mái trường Phổ thông Dân tộc nội trú Văn Chấn sẽ không còn được gặp ông - tác giả bài hát đã nói hộ tình cảm của thầy trò lớp lớp thế hệ nhà trường nhưng bài hát ấy vẫn tiếp được thầy và trò nơi này đón nhận, ca vang và coi như bài ca truyền thống của nhà trường. Giờ đây, không còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đầy say mê và tâm huyết Bùi Huy Mai đến với các bản làng, các nghệ nhân để sưu tầm, tìm hiểu vốn văn hóa dân gian quý báu truyền lại cho mai sau nhưng những gì ông để lại thì sẽ còn được bạn bè, người thân và các thế hệ trẻ trân trọng.
Anh Thư
Các tin khác
“Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” - Loạt phim ký sự tài liệu truyền hình về ẩm thực du lịch Việt Nam gồm 26 tập sẽ được phát sóng trên mạng lưới hơn 300 trạm thu phát sóng truyền hình trên toàn nước Mỹ.
Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định lần thứ V với chủ đề "Bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Việt Nam" sẽ diễn ra từ 1/8 đến 4/8 tại Bình Định.
Đây là một trong những hoạt động tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đào Hoàng sa và Trường Sa.
Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay, gần 400 hiện vật thuộc thời đại kim khí của đơn vị này đang được giới thiệu tới công chúng Hàn Quốc trong chương trình trưng bày chuyên đề “Buổi đầu của nền văn hóa cổ ở Việt Nam - Bình minh trên sông Hồng.”