“Nhớ một ngày” - khúc tri ân đồng đội của Lê Ngân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2016 | 8:17:02 AM

YBĐT - Văn học Việt Nam hiện đại có khá nhiều bài thơ xúc động viết về đề tài này, nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mỗi tác giả, ở mỗi thời kỳ có cách cảm nhận khác nhau song đều chất chứa đau thương và uất hận.

Nửa trung đội tiễn đưa người xuống núi
Nắm đất nhòe nước mắt xót thương Anh
Trận phục kích đêm qua không gặp địch
Vẫn xót xa một chiếc lá lìa cành...

Khau Phạ ơi! Chân dốc nghiêng nghiêng quá
Khe thì thầm róc rách vỗ về quanh
Một khoảng lặng trong đất sâu, sâu thẳm
Nơi Anh nằm an nghỉ chốn ngàn xanh.

Mặt trận chuyển phía trời tây xa lắm
Và đêm nay chúng mình lại hành quân
Xin  gửi lại một trái tim - đời lính
Nơi đại ngàn mãi mãi bốn mùa xanh.

 Lời bình:

Đứng trong quân ngũ từ khi tuổi đôi mươi, từng tham gia tiễu phỉ ở Mường Khoa. Chứng kiến cảnh lũ phỉ qua làng "lúa ngô vét sạch đáy bồ'" khiến bản làng trơ trụi, "người già lay lắt bóng đêm" với "bầy trẻ nhỏ đói cơm héo gầy" mà xót thương và càng mài sắc lòng căm thù chúng. Cùng đồng đội đã vượt qua "dòng Nậm Mu gào thét", phục kích giặc ở Khau Phạ, Mường Kim. Và đã có những đồng đội vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Tây Bắc vì cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Sau nửa thế kỷ nhớ lại, tác giả Lê Ngân không khỏi bùi ngùi. Bài thơ "Nhớ một ngày" viết để tưởng nhớ liệt sĩ Đ.V.M chính là khúc tri ân với người đã khuất.

Mở đầu bài thơ tác giả đưa người đọc về với khung cảnh đồng đội tiễn đưa người hy sinh về nơi an nghỉ vĩnh hằng "Nửa trung đội tiễn đưa người xuống núi". Văn học Việt Nam hiện đại có khá nhiều bài thơ xúc động viết về đề tài này, nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mỗi tác giả, ở mỗi thời kỳ có cách cảm nhận khác nhau song đều chất chứa đau thương và uất hận.

Nhà thơ Hoàng Lộc trong bài "Viếng bạn" từng viết "Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/Mà hàm răng dính chặt". Còn nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có bài thơ "Nấm mộ với cây trầm" thì nhìn ra ý nghĩa cao cả của sự hy sinh "Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/ Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi/ Chết - hy sinh cho Tổ quốc "Hùng ơi!"”.

Ở đây, dù hồi tưởng mà tình cảm của Lê Ngân vẫn tươi mới, lại có phần sâu sắc hơn khi đã trải nghiệm cuộc sống. Cả đội quân nghiêm trang đưa tiễn, cả đội quân rưng rưng rơi lệ "Nắm đất nhòe nước mắt xót thương Anh". Độc đáo khi không nói nước mắt nhòe mà lấy cái kết quả của sự rơi nước mắt khiến nắm đất trên tay trước khi thả xuống mộ ướt đẫm. Khóc nhiều, nước mắt rơi nhiều lắm vì đó là dòng lệ chảy từ tâm "nước mắt xót thương Anh". Lại càng xót xa hơn khi đồng đội vì Anh mà báo thù song “Trận phục kích đêm qua không gặp địch/ Vẫn xót xa một chiếc lá lìa cành...".

Hình ảnh "chiếc lá lìa cành" trong thơ ca truyền thống được dùng trong bối cảnh này không hề sáo mà chỉ tăng hiệu ứng nghệ thuật biểu đạt nỗi tiếc thương.

Nơi Anh nằm lại là Khau Phạ (tiếng Thái nghĩa là sừng trời), một trong tứ đại đèo hiểm trở của vùng núi Tây Bắc. Núi non hùng vĩ với "chân dốc nghiêng nghiêng", rừng thông bạt ngàn, những thửa ruộng bậc thang và "Khe thì thầm róc rách vỗ về quanh".

Tự nhiên thôi mà vào thơ địa điểm đó lại đẹp và trở nên có ý nghĩa vô cùng: nơi an nghỉ chốn ngàn xanh của người chiến sĩ không hề cô quạnh vì có sự ấp ôm, vỗ về của đất mẹ; có sự quan tâm chăm sóc của nhân dân. Không những thế, đây còn là địa danh lịch sử gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của đội du kích Cao Phạ do Vàng Nủ Chu lãnh đạo và hoạt động tiễu phỉ của Anh cùng đồng đội. Chính vì vậy nơi Anh nằm đâu chỉ "Một khoảng lặng trong đất sâu - sâu thẳm", nó là khoảng lặng trong sâu thẳm cõi lòng người sống. Khau Phạ với ngôi mộ người chiến sĩ hi sinh khi chiến đấu bảo vệ quê hương đã trở thành một tượng đài bất tử.

Theo đường chiến dịch, đồng đội Anh lại tiếp bước quân hành "Mặt trận chuyển phía trời tây xa lắm/ Và đêm nay chúng mình lại hành quân". Phút chia xa với người nằm lại, cảm xúc dâng trào để bật thành lời: "Xin gửi lại một trái tim - đời lính/ Nơi đại ngàn mãi mãi bốn mùa xanh". Không chỉ là một mà nhiều, nhiều lắm. Đó là tình cảm sâu nặng đồng đội với đồng đội; đó là đời lính lắm gian khổ song rất đỗi vinh quang. Tất cả "xin gửi lại" cho Anh và để biến thành sức mạnh trong cuộc chiến đấu còn tiếp diễn.

Chọn cách nói giản dị nhưng khái quát cao, tác giả Lê Ngân một lần nữa khẳng định ý nghĩa lớn lao của sự hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Bài thơ kết thúc có hậu tạo dư ba trong lòng người đọc về niềm tin vào chiến thắng.

Nam Hà

Các tin khác
Lễ trao giải Seoul International Drama Awards 2016 được truyền hình trực tiếp trên đài KBS2, trong ảnh là giây phút Nhã Phương được vinh danh Ngôi sao châu Á

Nữ diễn viên Nhã Phương đã vinh dự đoạt giải Ngôi sao châu Á (Asian Star Prize) tại Lễ trao giải Seoul International Drama Awards 2016 diễn ra chiều nay 8-9 tại Hàn Quốc.

Dàn diễn viên phim

Không thể phủ nhận được sức hút mãnh liệt từ bộ phim truyền hình "Zippo, mù tạt và em" khi giành được 3 giải thưởng danh giá.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm bên biểu trưng huyện Mù Cang Chải trên đèo Khau Phạ.

YBĐT - Thuật ngữ logo được hiểu theo nghĩa là biểu trưng hoặc một tín hiệu, dấu hiệu của thị giác. Từ năm 2012, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo việc xây dựng biểu trưng (logo). Tuy nhiên, vẫn chưa tìm ra một biểu trưng phù hợp, có tính thẩm mỹ, khái quát cao; có cấu trúc hoàn chỉnh, chứa đựng lượng thông tin cần và đủ của logo để sử dụng làm hình ảnh đại diện và phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đối nội, đối ngoại.

Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển trong điều kiện Việt Nam ngày nay vừa là vấn đề lâu dài, chiến lược, vừa mang tính cấp bách. Công cuộc đổi mới của Việt Nam diễn ra trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục