Đôi điều cảm nhận về thơ cô và trò Trường THCS Lê Hồng Phong

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/11/2014 | 8:19:18 AM

YBĐT - Tôi thật sự bất ngờ khi đọc các sáng tác thơ của cô giáo và các cháu học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái). Bất ngờ vì số lượng bài, lực lượng các cô và học sinh tham gia sáng tác với thời gian chỉ trong một tháng trời. Nhưng bất ngờ nhất là tôi được tiếp nhận và đọc những sáng tác đã tiếp cận thơ và thực sự đã có những bài thơ.

Vịn vào câu hát nghĩa tình
Cùng em về với quê mình Mù Căng
Nơi xưa núi thẳm mây giăng
Hoang vu nay đã hóa thành miền thơ

Mở đầu "Cùng em", của cô giáo Nguyễn Ngọc Oanh đã tái hiện một miền quê hữu hình trong hình ảnh vô hình: "Vịn vào câu hát". Câu hát thì có gì cụ thể đâu mà cầm nắm, nương tựa? Vậy mà đọc lên ta không những chấp nhận được mà còn bị cuốn vào nhịp cảm xúc của tác giả, để rồi đến với miền quê núi thật mộng mơ bởi sự dẫn dắt của "câu hát nghĩa tình".

Tuy hai chữ "Mù Căng" có "căng" một tý, chắc để gieo vào vần "mây giăng", và thực sự đôi câu lục bát thất vần nhưng cả bài đọc lên vẫn có thể chấp nhận được vì cái tình của người viết trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của huyện vùng cao.

(Thực ra, cũng xin nói thêm cùng các thầy, cô giáo: Tên huyện là Mù Cang Chải, chứ không phải Mù Căng Chải. Tên ấy theo một số nghệ nhân am hiểu về văn hóa vùng cao kể lại, được hình thành từ tên một làng có cái cây khô. Mù can  = cây khô; chải = làng. Tiếng Mông: Tả chải = làng lớn; Sín chải = làng mới. Do đọc chệch mà thành Mù Cang Chải rồi thành tên. Cũng có người cho đấy là vùng đất chai cứng (cang). Có lẽ do hiểu nhầm từ tiếng Quan Hỏa, giống như tên gọi huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: Mường cang = vùng đất cứng như gang. Tuy nhiên, Mù Cang Chải nằm sâu trong nội địa, không gần biên giới như Mường Khương nên không thể có chuyện lẫn âm tiếng Quan Hỏa đến vùng thuần nhất tiếng Mông này).

Nhưng với bài thứ hai của cô Nguyễn Ngọc Oanh, tôi đề nghị Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái thật sự lưu ý, ghi nhận đây là một cây bút, nếu tiếp tục viết, được tiếp thu thêm kỹ năng sáng tác, chắc chắn sẽ là nguồn phát triển tác giả của Hội.

Bài thơ: Tìm Cha

Bao đêm con không ngủ
Khắc khoải lần về ký ức
Tìm cha.

Trên con đường ngõ chợ
Nào chai tương, lọ mắm
Sọt rau, tải sắn...
Hai sương một nắng
Lặng lẽ theo cha
Oằn cong xe đạp trên đường
                   
Chiều ba mươi tết
Nhà nhà rực rỡ đào, hoa
Chợ đã thưa người mua sắm
Cha con mình vẫn đầu đường bán củi
Con giục: Về thôi cha!
Cha cười: Con gắng đợi…
Con làm sao quên được
Đã có một thời khoai sắn
Một thời lam lũ, bần hàn
Cha mẹ vắt sức nuôi con.

Công sức một đời của cha
 Nghĩa nặng một đời của mẹ
Nay chúng con tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân
Nhà mình có bát ăn, bát để

Tất cả những dòng, những khổ này là kể, dẫn dắt để vào hai câu kết: "Nhưng lòng con tê tái / Giờ đây cha ở nơi nào!". Cái tình của người viết làm cho người đọc lặng đi vì xúc động vì cái tâm của người con đối với người cha.

Trong "Tìm cha" còn có những câu thơ hiện hình trong tâm thức người đọc: "Lặng lẽ theo cha / Oằn cong xe đạp trên đường". Cái xe đạp thồ chở nặng, cha con gò lưng đẩy mà ngỡ xe cũng oằn cong xuống đủ nói lên vất vả gian khổ của người chạy chợ mỗi ngày. Cả bài thơ tôi chỉ có thể can thiệp, đảo vị trí của hai chữ "bần hàn lam lũ" thành "lam lũ bần hàn" để hai vần trắc các câu trên nối vào vần bằng hai câu dưới cho nhạc điệu đoạn thơ uyển chuyển hơn.

Bên cạnh tác giả Nguyễn Ngọc Oanh, bài thơ "Mùa thu" của cô Tô Phương Thảo cũng gợi nên những cảm nhận tinh tế: "Một chiếc lá vàng rơi / Gợi bao niềm thương nhớ / Một thoáng gì bỡ ngỡ / Trong phút giây giao mùa". Nguyên bản, Phương Thảo viết: "Trong buổi sáng giao mùa". Đã giao mùa tức là đang sang. Chiếc lá vàng rơi mà mất cả buổi thì chậm trễ quá. Tôi muốn đổi thành "Phút giây" cho hợp với khoảnh khắc chiếc lá rơi hơn.

Và kết bài thơ chỉ cần câu: "Ánh mắt ngời yêu thương" tách thành một khổ riêng là đủ, không cần thêm: "Thu rợp trời cờ đỏ / Mừng tháng ngày khởi nghĩa / Ấm mùa thu non sông" làm cứng, gượng ép cảm xúc toàn bài.

Bài "Con đường nghĩa tình" của cô Chu Thị Liên cho người đọc thấy kỷ niệm của người từng qua các miền quê Mù Cang Chải, Than Uyên: "Nhấp nhô sóng lúa bậc thang / Cánh dù chao liệng vắt ngang lưng trời". Cô Tống Thị Kim Oanh lại có "Tâm sự bốn mùa" về nghề dậy học. Bắt đầu là mùa thu, mùa khai trường đến mùa đông lạnh giá, mùa xuân chồi biếc, mùa hè phượng đỏ rực hoa. "Bốn mùa đã trôi qua / Thêm tuổi người cầm bút / Phấn trắng và bảng đen / Không gợn chút bon chen / Vì tương lai cuộc sống / Vì tương lai con trẻ / Ôi! Hạnh phúc vô biên / Cuộc đời người nghề giáo".

Phần thơ của học sinh, tôi cũng có cảm tình với sáng tác của cháu Trịnh Thị Thu Mai, lớp 9A với bài: "Xa cô".  Hình ảnh: "Cổng trường khép lại / Cô bước xa dần / Chúc cô mạnh khỏe / Ngàn lần biết ơn". Những vần thơ đúng là của lứa học sinh cuối cấp, sắp xa trường nhưng vẫn mong ước sự chăm sóc của cô mà không được: "Thời gian ai níu / Đành lòng xa cô".

Bài này hai khổ sau Thu Mai viết mỗi câu năm chữ, khác với mỗi câu bốn chữ ở những khổ đầu, chắc có ý muốn tiết tấu của bài chậm lại. Nhưng tôi thấy nó làm giãn mạch những khổ thơ trên nên lược bớt mỗi dòng một chữ (tiếng) để toàn bài thống nhất hơn.

Bài "Mái trường thân yêu" của Nông Thanh Thảo My, lớp 9A có những câu khá xúc động:

Trống gọi tan trường, em ngẩn ngơ
Hàng phượng vĩ gọi hè về thắp lửa
Tiếng ve báo chẳng còn bao lâu nữa
Nơi này thành lớp cũ, trường xưa.

Vũ Anh Thư, lớp 6B có một hình ảnh khá đẹp trong bài viết về "Trường em": "Chiều thu nhè nhẹ nắng vàng / Rợp che phượng vĩ từng hàng xanh xanh". Có em lại khá tinh nghịch khi nhìn nhận cô giáo và cái thước kẻ trong tay cô như một "Thiên thần của lớp", vì khi các em: "Tinh nghịch / Ngây thơ / Ồn ào chim vỡ tổ / Cạch! Tiếng thước / Lớp lặng im. / Giờ làm bài / Có em liếc mắt sang bạn quay cóp / Nghe tiếng thước / Giật mình / Giả vờ lặng im. / Thước và cô / Thiên thần của lớp". (Bài: "Thiên thần của lớp" của Dương Đào Thanh Hoa, lớp 7D.
Và còn có thơ của một số cô và các cháu học sinh khác. Tuy nhiên, phần đông thơ còn sa vào kể mà ít có hình ảnh lắng đọng. Tình của người viết còn bị trượt ngoài câu chữ, chưa chạm được vào cảm xúc, cảm nhận của người đọc.

Nhưng đó cũng chỉ là một chút “gạn đục” để “khơi trong”  với các “nhà thơ không chuyên” còn với sự quan tâm của các thầy cô giáo, đặc biệt là Ban Giám hiệu nhà trường, bằng sự liên hệ chặt chẽ với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái để tìm hiểu về văn học nghệ thuật, tôi tin phong trào đọc văn, học văn và tham gia sáng tác văn học nghệ thuật sẽ có bước phát triển tại mái trường có tiếng chất lượng cao của thành phố này.

Dương Soái    

Các tin khác
Người dân Bangkok Thái Lan quây tròn xem nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam trình diễn.

Vở rối cạn Nhịp điệu quê hương của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã giành giải chính thức duy nhất tại Lễ hội múa rối thế giới vừa được tổ chức tại Bangkok - Thái Lan.

Chiều 18/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ công bố hoàn thành công trình tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian, một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo, ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ sau gần hai năm thực hiện.

Khách tham quan tại triển lãm.

Sáng 18/11 tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với một số bảo tàng địa phương tổ chức khai mạc triển lãm “Văn hóa Đông Sơn” nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện, nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn.

Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 3 năm 2014 do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL) phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) vào ngày 20-11 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục