Triển lãm 5 dòng tranh dân gian Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 16/2/2016 | 8:15:54 AM
Triển lãm giới thiệu đồng thời 5 dòng tranh dân gian của Việt Nam đã được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội.
|
Triển lãm mang tên “Nét xuân”, do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội kết hợp với Bảo tàng gốm sứ Hà Nội tổ chức, trưng bày khoảng 200 tư liệu về tranh dân gian Việt Nam.
Tranh dân gian Kim Hoàng, Hà Nội là dòng tranh phát triển mạnh vào thế kỷ XIX nhưng bắt đầu thất truyền từ trận lụt năm 1915 sau khi nhiều ván in tranh bị cuốn trôi. Đến năm 1945, dòng tranh này hoàn toàn không được sản xuất nữa. Các nhà sưu tập và các họa sĩ đã bỏ nhiều công sức để có thể phục dựng những bức tranh dân gian Kim Hoàng.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội - cho biết: “Việc phục dựng dòng tranh Kim Hoàng rất vất vả vì mẫu phải lấy ở một cuốn sách do người Pháp lưu giữ. Người ta không lưu giữ bản mộc mà lưu giữ bức tranh, mình dựa trên bức tranh được chụp lại để phục chế lại”.
Trước đây, những bức tranh dân gian Hàng Trống, tranh Đông Hồ thường được sử dụng cho mục đích thờ cúng hoặc dán trên tường vào dịp Tết, hết năm lại lột bỏ, thay tranh mới. Ngày nay, tuy không còn được sử dụng nhiều như trước nhưng những bức tranh dân gian của hai dòng này vẫn là kỷ niệm khó quên đối với nhiều người, đặc biệt là trong dịp Tết.
Bà Văn Dương Thành, Hà Nội nhớ lại: “Khi tôi còn nhỏ có đi Hàng Trống và Đông Hồ để mua những bức tranh Tết tặng cho các cụ trong gia đình, dòng tranh Tết này có điểm đặc biệt là màu sắc lộng lẫy”.
Không chỉ những người lớn tuổi, thế hệ trẻ Việt Nam cũng có tình cảm đặc biệt đối với các dòng tranh dân gian của quê hương. Em Nguyễn Đức Huy, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Quang Khải, TP Hồ Chí Minh, tuy mới 18 tuổi, nhưng đã có 2 năm kinh nghiệm phục chế dòng tranh kính Nam Bộ. Đến nay, Huy đã phục chế được khoảng 20 bức tranh thuộc dòng tranh này.
Nguyễn Đức Huy cho biết: “Nếu tấm tranh hư hại quá nhiều thì mình nạy lớp cũ và đồ lại lớp mới lên trên tấm tranh, còn không thì giữ nguyên bản và vẽ lại một tấm như vậy. Khó nhất là công đoạn lên màu, không cẩn thận chút là tác phẩm sẽ bị hỏng”.
Triển lãm tranh dân gian “Nét xuân” sẽ kéo dài đến hết ngày 16/2. Ban tổ chức hy vọng, thông qua triển lãm này, nhiều người dân Việt Nam sẽ biết đến các dòng tranh dân gian truyền thống, qua đó hiểu thêm được nét văn hóa của dân tộc.
(Theo VTV)
Các tin khác
Đêm 14/2, tại lễ trao giải của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh (BAFTA) ở London, bộ phim lấy đề tài phiêu lưu sinh tồn ''The Revenant'' đã giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải phim điện ảnh xuất sắc nhất, từ đó tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu danh sách đề cử giải Oscar dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Hát múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống, chỉ diễn ra ở lễ hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhưng lại do phường (tương tự một đoàn) Ải Lao thuộc làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên thực hành.
YBĐT - “Đụng lợn” - tết xưa đã trở lại và dường như người dân đang từng bước chuyển dần từ “ăn ngon - mặc đẹp” thành “mặc đẹp - ăn nghệ thuật” để giữ lại nếp xưa.
YBĐT - Lời hát Sình ca của Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh khi cất lên làm mê đắm lòng người đặc biệt là các khúc hát mừng xuân mới, với cách lấy hơi, nhả chữ luyến láy khó ai bì kịp. Giữa bạt ngàn rừng quế mang tiếng hát Sình ca như giục mùa xuân đến sớm.