Mưa rừng cọ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/10/2015 | 10:02:28 AM

YênBái - YBĐT - Nhà thơ Ngọc Hải có bài thơ dung dị mà đáu đáu nỗi niềm tha hương:

“…Em sinh ra chốn ruộng đồng
Quen mùi rơm rạ, thơm nồng hoa chanh
Miếng cơm manh áo thị thành
Đêm nằm nghe sấm, giật mình mưa quê…”

Đêm qua sấm dậy, ì ùng một lúc rồi ào ạt đổ mưa xuống mái tôn khiến tôi tỉnh giấc. Nằm nghe mưa rơi, bỗng dưng lòng thổn thức nhớ tiếng mưa tuôn trên rừng cọ thuở nào. “Mưa rừng cọ, gió rừng thông”. Đây là câu của người xưa diễn tả cái âm thanh đặc trưng của những cơn mưa trên rừng cọ. Những hạt mưa tít trên mấy tầng trời rơi xuống, va đập vào từng tán lá cọ xòe căng, cộng hưởng nên thứ âm thanh nghe dữ dội lạ thường.
Dẫu không phải là đất trung du - quê cọ, nhưng vùng ngoài huyện Văn Chấn quê tôi cũng bạt ngàn cọ, xanh thẫm các quả đồi dưới chân núi và ven những cánh ruộng giữa lòng thung. Đất đồi tươi xốp, thung khe ẩm mát nên cọ nơi đây cứ ngút ngát, mỡ màng, thân cây dù cao tới hàng chục mét mà từ gốc tới ngọn vẫn vẹn nguyên từng chiếc bẹ, đều nây như thân rồng mùa con nước.

Một năm mười hai lá xanh dày, với những chiếc cuống dài hơn hai mét, xòe rộng rợp kín cả bầu trời. Khi tôi sinh ra, cọ đã có rồi. Cọ rợp bóng vườn nhà. Cọ tràn lấp khắp sườn đồi ven khe Mang Ao. Phía bên kia cánh đồng Chằm Hất, lấp lóa xanh rờn những đồi cọ hợp tác, mỗi năm thu cả chục vạn lá. Cây cọ gắn bó thân thương với người dân quê tôi bao đời sinh tụ ở đất này. Lá cọ ken dày, kết chặt làm nên những mái nhà dãi dầu mưa nắng, chở che cho bao thế hệ. Mùa hè, gió từ những chiếc quạt lá cọ hình cánh bướm, dịu bớt đi cái nắng nôi, vất vả nương đồi. Những thân cọ già, khi ngả xuống, bỏ lớp bẹ khô, bắc cầu qua khe suối nhỏ hoặc đem bổ đôi, khoét bỏ lõi làm thành những chiếc máng, dẫn nước vào ruộng. Toàn bộ thân lá cọ hầu như không bỏ đi thứ gì. Nón lá cọ vừa bền vừa mát. Chổi quét sân, quét ngõ cũng từ lá cọ mà thành. Cành cọ dài rào giậu giữ vườn và phơi khô làm củi, cháy lẹm mà vẫn đậu than….

Năm tôi lên mười, bố và mẹ dựng ngôi nhà sàn mới năm gian, cột toàn gỗ sến, táu và phải cần tới gần năm ngàn tàu cọ mới phủ kín mái. Cả khu vườn cọ xanh ngút như núi sau nhà cũng chỉ đủ lợp hơn một mái. Như là hương ước, người dân quê tôi mỗi nhà tự nguyện gánh đến năm bảy chục lá, giúp gia đình có ngôi nhà mới. Bố tôi cho mổ con lợn ỉ nuôi gần hai năm toàn bằng thân chuối tía và lá mản băm nhỏ trộn cám gạo. Nó béo tròn, lưng võng, bụng lết xuồng nền chuồng. Mấy chục người trong bản đến giúp lợp nhà, vui như tết. Người trên mái thoăn thoắt luồn những tàu cọ đã phơi héo vào những chiếc mè chạy dài theo chiều ngang của mái. Dưới sân, các chị phụ nữ rộn ràng chọc từng tàu lá cọ vào đầu cây nứa đưa lên mái cho người lợp. Hai bên chái nhà, phải là người có kinh nghiệm mới làm được đúng kiểu, giữ cho mái nhà bền vững trước những mưa hè như pháo rang trong rừng cọ.

Công việc này chỉ có ông Long Lùn và ông Thiên Bách mới làm được. Bắt nóc nhà còn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và dường như cũng chỉ dành riêng cho ông Thiên Bách và ông Long Lùn. Những tàu cọ được luồn qua thanh mè áp sát cây nóc và bắt chéo nhau, sau đó dùng vồ đóng một chiếc ghim tre xuyên qua như cây trâm cài tóc. Khi mái lợp xong, phần nóc nhà đều tăm tắp như mái tóc tết gọn gàng. Những mái nhà sàn quê tôi đã được kết nên bằng những tàu lá cọ thân thương và nghĩa tình làng bản, sớm hôm gắn bó, quây quần như những rừng cọ trải bao mưa nắng vẫn ngút ngát một màu xanh.

Những chiều hè nắng oi sau vụ gặt, mặc cho lũ trâu no nê, đằm đìa ngoài đồng, đám “Mục đồng” chúng tôi, ngồi trên thích nhà sàn rợp mát mái lá cọ, thi chong chóng gió. Khi thấy những tán lá cọ ngoài vườn lao xao, là chúng tôi thi nhau gọi gió: “Gió đông, gió tây, gió về đây gió mát!”. Chẳng biết gió có nghe thấy không, mà những chiếc chong chóng cứ xoay tít dần lên, trong tiếng cười giòn tan của cả nhóm. Gió mỗi lúc càng mạnh hơn, xôn xao cả rừng cọ. Rồi những cơm mưa mùa hạ cũng bất chợt ào về, âm thanh rộn lên như bắt đầu từ phía vườn cọ. Cả đất trời chìm trong màn mưa xối xả. Nước từ trên mái lá, nối nhau giăng mành trắng xóa trước hiên nhà. Gió như hắt nước xuống rừng cọ, không gian ầm ào tiếng mưa rơi. Mưa rừng cọ làm nên cung bậc âm thanh đặc trưng, không nơi nào có được.

Người lớn thì lo lắng cho những mẻ lúa mới gặt còn chưa no nắng, thì đám trẻ chúng tôi lại cứ hồn nhiên, đồng thanh câu hát “Roọng phân” (Gọi mưa) mẹ dạy hồi nào: “… Phạ ơi, phuân luông!/  Mắc muồng pân lai/ Mắc cại coóng khà/ Co cuổi oóc bioóc/ Rươn nưa khai khẩu/ Rươn tẳư khai pie/  Tua ma háu luông/ Tua méng ngoàng roọng/ Cần Tày xẻ gỗ…”
Có nghĩa rằng: “Trời ơi mưa to!/ Cho muỗm sai quả/ Trái vải trĩu cành/ Cây chuối trổ hoa/ Nhà trên bán gạo/ Nhà dưới bán cá/ Con chó sủa vang/ Con ve kêu lớn/ Người Tày xẻ gỗ…”.
Lời hát rộn ràng, cứ lặp đi lặp lại lẫn vào từng cơn mau, nhặt mưa rơi.

Rồi những đêm mưa dạt dào trên mái lá chập chờn giấc ngủ tuổi thơ, tôi cứ mường tượng ngoài kia, những cây cọ đang chĩa từng ngọn búp tựa thanh bảo kiếm cùng lớp lớp những tấm khiên là những tàu lá dày, ngoan cường chống lại các đợt tấn công của những đợt mưa rừng… 

Mưa rừng cọ nghe có vẻ dữ dội là vậy! Song, dưới tán lá xanh rợp cả trời, với tuổi thơ đất núi chúng tôi là cả một thế giới đầy cuốn hút. “Mùa hoa cọ trời đầy hương bay”. Sau tết “Kin chất” - rằm tháng bảy, cọ bắt đầu ra hoa. Từ những bẹ lá gần ngọn, chồi lên những vòi hoa màu nâu hồng. Độ tuần sau, những vòi hoa đã dài hơn nửa mét, căng phồng như những bao kiếm lớn, chĩa ra bốn hướng. Vài ngày tiếp theo, vòi nụ bung ra những chùm hoa trắng ngà, tựa cành san hô biển, tỏa hương ngan ngát khắp đồi. Khi còn non, quả cọ hình trái xoan, xinh xắn và xanh bóng như những viên ngọc bích. Sau chúng chuyển dần sang màu cô ban và đến tháng mười một âm, cọ bắt đầu chín, vỏ nhấp nhánh màu tím than. Khi chặt lá lợp nhà, bao giờ  người dân quê tôi cũng chừa lại một vài cây cho trái to, béo ngậy. Bởi không chặt lá, cây không bị mất nhựa, quả mới ngon. Vào mùa cọ chín, anh em chúng tôi thường trèo lên chặt từng buồng rồi dùng dây thừng thả xuống. Những quả màu da tím than, nhẵn bóng, căng tròn, cùi dày vàng như sáp ong non, khi nhấm thử thấy dẻo, ít chát … chính là cọ nếp.

Cọ mang về, cho vào rổ thưa trộn lẫn vài que nứa nhỏ, lắc đều làm vỏ tróc ra. Sau đó rửa sạch và cho cọ vào nồi ỏm trong nước sủi lăn tăn chừng mười lăm phút. Nước ỏm cọ nếp sánh vàng như mỡ gà thiến. Trái cọ nếp dẻo mềm, béo ngậy chấm thêm chút muối vừng ăn với cơm gạo nương, thì chỉ thấy no mà không biết chán.

Trong bạt ngàn xanh thẫm tán cọ xòe ô, nhiều khi trời mưa mà cũng chẳng ướt đầu, còn là cả khu vườn cổ tích đầy kho báu. Thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những ổ gà rừng đầy trứng, giữa đám cỏ khô dưới gốc cọ. Rồi cả những tổ chim sâu kết bằng tơ bẹ cọ thật tinh xảo và bền chắc. Những dây lạc tiên miên man bò khắp mặt đất rồi leo lên những thân cọ già, tỏa hương ngào ngạt. Những búi phong lan lá dài như lá lúa, buông rủ từng chùm hoa màu nâu tím đẹp vô cùng…

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều thay đổi. Những mái nhà lợp cọ, tỏa khói lam chiều đang dần đi vào ký ức nhường chỗ cho những nếp nhà sàn bê tông giả gỗ, mái tôn rực đỏ. Nơi ngút ngàn những đồi cọ hợp tác ngày xưa nay đã thành những đồi chè, rừng keo, rừng mỡ. Nhưng may thay, phía sau nhà bố tôi vẫn giữ được một vạt cọ già, để cho con cháu nơi thành thị về chơi có chút quà quê. Còn nữa, là có cái để che rau khi vào vụ mới và làm chổi quét sân vườn. Những cây cọ còn lại giờ đây đã cao hơn chục mét, thân già nua mốc thếch mà sao lúc nào búp lá cũng non tơ. Sống xa quê, nhiều khi thấy tán lá cọ tựa mặt trời sớm mai cứ xòe trong ký ức. Đêm nay, mưa lại rộn trên mái tôn, bỗng dưng lòng thổn thức, nao nao nhớ tiếng mưa rừng cọ thuở nào!

Tản văn của Thanh Tửu

Các tin khác

YBĐT - Du khách đến thăm thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái vào mùa nắng, đứng trên cầu bắc qua suối Thia thấy cả một quãng suối dài từ thượng nguồn đổ về tung bọt trắng xóa, tạo nên muôn sắc cầu vồng. Đây đó các cô gái Thái đang nhẹ nhàng tách từng cụm rêu bám vào gờ đá, chùm rêu xanh mướt được dòng nước vuốt mượt mà như suối tóc.

Các tác phẩm xuất sắc nhất được trưng bày triển lãm tại Ocean Café, TP Phan Thiết từ ngày 22 đến hết ngày 26-10-2015

Sáng hôm qua, 22-10, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Tạp chí Vietnam Heritage trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức khai mạc Triển lãm cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2015 và trao giải thưởng ảnh “Bình Thuận- Hội tụ xanh” .

Một phần hồn cây lúa đi sẽ gọi 10 phần hồn cây lúa về, một hạt lúa đi sẽ gọi 10 hạt lúa về, 10 hạt lúa đi gọi 100 hạt lúa về, 100 hạt lúa gọi 1.000 hạt lúa để sinh sôi nảy nở thành bồ thóc, bồ thóc sinh sôi thành kho thóc cho con người con vật ăn quanh năm không hết…

Hôm qua, ngày 21-10, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt bản dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng An-ba-ni.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục