Xuân Lai - miền Then, Coọi
- Cập nhật: Thứ tư, 17/2/2016 | 10:16:24 AM
YBĐT - Xuân Lai là một trong 9 xã thuộc vùng Đông Hồ của huyện Yên Bình. Với hơn 70 % dân số là người Tày, Xuân Lai còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Tày vùng sông Chảy - Đông hồ. Nếu đã một lần đến Xuân Lai, bạn sẽ nhớ mãi vẻ đẹp sơn thủy hữu tình và nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của người Tày nơi đây.
Ở Xuân Lai (Yên Bình) nhiều em gái còn nhỏ tuổi đã say mê với điệu hát Then, Coọi của dân tộc mình.
|
Có lẽ không sai khi nói rằng, Xuân Lai là “miền quê Then, Coọi”. Bởi đây là nơi sinh sống, quần tụ bao đời nay của cộng đồng dân tộc Tày - một trong những dân tộc có mặt đầu tiên ở vùng sông Chảy với kho tàng văn hóa dân gian phong phú và tập tục có nhiều nét đặc trưng còn lưu giữ được như: Trường ca Khảm hải; Then, Khắp, Coọi, Phong slư… mượt mà, tình tứ; những váy, áo, khăn nhuộm chàm thân thuộc...
Từ xa xưa, trong văn hoá giao tiếp, người Tày vùng sông Chảy có hát Khắp, hát Coọi; trong đám cưới có hát Quan làng; gửi thư cho bạn có hát Phong slư; khi giao tiếp với tổ tiên có hát Pựt, trong hát Pựt lại có hát Khảm Hải (nghĩa là Vượt biển)… Với người Tày sông Chảy - Đông hồ nói chung, người Tày ở Xuân Lai nói riêng; những điệu Then, Coọi, Khảm hải, hát quan làng, Phong slư… là tinh hoa văn hóa cha ông để lại và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần. Trong lao động sản xuất, trong lễ hội, trong đám cưới đều có hát Then, hát Coọi, hát Quan làng… Nhiều đôi trai gái đã hát đối đáp đến say mê, hát hẹn ước để rồi nên vợ nên chồng, yêu thương nhau bền chặt.
Trong nhịp sống hiện đại và ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Lai vẫn luôn ý thức gìn giữ và phát huy nét đẹp dân tộc mình. Những điệu Then, Coọi không chỉ là niềm tự hào, đam mê của lớp người cao tuổi mà giờ đây, lớp trẻ mới ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” cũng đã biết hát Then, đàn tính; thích mặc váy áo chàm và đeo vòng bạc. Đó là điều thật đáng mừng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời đại mới.
Có được kết quả ấy là nhờ tâm huyết và sự cố gắng không mệt mỏi của những nghệ nhân cao tuổi say mê văn hóa dân tộc Tày như Hoàng Tương Lai, Đặng Vũ Kim, Nông Đình Lai, Hoàng Ngọc Thành… và các cấp chính quyền xã Xuân Lai. Họ đã cùng nhau lập ra Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ xã Xuân Lai để sưu tầm, phục dựng những điệu hát cổ của dân tộc mình và truyền dạy cho lớp trẻ. Dù mới hoạt động được gần 4 năm, nhưng CLB đã nhiều lần tham dự hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc trong tỉnh và đều để lại ấn tượng đẹp với người xem.
Chia sẻ về tâm huyết gây dựng, duy trì CLB văn nghệ xã Xuân Lai, nghệ nhân Hoàng Tương Lai, hiện là Chủ nhiệm CLB Văn nghệ xã Xuân Lai (Yên Bình) cho biết: “Hát Then, Coọi, Quan làng… là nét đẹp truyền thống của Xuân Lai. Xưa kia, dù cuộc sống nhiều khó khăn nhưng các cụ cao tuổi từng hát thâu đêm suốt sáng rất say mê. Giờ đây, cuộc sống hiện đại hơn thì những nét văn hóa đó lại dần mai một nên tôi rất tiếc và thấy mình có trách nhiệm phải khôi phục lại, gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Vì thế, tôi đã bàn với các cụ cao tuổi và chính quyền xã lập ra CLB Văn nghệ xã Xuân Lai. Ngoài các thành viên cao tuổi, CLB còn có hơn 10 thành viên nhỏ tuổi, tầm từ 8 đến 16 tuổi cũng rất yêu thích vốn văn hóa dân tộc. Sau một thời gian được chỉ dạy, các cháu giờ đây đã đi biểu diễn, nhưng đáng mừng hơn là niềm đam mê của lớp trẻ chính là động lực để chúng tôi tâm huyết với CLB hơn nữa…”.
Với mong muốn để con cháu luôn nhớ về cội nguồn; gìn giữ và phát huy vốn tinh hoa văn hóa quý báu cha ông để lại; CLB văn nghệ xã Xuân Lai đã có nhiều hình thức sinh hoạt, học tập để thu hút nhiều lứa tuổi cùng tham gia. Không chỉ dạy đàn, dạy hát, các thành viên cao tuổi còn dạy lớp trẻ từ cách mặc trang phục dân tộc thế nào cho đúng và duyên dáng, đặc biệt là giúp các em hiểu sâu sắc về ý nghĩa từng lời ca, điệu hát…
Nghệ nhân cao tuổi truyền dạy đánh đàn tính cho thế hệ trẻ.
