Giữ hồn văn hoá dân tộc
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2014 | 8:30:44 AM
YBĐT - Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá riêng, việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp phụ thuộc vào chính những con người trong “cộng đồng riêng” đó. Đối với người Thái vùng Mường Lò, từ lâu, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hoá và những người đã góp phần làm nên nét đặc trưng đó chính là những người phụ nữ.
Tiết mục múa khăn của phụ nữ Thái xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn.
|
Các bà, các chị không chỉ giữ cho mình sự dịu dàng, nữ tính vốn có của người phụ nữ Thái mà còn rất giỏi nữ công gia chánh, khéo léo, tỉ mỉ trong việc chế biến từng món ăn cổ truyền đến việc thêu thùa, may vá. Đến Mường Lò, dễ thấy, vẻ đẹp của vùng đất này toát ra từ “nét duyên” của người phụ nữ Thái. Dù trong lao động, sản xuất hay vui chơi, lễ hội, lúc nào, các bà, các chị cũng búi tóc cao (tằng cẩu) và diện trên mình bộ trang phục truyền thống với váy dài, áo cỏm, khăn piêu. Bộ trang phục truyền thống do chính đôi tay tài hoa làm nên.
Hiện, nghề dệt thổ cẩm vẫn đang được những người phụ nữ nơi đây gìn giữ và truyền dạy cho con cháu. Đến nay, những mặt hàng thổ cẩm bền, đẹp như: chăn, gối, đệm… đã trở thành một trong những sản phẩm quảng bá cho vùng đất Mường Lò, đồng thời, giúp cho nhiều gia đình có thu nhập ổn định nhờ nhiều đơn đặt hàng từ trong và ngoài tỉnh.
Bày tỏ cảm xúc khi đến với vùng đất Mường Lò, không ít khách du lịch đã nói rằng, sự thích thú nhất khi đến với vùng đất này là được hoà mình vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân; nghỉ ngơi, thư giãn trong những ngôi nhà sàn sạch sẽ, thoáng mát; thưởng thức bữa cơm thơm dẻo với những món ăn đặc sắc, tinh tế như: xôi ngũ sắc, thịt trâu sấy, cá suối nướng, bánh chưng đen, canh rêu suối…. Qua tìm hiểu, những phương pháp chế biến món ăn của người Thái hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ ngàn đời để lại chứ không có trường lớp nào truyền dạy, vì thế, rất khác biệt và đặc biệt, không dễ lẫn với bất kỳ món ăn của dân tộc nào.
Chị Mai Thị Hằng - một du khách người Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã đến Mường Lò khá nhiều lần nhưng vẫn thấy vùng đất này có một sức hút lạ kỳ. Với tôi, tất cả những gì thuộc về nơi đây đều rất tuyệt vời. Tôi yêu cảnh vật thiên nhiên, yêu những làn điệu dân ca dân vũ, yêu những điệu xoè nổi tiếng của những cô gái Thái dịu dàng, duyên dáng...”.
Nhắc đến văn hoá vùng Mường Lò mà không nói tới những điệu xoè sẽ là một thiếu sót lớn. Những điệu xoè đã mang đậm dấu ấn của những người phụ nữ Thái. Các bà, các chị sau những buổi lao động hăng say lại quây quần cùng nhau múa hát; cùng nhau khôi phục, tạo dựng lại những điệu xòe cổ truyền thống. Để hôm nay, những điệu xòe điệu ấy đã là di sản văn hóa phi vật thể, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Thái nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Trên cơ sở những gì đã làm được, tin tưởng rằng, thời gian tới, bà con người Thái Mường Lò sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc một cách bền vững, các chị em phụ nữ người Thái sẽ tiếp tục tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do tỉnh, địa phương phát động, từ đó, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Bài nghiên cứu "Tiếng hát làm dâu" của dân tộc Mông do tác giả Trần Vân Hạc viết, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số 184 (tháng 10/2014), giới thiệu về bản dịch "Tiếng hát làm dâu" dân tộc Mông sang thể thơ song thất lục bát của dịch giả, nhà thơ Nguyễn Khôi, in trong tập "Út Ỏ về Kinh", Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2002.
Hồ sơ đề nghị công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ xem xét tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, từ ngày 24-28/11, tại Paris (Pháp).
Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 bắt đầu từ ngày 23/11 – 6/12 với sự tham gia của 40 thí sinh xuất sắc đã được BTC lựa chọn.
Trong 2 ngày 19 và 20/11/2014, Bộ TT&TT vừa ban hành quyết định xử phạt 5 báo điện tử gồm Thanh Niên, Tiền Phong, Một Thế Giới, Infonet và Tri Thức trực tuyến vì đăng bài có chi tiết không chính xác.