Biến tướng lễ hội: Mê tín lấn át văn hóa
- Cập nhật: Thứ ba, 23/2/2016 | 2:01:19 PM
Khung cảnh hàng trăm thanh niên lao vào nhau, giẫm đạp, đả thương đến đổ máu tại lễ hội cướp phết làng Hiền Quan (Phú Thọ) vào ngày 13 tháng Giêng, hay hàng nghìn người trèo tường, leo lên lư hương, giẫm lên bệ thờ để cướp ấn tại Lễ hội Đền Trần (Nam Định) diễn ra vào tối 14 tháng Giêng vừa qua… là những hình ảnh nhức nhối của mùa lễ hội năm nay.
Tình trạng hỗn loạn, tranh cướp diễn ra trong nhiều lễ hội.
|
Văn hóa lễ hội đã được truyền thông nói nhiều trong những năm qua nhưng dường như với ý thức kém của người dân, sự mê tín quá đà cùng với sự non kém trong khâu quản lý của các địa phương đã phần nào khiến cho mùa lễ hội năm Bính Thân trở nên hỗn loạn và phản cảm.
* Hỗn loạn vì… tranh cướp!
Đi lễ đầu năm từ lâu đã là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam với mong ước cầu an, may mắn, sức khỏe cho gia đình và bản thân trong năm mới. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa này đã ngày càng biến tướng khi tại rất nhiều lễ hội diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Những nơi thờ tự đáng lẽ cần sự tôn nghiêm, thành kính bỗng chốc trở thành những cuộc hỗn chiến. Một số hoạt động tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội bỗng biến tướng thành hoạt động… tranh cướp và người ta buộc phải làm quen với cụm từ “cướp lộc”, “cướp ấn”, “cướp hoa tre”, “cướp phết”...
Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng vừa qua khiến cho rất nhiều người bàng hoàng trước cảnh tượng cướp phết đầy bạo lực. Dù buổi chiều muộn lễ hội mới diễn ra nhưng từ trưa, hàng trăm thanh niên đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh giành. Chẳng kịp chờ quả phết được rước đến đúng chỗ quy định, hàng trăm thanh niên mình trần lao vào nhau, giẫm đạp, ẩu đả để cướp bằng được quả phết với hy vọng mang lại may mắn cho mình. Biển người hỗn loạn, gào thét tạo nên cảnh tượng tranh giành phản cảm. May mắn chẳng thấy đâu nhưng đã có người vỡ đầu mẻ trán, có người bị đám đông chen đến ngất lịm, cũng chẳng hiếm người mặt mày lấm lem, thần sắc hoảng loạn do ẩu đả.
Tối ngày 14 tháng Giêng diễn ra hoạt động khai ấn Đền Trần, một trong những lễ hội lớn thu hút lượng lớn du khách. Dù BTC Lễ hội đã chuẩn bị các phương án an ninh chặt chẽ như huy động hơn 2.000 cán bộ chiến sĩ công an, quân sự, dân quân tự vệ trên địa bàn tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông nhưng vẫn không ngăn được hàng nghìn người đạp đổ hàng rào, trèo lên lư hương để nhìn kiệu rước, thậm chí giẫm lên cả bệ thờ để chạm tay vào “bảo kiếm”. Chỉ vài tiếng sau khi làm lễ khai ấn, các vật phẩm như hoa, quả tại ban thờ ngoài sân đền Thiên Trường đã bị cướp đến tan hoang.
Điều đáng nói, đây không phải là năm đầu tiên cảnh tượng này diễn ra nhưng dù mỗi năm, Ban quản lý di tích các địa phương đều đưa ra các phương án để hạn chế bạo lực thì tình trạng hỗn loạn, tranh cướp, giẫm đạp vẫn diễn ra ngày càng phản cảm và phức tạp hơn. Hội Gióng (đền Sóc, Hà Nội) năm nay, BTC không cho mang gậy trong các đoàn rước, dù không xảy ra tình trạng đả thương bằng gậy như mọi năm nhưng những hình ảnh chen lấn xô đẩy, hỗn loạn khi biển người lao vào giành giật giò hoa tre tại Hội Gióng vẫn gây nhức nhối. Hay việc nhiều người vừa ôm lễ vật, vừa trèo tượng, giẫm lên cả những chậu hoa, bệ cây cảnh ở chùa Thiên Trù (Chùa Hương) để chen chân được vào các gian thờ cũng gây khó chịu cho nhiều người dự lễ. Hiện tượng người dân rải tiền lẻ ở các bệ thờ, nhét tiền vào tay Phật, đốt vàng mã với số lượng lớn không mấy thuyên giảm ở nhiều lễ hội dù đã có chủ trương cấm kinh doanh đổi tiền lẻ ở đình, đền, chùa.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó 2/3 diễn ra vào dịp đầu năm, nhưng năm nào cũng xảy ra những hiện tượng phản cảm và hình ảnh thiếu văn hóa. Rõ ràng, những hành động quá khích, phản cảm của người dân, mà chủ yếu là xuất phát từ ý thức kém, cũng như sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng văn hóa dân gian khiến cho các lễ hội đang dần biến tướng và trở nên xấu xí trong mắt những người hành hương.
* Lễ vật mâm cao, cỗ đầy vẫn không khiến tâm thanh thản
Với quan niệm “trần sao âm vậy”, đầu năm đi lễ - cuối năm trả lễ, vật phẩm càng cao thì bổng lộc càng nhiều khiến cho tâm lý, thói quen đi lễ của người dân vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đôi khi thói quen ấy được hình thành cũng bởi tâm lý a-dua chạy theo đám đông và cũng bởi sự mê tín thái quá dẫn đến những hành vi, ứng xử thiếu văn hóa.
Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, hiện nay việc đi lễ của người dân đang bị quá đà vì ý thức đi lễ không xuất phát từ cái tâm mà vì sự hám lợi của vật chất. Việc nhét tiền vào tay Phật, rải tiền lẻ vô tội vạ chẳng khác nào hành vi “hối lộ” thần thánh, mà điều này là vô cùng cấm kỵ bởi đạo Phật luôn hướng con người hướng thiện, tin ở nhân quả, tu tại tâm.
Một thực tế đáng buồn là, nhiều người không biết mình đang đến đình, đền, chùa nào, thờ ai, đến làm gì, cầu gì… Đại đa số đang trong tình trạng lờ mờ về sự hiểu biết tín ngưỡng lễ hội bởi vậy dẫn tới hành động "loạn" và ra sức tranh cướp vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Những hành động tranh cướp, đánh nhau, chen lấn ở lễ hội cướp phết, hội Gióng và đền Trần vừa qua cũng là bởi nhiều người đi lễ không có sự hiểu biết về tín ngưỡng mà hành động vì mê tín, a dua. Những hành động giẫm đạp lên bệ thờ, tranh cướp vật phẩm thờ cúng là hành vi vô văn hóa, nếu không muốn nói là báng bổ thánh, thần.
Cũng theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, việc đi lễ đầu năm là nét đẹp trong tín ngưỡng văn hóa của người dân Việt Nam. Nhưng việc đi lễ thế nào cho đúng với văn hóa tín ngưỡng dân gian lại là câu chuyện không đơn giản. Không phải cứ mâm cao, cỗ đầy mới chứng tỏ mình thành tâm, cũng không phải cứ lao vào cướp vật phẩm lấy may thì sẽ được may mắn cả năm. Nếu thành tâm thì chỉ cần một nén hương thơm cũng cho thấy lòng thành. Đến với đền, chùa là hướng tới điều thiện, vì vậy mỗi người đi lễ cố gắng hãy làm theo giáo lý của nhà Phật, đừng quá mê muội dẫn đến hành động mù quáng, phản cảm...
(Theo HNMO)
Các tin khác
Chiều 22-2, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã trao tặng 5 bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bộ VH, TT&DL, do Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế (Bộ TT-TT) sản xuất.
Giới chức giáo dục ở Dubai nhất trí rằng đọc sách sẽ giúp trẻ em phát triển toàn diện hơn bất cứ một hoạt động khác nào trong lớp học
Ngày 22/2, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý-Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu” nhằm công bố một số kết quả nghiên cứu mới trong 5 năm 2011-2016 dưới nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ và sử liệu.
Sau 10 ngày tranh tài, tối 20/2, Liên hoan phim quốc tế Berlin (Berlinale) lần thứ 66 đã khép lại và giải thưởng danh giá Gấu vàng cho bộ phim xuất sắc nhất đã được trao cho bộ phim tài liệu về người tị nạn "Fuocoammare" (tạm dịch: Lửa trên biển) của đạo diễn người Italy Gianfranco Rosi.