Năm nay đã 83 tuổi nhưng ông Đặng Vũ Kim vẫn luôn say mê và hát tốt những điệu Then, Coọi… Ông hát mọi nơi mọi lúc, hát bằng niềm đam mê cháy bỏng và niềm tự hào dân tộc. Ông cũng từng tham dự và giành được giải thưởng tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng. Không chỉ thuộc nhiều làn điệu cổ, ông Kim còn đặt lời mới cho các làn điệu nhằm giáo dục, bảo ban con cháu. Với vai trò là phó chủ nhiệm văn nghệ, ông Kim đã cùng các thành viên cao tuổi tích cực truyền dạy cho các thành viên nhỏ tuổi. Với ông Kim, ngày nào còn hơi thở là ông còn hát, còn truyền dạy cho lớp trẻ.
Để giúp lớp trẻ hiểu biết sâu rộng và có cơ hội học hành bài bản, CLB Văn nghệ xã Xuân Lai còn mời nghệ nhân đàn tính Nguyễn Thủy Chung ở xã Thái Sơn - huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đến truyền dạy đánh đàn tính. Đàn tính là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu trong nghệ thuật dân ca dân vũ của người Tày từ bao đời nay. Nó có mặt trong tất cả các ngày vui, ngày trọng đại của đồng bào Tày như lễ hội Lồng tồng, lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới, ngày cưới… Nhưng theo thời gian, người biết làm đàn tính và chơi đàn tính giỏi ở Xuân Lai không còn.
Tuy nhiên, hồn dân tộc và âm điệu trong trẻo, tha thiết gửi gắm qua tiếng đàn tính thì dường như không mất đi. Bởi vậy, lớp học đàn tính đầu tiên mở trong dịp hè năm 2015 do CLB văn nghệ phối hợp với UBND xã Xuân Lai tổ chức đã nhanh chóng thu hút được hơn 10 bạn trẻ tham dự. Có những em nhỏ mới 5 - 6 tuổi đã say mê theo học. Niềm đam mê, sự háo hức được học văn hóa dân tộc đã mang lại một không khí khác lạ cho lớp học đặc biệt này. Sau lớp học, các em tiếp tục rèn luyện dưới sự chỉ dạy của các nghệ nhân trong CLB Văn nghệ xã Xuân Lai. Đến nay, nhiều em đã tự đàn và hát Then thành thạo. Đó là niềm vui, cũng là tín hiệu đáng mừng trong việc gìn giữ, lưu truyền, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Xuân Lai.
Mừng xuân mới Bính Thân, CLB Văn nghệ xã Xuân Lai đã có dịp thể hiện và khẳng định mình trong chương trình cầu truyền hình mừng Đảng mừng xuân do huyện Yên Bình và Đài PTTH Yên Bái phối hợp tổ chức. Những lời Then, Coọi, điệu đàn tính ngân vang trong tiết xuân rực rỡ của vùng đất Đông Hồ xinh đẹp qua sóng truyền hình Yên Bái đã hòa vào không khí đón xuân khắp mọi miền quê. Đó là niềm vui, cũng là niềm tự hào của những người con Xuân Lai, Đông Hồ đang ngày đêm tâm huyết gìn giữ điệu Then, Coọi, đàn tính của dân tộc mình. Đó cũng là một minh chứng rõ nét về sức sống lâu bền của văn hóa Tày sông Chảy - Đông Hồ.
Việc bảo tồn và phát huy vốn dân ca Tày truyền thống vùng sông Chảy - Đông hồ bằng tâm huyết, tình yêu và niềm tự hào của các thành viên CLB Văn nghệ xã Xuân Lai như nghệ nhân Hoàng Tương Lai như: ông Đặng Vũ Kim, Hoàng Ngọc Thành, Nông Đình Lai… là việc làm thật đáng quý và trân trọng. Có thể nói, chính sự đam mê, tâm huyết của các nghệ nhân cao tuổi trong CLB đã góp phần gìn giữ và phát huy vốn tinh hoa văn hóa dân tộc Tày sông Chảy - Đông Hồ trong đời sống mới; đồng thời đánh thức niềm đam mê của lớp trẻ, khơi dậy tình yêu và niềm tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc. Tin rằng, Xuân Lai sẽ mãi là miền quê Then, Coọi - nơi để mọi người tìm về với những nét đẹp vốn có bao đời nay của cha ông.
Anh Thư (Đài PTTH Yên Bái)
Các tin khác
Ngày 16/2 tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức triển lãm nghệ thuật “Chào Xuân Bính Thân 2016,” nhằm gửi tới công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô lời chúc đầu Xuân bằng những tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh chào đón một mùa Xuân mới với nhiều ước vọng.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”. Theo đó, trong các việc phải làm để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này sẽ có hạng mục giới thiệu Mộc bản trong trường học.
Triển lãm giới thiệu đồng thời 5 dòng tranh dân gian của Việt Nam đã được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội.