Đồng dao của người Thái Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2016 | 2:07:30 PM

YBĐT - Với trẻ em các dân tộc nói chung và trẻ em người Thái Tây Bắc nói riêng, các bài đồng dao luôn đồng hành trong suốt những năm tháng ấu thơ, để lại trong tâm hồn các em những tình cảm trong sáng, cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, góp phần giúp các em nhận thức cuộc sống một cách nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc ngay từ khi chập chững vào đời.

Trẻ em gái dân tộc Thái Mường Lò.
(Ảnh: Thu Hạnh)
Trẻ em gái dân tộc Thái Mường Lò. (Ảnh: Thu Hạnh)

Đặc điểm lớn nhất của các bài đồng dao là với cách kết cấu móc xích, cùng với cách diễn đạt nhẹ nhàng, ngôn ngữ giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu, kết hợp với các trò chơi, tạo nên một sự sống động, tươi sáng, phù hợp với cách nghĩ, lối sống và tiếp nhận của trẻ thơ.

Đây là thế giới các loại quả: “Mák nuối” - (Các loại quả): “Mák cỏng túm mák khưa/ Mák cỏng chứa mák lót/ Mák xúc nhọt mák quân/ Mák pên ên mák sản/ Mák cổn pản mák ngòa/ Mák táy ngà mák phướng/ Mák súc lương mák cuổi/ Mák cổn suổi mák bay/ Mák cổn cáy mák cọ/ Mák pên khỏ mák kham/ Mák pên nam mák mị/ Mák chị phạ mák ướt/ Mák súc lượt mák bâu/ Mák pên khâu mák hiểu/ Mák pên kiệu mák láng/ Mák cỏong cáng mák hính/ Mák tói tính mák chuông/ Tếnh mướng lai súc mák/ Tiện ók mák lai lai”.

Có nghĩa là: “Dưới bụi có quả cà/ Bụi cao có quả nhót/ Quả chín ngọt quả quân/ Tít trên đồi quả sim/ Nhiều gân là quả sổ/ Quả béo mọng quả ngõa/ Quả sung chát trĩu cây/ Chạy men cành quả khế/ Quả chuối chín vàng ươm/ Hai quả giống anh em/ Trám đen chua, cọ chát/ Qủa có đốt quả me/ Mình đầy gai quả mít/ Chỉ lên trời quả ớt/ Củ có máu củ nâu/ Củ mọc sừng củ ấu/ Ăn với trầu quả cau/ Lắc mau mau quả nhạc/ Kêu kính cong quả chuông/ Còn bao nhiêu loại quả, kể cùng nhau nghe nào”.

Các em vừa chơi đùa vừa hát đối đáp, hát nhiều lần lặp đi lặp lại trong mỗi cuộc chơi. Bài hát nêu ngắn gọn nhưng đầy đủ đặc điểm nổi bật các loại quả mà thường ngày các em nhận biết qua sự quan sát, lâu dần trở thành những kiến thức nhớ mãi không quên trong suốt cuộc đời.

Cũng có khi các bài đồng dao lại đi vào đặc điểm của loài vật, như bài “Sắp pắt nu” - (Đuổi bắt chuột), giúp các em nắm được đặc tính của loài vật và có thái độ đúng mức với con vật gây hại này: “Nu nu náy náy/ Chớ mứng pay mứng táy baư cá/ Chớ mứng má mứng táy baư khảu/ Chớ tứn chạu mứng táy táng luông/ Táy táng luông táng piếng má bản/ Táy táng quảng tin tắm má hướn/ Nu cuông bắng má sun/ Nu cuông bó má sun/ Nu baứ sun nu chạ/ Nu baứ bả nu tai/ Nu khảu bản sắp xia/ Nu khảu bản ná sắp xia…”.

Có nghĩa là: “Này chuột chù chuột nhắt/ Lúc mày đi mày trượt cỏ tranh/ Lúc mày đến mày men lá lúa/ Sáng sớm ra mày men đường cái/ Đi đường rộng đường bằng về bản/ Đường cái to dẫn chuột về nhà/ Chuột trong hang trong hốc về đây/ Chuột không chạy chuột ngu/ Chuột dính bả chuột chết/ Chuột vào bản đuổi bắt/ Chuột phá ruộng đập chết…”. Chỉ bằng mấy câu ngắn gọn đã nêu lên đặc tính của lũ chuột có hại cho mùa màng, cần phải tiêu diệt, lâu dần tạo nên một ý thức biết bảo vệ thành quả lao động trước những con vật có hại.

Bên cạnh các bài về các loại quả và vật như trên, còn có những bài mà sự giáo dục vô cùng tinh tế như bài: “Khí chọng cha” - tức là (Ngồi dây đu): “Khí chong cha/ kha bỏng bố/ Chộ mạy pao/ sao hướn tở/ Paự hướn nưa/ Mák khưa xổm/ Khảu tủm van/ Khảu chan chứt/ Ứt dựt khửn hướn quan/ Áng hướn tạo hướn lồ/ Ồ hướn tạo ồ khát…”.

Có nghĩa là: Nắm dây đu/ Đôi chân như hai ống nước/ Ta bay cao/ Cho ống nước đổ xuống/ Lúc em trên/ Khi em dưới/ Dưa thêm chua/ Bánh thêm ngon/ Cơm chan nước lã thành ngọt/ Nhìn xuống nhà Tạo/ Thấy chậu nhà Tạo bị thủng/ Ô nhà Tạo bị rách.

Chơi đu là trò chơi phổ biến của người Thái Tây Bắc, gần như nhà nào cũng có đu dây buộc dưới gầm sàn, hoặc dưới lùm cây cho trẻ chơi, trẻ em vừa đu vừa hát. Người lớn lại chơi đu trong các lễ tết. Có nhiều cách chơi đu như đu dây, đu guồng, nhưng lôi cuốn được nhiều người tham gia nhất là đu dây. Khi chơi, hai ống nước bằng nứa được đổ đầy buộc vào hai bên dây đu, đôi nào đu càng cao, nước đổ ra càng nhiều, càng được cộng đồng coi là người dũng cảm.

Bay lên trời cao, con người như được chắp cánh cho những ước mơ thánh thiện, cùng hòa trong niềm vui trong sáng. Cuộc sống như cũng đáng yêu hơn, những giá trị vật chất thường ngày thiếu thốn được nhường chỗ cho những ước mơ cao đẹp để rồi thêm trân trọng, thêm yêu những gì có được do bàn tay lao động, cuộc sống thêm hương sắc: “dưa thêm chua/ bánh thêm ngon/ cơm chan nước lã thành ngọt”.

Nhà Tạo (ý chỉ nhà quan lại) giàu là thế mà khi bay lên trời cao người ta thấy “chậu nhà Tạo bị thủng, ô nhà Tạo bị rách”, nhỏ bé tầm thường trước những ước mơ lành mạnh, những khát vọng cháy bỏng chính đáng của người dân lao động.

Còn bài “Koãi tõ kăn” - (Trâu húc nhau) lại đầy kịch tính và âm thanh: “Úm muộk… Úm muộk/ Koãi tõ koãi đủm đướk… đướk/ Nả đén xướk ku da… da/ Ta mững ték lãng lẹo… lẹo/ Khẻo mững huống ku păng… păng: -  Úm muộk… Úm muộk”.

Có nghĩa là: “Hục hịch… Hục hịch/ Trâu húc trâu đôm đốp… đốp/ Trán mày sứt tao chữa… chữa/Mắt mày vỡ thì xong… xong/ Răng mày rụng tao trả… trả/ Hục hịch… Hục hịch”.

Mỗi bài đồng dao như một bức tranh của cuộc sống, trong bài: “Pắt káp bửa” - (Bắt bướm): “Káp bửa hơi, mã tam xai… xai/ Mãnh lãi hơi, mã tom lạnh… lạnh/ Phạ đét lạnh mã ve kẹo hát kẹo pũ nẳng é…/ É kai chắng koi kai… kai/ Vện pay tảư mững tai … tai/ Kai mữa nưa ễm nãi mững xảy… xảy”. Có nghĩa là: “Bươm bướm ơi, về dăng dây… dây/ Bọ vằn ơi, về đậu cạn… cạn.

Nghĩa là: Trời nắng hạn nghỉ chân nhai trầu cau đã…/ Có qua rồi hẵng qua… qua/ Tránh xuống dưới mày toi… toi/ Vòng lên trên bà ngoại mày ốm… ốm”. Trước kia, bướm rất nhiều, kéo thành đàn dăng dây, chủ yếu là bướm trắng. Người Thái thường bắt bướm trắng về ăn (các loại bướm màu, sặc sỡ thì không ăn). Trẻ con thường bắt vài con bướm trắng đặt vào đường đi của đàn bướm và đọc bài "Bắt bướm" những con bướm bay qua thấy con mồi đều xà xuống đậu vào đó để trẻ em lấy vợt úp lấy.

Hoặc bài : “Khék lỗm” - (Gọi gió): “Lỗm dơ lỗm… lỗm/ Lỗm mã tỏng ko muông koan piu… piu/ Lỗm mã tỏng ko lĩu koan lọng… lọng/ Tỏng ko bả ko núa un un… un/ Tãy bản đảy dú dền… dền/ Tãy mưỡng đảy dú lạ… lạ/ Lỗm dơ lỗm… lỗm”.

Có nghĩa là “Gió đi gió… gió/ Gió về chạm cây muỗm quan bay… bay/ Gió về chạm cây chanh quan rụng … rụng/ Chạm cây vả, cây đa vù vù… vù/ Dân bản được mát mẻ… mẻ/ Dân mường được rỗi nhàn… nhàn/ Gió đi gió… gió”.

Cũng như nhiều dân tộc khác, trẻ em người Thái Tây Bắc có rất nhiều bài đồng dao, mỗi bài một vẻ, nhưng cái chung nhất là sự giáo dục qua các bài đồng dao thật nhẹ nhàng tinh tế. Thông qua vui chơi, không chỉ giúp các em dần dần nhận thức mọi mặt của đời sống với một thái độ đúng, tin vào bàn tay lao động của chính mình, mà còn dần hướng các em đến giá trị đích thực của chân - thiện - mỹ, như mạch nước nguồn tưới mát tâm hồn trong trắng của các em, gieo lên mảnh đất màu mỡ ấy những hạt mầm tương lai, ươm những mùa quả ngọt trái sai, cho những mùa hy vọng. 

Trần Vân Hạc

Các tin khác

Cuốn sách "Ma terre empoisonnée" (tạm dịch "Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi") vừa được Nhà xuất bản Stock phát hành đầu năm 2016 và được đông đảo độc giả quốc tế đón nhận.

Các thí sinh của cuộc thi năm nay.

Cuộc thi Hoa hậu doanh nhân người Việt châu Á đang diễn ra từ ngày 8/8 đến ngày 14/8 tại tỉnh Aichi, Nhật Bản.

Thành nhà Hồ nằm trong những danh thắng được giới thiệu trong bộ phim tài liệu.

Kênh truyền hình SER TIVI chuyên về văn hóa, giáo dục và thể thao có số lượng khán giả cao và ổn định ở Panama vừa công chiếu một bộ phim tài liệu dài 30 phút về đất nước và con người Việt Nam.

Trần Thị Thu Ngân đăng quang Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016.

Tối 7/8, tại FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort (Thanh Hóa) đã diễn ra đêm chung kết Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục