Múa rối nước Việt Nam làm xiêu lòng khán giả Nhật Bản
- Cập nhật: Chủ nhật, 14/9/2014 | 3:39:36 PM
Những làn điệu dân ca Bắc bộ, âm nhạc truyền thống và những con rối sống động, rực rỡ sắc màu đã khiến nhiều khán giả Nhật Bản từ chỗ ngạc nhiên, tò mò đã chuyển thành thích thú và yêu mến loại hình nghệ thuật múa rối nước hết sức độc đáo của người Việt Nam.
Một góc sân khấu múa rối nước ngoài trời tại Yokohama, Nhật Bản.
|
Theo phóng viên báo chí tại Nhật Bản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Đoàn nghệ thuật của Nhà hát múa rối Việt Nam đã tổ chức chương trình biểu diễn múa rối nước ngoài trời trong hai ngày 13 và 14/9 tại thành phố Yokohama, Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên loại hình nghệ thuận dân gian Việt Nam này được giới thiệu đến người dân Yokohama.
Phát biểu khai mạc chương trình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng bày tỏ vui mừng trước sự kiện Đoàn nghệ thuật của Nhà hát múa rối Việt Nam lưu diễn phục vụ công chúng Nhật Bản tại Yokohama.
Đại sứ hy vọng chương trình múa rối nước truyền thống sẽ giúp người dân Nhật Bản hiểu thêm về nét độc đáo của văn hoá Việt Nam, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Nhật Bản ngày càng mật thiết.
Với khả năng điều khiển tài tình của các nghệ sỹ Việt Nam, các tiết mục vui nhộn như chọi trâu, đánh cá, múa rồng hay chú Tễu được thể hiện sống động, khiến những khán giả Nhật Bản cảm thấy hứng thú và cổ vũ nhiệt tình.
Trả lời phỏng vấn sau tiết mục biểu diễn, vợ chồng anh Akiba cho biết anh chị cảm thấy thực sự ấn tượng với tiết mục múa rối. Chị Akiba chia sẻ: “Tôi thấy các con rối hết sức dễ thương, trình diễn sống động và tôi thấy thực sự thú vị. Nếu có dịp đến Việt Nam, nhất định chúng tôi sẽ đi xem múa rối nước.”
Cựu Thượng nghị sỹ Matsuda Iwao, một người nhiều năm gắn bó với các hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản-Việt Nam, cho rằng múa rối nước không chỉ là một loại hình nghệ thuật đơn thuần mà là sự kết tinh cao của trí tuệ và sức lao động của con người Việt Nam.
Theo ông, điều khiến khán giả Nhật Bản cảm thấy tò mò là các nghệ sỹ Việt Nam đã làm thế nào để những con rối vô tri lại thể hiện được những động tác khéo léo đến vậy.
Cựu nghị sỹ cao tuổi đã ví von rằng nghệ thuật múa rối của Việt Nam quả thật là một loại hình khoa học tổng hợp của người Việt xưa mà ngay cả một kỹ sư hàng đầu cũng khó lòng thực hiện nổi.
Ông Matsuda cho rằng Việt Nam và Nhật Bản giờ đây không chỉ hợp tác về kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật mà một phần quan trọng khác trong mối quan hệ hai nước là giao lưu con người và giao lưu văn hóa giúp người dân hai nước hiểu biết về nhau nhiều hơn, gắn bó và tương trợ lẫn nhau.
Thông qua chương trình biểu diễn rối nước lần này, khán giả Nhật Bản không chỉ được thưởng thức loại hình nghệ thuật duy nhất chỉ có ở Việt Nam mà còn cảm nhận khát vọng hòa bình, bề dày văn hóa lịch sử dân tộc, tính nhân văn và tình yêu quê hương đất nước của người Việt qua các tiết mục rối nước.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Ngày 13-9 tại Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc (Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng) sẽ diễn ra chương trình biểu diễn Đại đao đặc biệt để kỷ niệm 473 năm ngày mất Thái tổ Mạc Đăng Dung (22/8/1541-22/8/2014 âm lịch) do Trung tâm Nghiên cứu tập luyện và biểu diễn võ thuật lễ hội TP Hải Phòng thực hiện dưới sự chỉ đạo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hải Phòng, BQL Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc và Hội đồng Mạc tộc Việt Nam.
Vào lúc 18 giờ 30 tối 11/9, Lễ khai mạc Liên hoan phim Đức 2014 đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế (41A, Hùng Vương, thành phố Huế); đồng thời công chiếu bộ phim "Cuộc viếng thăm bất ngờ" của nữ đạo diễn Constanze Knoche và tác giả kịch bản Leis Bagdach.
Kênh truyền hình MTV Việt Nam tiếp tục mở cuộc bình chọn gương mặt đại diện Việt Nam tranh giải ở hạng mục Best Worldwide Act của giải thưởng âm nhạc MTV EMA 2014.
YBĐT - Một sáng đầu thu, tôi đến nhà ông Lạc Tiên Sinh ở thôn Khe Gầy, xã Tân Hương (Yên Bình) bên bờ hồ Thác Bà. Ông đang nhè nhẹ đu võng ru cháu ngủ bằng điệu Xịnh Ca của dân tộc mình.