Lễ hội đền Hùng - Lễ hội Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2016 | 9:18:14 AM

Lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn mang tính quốc gia để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Phong tục giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta.

Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Hùng.
Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Hùng.

Đó là ngày hội toàn quốc, toàn dân và trong tâm thức của người dân Việt Nam, nó mang tính thiêng liêng cao cả nhất. Vì thế, Lễ hội được tổ chức long trọng hàng năm với nghi thức đại lễ quốc gia, với sự hành hương “trở về cội nguồn dân tộc” của hàng chục vạn người từ khắp các nơi trong nước và kiều bào sống ở nước ngoài. Lễ hội đền Hùng kéo dài từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch, trong đó, mùng 10 là chính hội.

Cũng như mọi lễ hội khác khác, ở Lễ hội đền Hùng cũng gồm có 2 phần là phần lễ và phần hội.

Phần lễ được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh" (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ. Sau khi một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ tế. Tiếp theo, đến lượt các cụ bô lão của các làng xã sở tại quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vua Hùng.

Sau phần lễ là đến phần hội. Ở lễ hội đền Hùng, năm nào cũng tổ chức cuộc thi kiệu của các làng xung quanh đền. Với sự xuất hiện của các đám rước linh đình, không khí lễ hội trở nên tưng bừng náo nhiệt hơn. Theo truyền thống từ xa xưa, cỗ kiệu của các làng phải tập trung trước vài ngày thì mới kịp cuộc thi. Nếu như cỗ kiệu nào đoạt giải nhất của kỳ thi năm nay, thì đến kỳ hội sang năm được thay mặt các cỗ kiệu còn lại, rước lên đền Thượng để triều đình cử hành quốc lễ.

Cho nên, cỗ kiệu nào đoạt giải nhất thì đó là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của biết bao người dân trong làng ấy. Bởi họ cho rằng, đã được các vua Hùng cùng các vị thần linh phù hộ cho nhiều may mắn, nhân khang, vật thịnh... Tuy nhiên, để có được đám rước các cỗ kiệu đẹp lộng lẫy, phải chuẩn bị rất công phu và chu đáo từ trước. Những khó khăn vất vả của dân làng đã thôi thúc họ vượt qua được để đến với cái linh thiêng, cao thượng và hướng về Tổ tiên giống nòi.

Đó là đời sống tâm linh của dân chúng, được biểu hiện rõ nét qua một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian cổ truyền mang tính cộng cảm với cộng mệnh sâu sắc. Sinh hoạt văn hóa dân gian này, đã thành nhu cầu không thể thiếu được đối với các cộng đồng làng xã cư trú quanh đền Hùng.

Mỗi một đám rước kiệu có 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Kiệu được sơn son thiếp vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Sự bày biện trang trí trên cỗ kiệu cũng rất khéo léo và đẹp mắt. Cỗ kiệu đi đầu bày hương hoa, đèn nhang, trầu cau, chóe nước và bầu rượu. Cỗ kiệu thứ 2 đặt hương án, bài vị của Thánh, có lọng và quạt với nhiều sắc màu trang hoàng tôn nghiêm. Cỗ thứ 3 rước bánh chưng và bánh dày, 1 cái thủ lợn luộc.

Đi sau 3 cỗ kiệu này là các vị quan chức và bô lão trong làng. Các vị chức sắc thì mặc áo thụng theo kiểu các quan triều đình xưa, còn các cụ bô lão mặc áo thụng đỏ, hoặc mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăn xếp. Trong hội đền Hùng, nhân ngày giỗ Tổ còn tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan). Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo.

Dân gian truyền rằng, hát Xoan còn gọi là hát Xuân và điệu múa hát Xoan có từ thời Hùng Vương, được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng xã quanh vùng. Điệu múa hát Xoan này được nhiều người ưa thích, đặc biệt là bà Lan Xuân, vợ của vua Lý Thần Tông. Bà đã cảm nhận được âm hưởng dân ca đặc biệt và độc đáo của nó, nên bà đã cho sưu tầm và cải biên thành điệu hát thờ tại một số đền, đình làng thờ các vua Hùng.

Mở đầu, ông trùm phường Xoan Kim Đức - phường Xoan nổi tiếng cùng chủ tế đứng trước hương án hát chúc bằng bài khấn nguyện. Sau đó là một kép trẻ đeo trống nhỏ trước ngực ra làm trò giáo trống, giáo pháo. Tiếp theo, bốn cô đào ra hát thơ nhang và dâng hương bằng giọng hát lề lối. Rồi tiếp đến là những bài ca ngợi thánh thần kết thúc phần nghi lễ của Xoan.

Ở đền Hạ có hát ca trù (gọi là hát nhà tơ, hát ả đào). Đây cũng là loại hát thờ trước cửa đình, mừng dâng thành hoàng trong dịp hội làng do phường hát Do Nghĩa trình diễn.

Ngoài sân đền Hạ, ở nơi thoáng đãng có đu tiên. Mỗi bàn đu có hai cô tiên (cô gái Mường trẻ mặc đẹp) ngồi. Đu quay được là do các cô luân phiên lấy chân đạp đất. Đu tiên là trò chơi đẹp mắt, nhịp nhàng của phụ nữ. Xung quanh khu vực dưới chân núi Hùng là các trò diễn và trò chơi dân gian cổ truyền, diễn ra rất sôi động, được nhiều người tham dự như trò chơi ném còn, chơi đu, đấu vật, chọi gà...

Những trò đánh cờ người và tổ tôm điếm được các cụ cao niên tâm đắc. Còn các đám trai gái tụm năm, tụm ba trên các đồi đó trổ tài hát ví, hát trống quân hoặc hát đối đáp giao duyên… Tối đến, có tổ chức hát chèo, hát tuồng ở các bãi rộng ngay cửa đền Hạ hoặc đền Giếng…

Lễ hội Đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Và từ rất lâu đời, trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành "Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Trải qua bao thời đại lịch sử, tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức. Ngày nay, khi đất nước ngày càng phát triển vững mạnh thì Lễ hội đền Hùng lại càng được coi trọng.

Đặc biệt, từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng tôn lên niềm tự hào dân tộc với Lễ hội đền Hùng. Đồng thời, điều này càng thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Người dân hành hương về đất Tổ không hề có sự phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm khảm họ đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng. Bởi vậy, hễ ai là người Việt Nam nếu có sẵn tâm thành và lòng ham muốn hành hương về đất Tổ thì tự mình có thể thực hiện ước nguyện chính đáng đó một cách dễ dàng và thuận tiện.

Hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào. 

  B.T

Các tin khác
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời ở tuổi 76.

Trưa 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tác giả của nhiều tình khúc nổi tiếng trong đó có “Buồn ơi, chào mi!” đã qua đời do bệnh tuổi già. Trên các trang mạng xã hội, các nghệ sĩ và người hâm mộ bày tỏ sự tiếc thương nhạc sĩ. Làng nhạc Việt lại mất đi một nhạc sĩ gạo cội.

Sáu cuốn sách vào chung khảo Man Booker International 2016.

Tác giả Hàn Quốc và Trung Quốc góp mặt trong "shortlist" của giải thưởng văn học dành cho những tác phẩm nước ngoài dịch ra tiếng Anh hoặc xuất bản ở Anh.

Giải Âm nhạc Cống hiến 2016 sẽ tôn vinh nhạc sĩ Thanh Tùng và rocker Trần Lập.

Ngày 14-4, tại Hà Nội và TPHCM, báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Lễ bầu chọn giải Âm nhạc Cống hiến lần 11-2016 với sự tham gia của gần 100 phóng viên các báo, đài.

Điệu múa “Tắm suối” được khai thác chất liệu từ múa Thái nhẹ nhàng, uyển chuyển. 
(Ảnh: Sơn Nam)

YBĐT - Người làm biên đạo múa ở Yên Bái không nhiều nên nói đến các biên đạo như Hoàng Anh Đậu, Bích Thảo, Xuân Bình, Phú Bình, khán giả yêu nghệ thuật múa Yên Bái không những quen mặt mà còn có thể kể tên một vài tiết mục của họ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục