"Hồn" Sình Ca

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/2/2016 | 9:42:59 AM

YBĐT - Ông được người già, trẻ nhỏ nơi đây tôn trọng yêu mến bởi những cống hiến và gìn giữ những làn điệu Sình ca của đồng bào Cao Lan ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên. Ông là Nịnh Quang Thanh - Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú, "báu vật" quý giá của người Cao Lan hiện nay.

Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh truyền dạy nghệ thuật hát Sình ca cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh truyền dạy nghệ thuật hát Sình ca cho thế hệ trẻ.

Ngoài sân, bên máy tẽ ngô người đàn ông chạc 60 tuổi có dáng đậm và khỏe khoắn đang cần mẫn giúp vợ con đổ nốt thúng ngô làm thức ăn cho đàn gia súc trong những ngày giá rét. Nhìn ông giống “lão nông tri điền” hơn là một nghệ nhân ưu tú (danh hiệu cao quý được Chủ tịch nước phong tặng theo Quyết định số 2533/QĐ-CTN mới đây).

Ông được người già, trẻ nhỏ nơi đây tôn trọng yêu mến bởi những cống hiến và gìn giữ những làn điệu Sình ca của đồng bào Cao Lan ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên. Ông là Nịnh Quang Thanh - Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú, "báu vật" quý giá của người Cao Lan hiện nay.

Trong căn nhà khang trang, nhâm nhi chén trà ngày đầu xuân được nghe ông Thanh kể chuyện đời, chuyện nghề và cái duyên của mình đến với những làn điệu Sình ca mới thấy được cái đam mê, nhiệt huyết của ông.

Niềm đam mê ấy được bùng lên khi nhắc đến những khúc hát Sình ca, ông Thanh cao hứng hát tặng chúng tôi bài “Nhớ em” (Bài hát đã làm nên tên tuổi của ông khi đạt giải B đơn ca tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng - trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh lần thứ 9/2007): Lính nung lính, lính sì sì nung hỡi chi/ Linh nung sam, chùm mấy hính/ Phẳm lính cũng sì hỡi cũng sì. (Hiểu là: Nhớ em ba ngày không muốn ăn/ Nhớ em 3 bữa muốn khản tiếng/ Ngày nào có bao nhiêu giờ nhớ em bấy nhiêu giờ).

Thời gian và không gian như lắng lại khi giọng hát ông Thanh cất lên. Vợ ông nửa đời nghe ông hát mà vẫn ngưng việc bếp núc để thả hồn mình về một thời son trẻ. Tất cả đều không mong một âm thanh nào đó chen ngang – dù đó là một âm thanh rất nhỏ vẫn có thể làm hỏng mất sự êm ái, du dương của làn điệu Sình ca được cất lên bởi một giọng ca đằm thắm, ấm áp và mềm mại của ông.

Từ chàng thanh niên “yêu” Sình Ca

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố mẹ đều đam mê hát Sình Ca ở thôn Đá Cháy, xã Hòa Cuông nên “máu” nghệ sỹ đã được nuôi nấng, mạch ngầm trong ông. Kỷ niệm tuổi thơ ông là những đêm cùng cha mẹ và các liền anh, liền chị (báo nung) đi hát Sình ca mọi nơi có đồng bào Cao Lan sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Từ tập lấy hơi, đến luyện thanh âm, rồi cảm nhận, cảm thụ những cái hay, tinh túy trong từng làn điệu Sình ca của đồng bào mình. Nhưng trên hết người hát Sình Ca phải thể hiện được cung bậc cảm xúc đến người nghe hay nói cách khác “cái hồn” trong từng làn điệu mới là thứ quan trọng quyết định đến tài năng của một người nghệ nhân.

“Dù bạn có luyện thanh, luyện âm cho đến kỹ năng hát tốt nhất mà không thẩm được “hồn” của các làn điệu Sình Ca thì không thể truyền tải hết cái hay, cái đẹp, tính nhân văn trong mọi lời ca của nó” - ông Thanh nói vậy.

Ngoài niềm đam mê, hăng say luyện tập, ông Thanh còn được thừa hưởng một “báu vật” của dân tộc mình đó chính là cái “hồn” Sình ca mà ít ai có được. Bởi vậy, năm 17 tuổi tiếng hát Nịnh Quang Thanh không chỉ nổi tiếng khắp vùng mà còn lan rộng ra các xã vùng Đông hồ, huyện Yên Bình và tỉnh Tuyên Quang. Ông đi đến đâu là mọi người ái mộ, nhất là các thiếu nữ được hát với ông thì thật may mắn.

“Cứ từ mùng 5, mùng 6 đến ngoài Rằm tháng Giêng, tôi cùng những người yêu Sình ca ở thôn Đá Cháy tìm đến các đội Sình Ca bên tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Thái Nguyên để hát rồi say sưa thâu đêm suốt sáng. Sình ca là vậy đấy, đã hát đã mê rồi thì không thể lìa xa”, ông Thanh chia sẻ. Và đây cũng là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của chàng thanh niên - Nịnh Quang Thanh yêu hát Sình ca.

Ông yêu Sình ca còn hơn yêu người tình, hơn tất cả mọi thứ trên đời, vậy mà năm 18 tuổi ông buộc phải chia tay Sình ca khi bố mẹ bắt lấy vợ, mà theo phong tục của người Cao Lan ai lập gia đình là không được hát Sình ca nữa. Và ông ngậm ngùi chia tay tình yêu Sình ca đã gắn bó từ tuổi ấu thơ.

Đến Nghệ nhân ưu tú -Nịnh Quang Thanh

Đây có lẽ là thời gian đặc biệt khó khăn đối với chàng thanh niên Nịnh Quang Thanh. Mặc dù, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc nhưng nỗi nhớ Sình ca thì luôn đau đáu trong ông.

Để quên Sình ca, ông lao mình vào công việc của thôn, của xã. Từ vị trí Phó bí thư Đoàn xã đến cán bộ văn hóa xã Hòa Cuông. Trong nỗi nhớ Sình ca cũng là lúc trong ông vụt lên một niềm hy vọng mà bấy lâu nay ông thường trăn trở.

“Không hát nhưng có thể nghiên cứu, sưu tầm rồi thành lập câu lạc bộ hát Sình ca. Vừa thỏa chí đam mê lại vừa góp phần truyền tải vốn văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho thế hệ mai sau”.

Nói đến đây, ông Thanh vui hẳn. Từ khi cán bộ văn hóa xã, ông có điều kiện để tập trung sâu vào nghiên cứu. Ban đầu ông chuyên tâm nghiên cứu bằng cách liên hệ với những người đam mê Sình ca từ khắp mọi nơi.

Cứ ở đâu có người hát Sình ca là ông đến để nghe và ghi chép lại vào sổ tay. Từ một quyển sổ nhỏ, đến 2 quyển rồi 3 quyển... vốn Sình ca cũng vì thế mà đầy lên hàng ngày. Để rồi toàn bộ “kho báu” Sình ca đặc sắc của nền văn hóa Cao Lan đã được ông sưu tầm đủ và học thuộc, tiêu biểu như: Làn điệu Sình ca đêm thứ nhất, đêm thứ 2 rồi đêm thứ 7, khúc hát mừng xuân, mừng sức khỏe, mừng hạnh phúc, cầu mùa màng tươi tốt...

Không chỉ làm công tác sưu tầm, ông còn dày công nghiên cứu từ cách hát, nghệ thuật hát, các điệu múa đến các loại đạo cụ phục vụ khi hát Sình ca như: đàn bầu, sáo đệm, trống tâng sềnh, tiếng chiêng chẹ... Những gì tuyệt diệu nhất, tinh túy nhất cho đến tất cả các dụng cụ trong hát Sình ca đều được ông lĩnh hội cả.

Sau khi việc kiêng cấm người có gia đình hát Sình ca được xóa bỏ, ông Thanh trở lại đầy ấn tượng bởi được thỏa niềm đam mê ca hát, con đường nghệ thuật cũng từ đó giúp ông vươn đến đỉnh cao với hàng loạt các giải thưởng cao quý được trung ương và địa phương trao tặng như: Giải B, tiết mục đơn ca “Nhớ em” tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng - trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh lần thứ 9/2007; Huy chương Đồng tiết mục đơn ca “Mời rượu” và “Chúc sức khỏe” tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng - trình diễn trang phục dân tộc tỉnh lần thứ 10/2009 và rất nhiều giấy khen, bằng khen trong các hội diễn nghệ thuật ở các cấp...

 “Xuất phát từ niềm đam mê thôi, với lại khi kết hợp các làn điệu Sình ca với các điệu múa và đạo cụ âm nhạc sẽ làm cho người biểu diễn Sình ca tự tin hơn, uyển chuyển hơn và đặc biệt giọng hát ngân vang hơn”, ông Thanh phấn khởi chia sẻ.

Nếu chỉ nói ông là người đam mê, nhà nghiên cứu, sưu tầm những làn điệu Sình ca không thôi thì thật chưa đủ. Bởi không chỉ dừng lại ở vai trò biểu diễn, ông còn luôn đau đáu làm sao gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình cho thế hệ mai sau. “Nghiên cứu nhiều biết nhiều và tủi thân cũng nhiều, bởi suy cho cùng mình già thì những thứ này đâu còn ý nghĩa. Chính vậy năm 2012, tôi bàn với một số người đam mê Sình ca của thôn thành lập lên Câu lạc bộ Sình ca Đá Cháy”. Từ chỗ câu lạc bộ chỉ vỏn vẹn 7 người, nay đã là trên dưới 100 hội viên, đặc biệt lớp trẻ tham gia khá đông.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên cho biết: “Với những cống hiến của mình, đầu năm 2016, ông Nịnh Quang Thanh đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây không chỉ là phần thưởng đặc biệt dành tặng cho ông Thanh - người cả đời đam mê Sình ca mà còn là niềm tự hào chung của đồng bào dân tộc Cao Lan tại Yên Bái”.

Dù phần thưởng cao quý đến đâu chăng nữa thì với ông niềm vui lớn nhất chính là ông đã, đang hàng ngày, hàng giờ truyền dạy lại những làn điệu Sình ca cho các thế hệ mai sau của thôn Đá Cháy. Chia tay ông Thanh giữa bạt ngàn rừng quế, lời hát Sình ca mê đắm lòng khiến người nghe chẳng muốn rời xa.

Ngọc Sơn - Mạnh Cường

Các tin khác
Bản dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang tiếng Nga.

Chiều 25/2, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức giới thiệu bản dịch bằng thơ tự do tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du mang tên “Truyện Kiều song ngữ Nga - Việt”.

Cố nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: Thể thao & Văn hóa).

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa trình Thủ tướng Chính phủ, xét trình Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao.

Triển lãm - Hội Báo Xuân toàn quốc 2016 với chủ đề "Mừng Xuân mới, mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, mừng đất nước 30 năm đổi mới" sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 13-3, tại Hà Nội.

Adele ghi tên vào lịch sử BRIT với 4 giải thưởng

Sau khi lỡ hẹn với Grammy, Adele đã giành chiến thắng lớn với 4 giải thưởng tại lễ trao giải âm nhạc lớn nhất nước Anh - BRIT 2016.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục