Những hạn chế trong lễ hội xuân cơ bản được khắc phục

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/2/2017 | 2:03:08 PM

Hoạt động lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa, từ lễ hội có quy mô lớn, đến các lễ hội quy mô nhỏ trong phạm vi làng, xã.

Cướp lộc tại hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Cướp lộc tại hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Hoạt động lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa. Nhiều hạn chế từ những năm trước cơ bản được khắc phục. Ảnh minh họa Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, linh thiêng, thành kính, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Nhiều hạn chế từ những năm trước cơ bản được khắc phục.

Đây là đánh giá của Bộ VHTT&DL tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu năm 2017.

Có sự chuyển biến tích cực

Báo cáo sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu cho biết, đầu năm 2017, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã được chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và việc phát huy giá trị di tích tại các địa phương ngày càng được quan tâm hơn.

Công tác tuyên truyền được các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội quan tâm, nội dung tuyên truyền phong phú như: Tuyên truyền về lịch sử di tích, ý nghĩa lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội, các quy định về bảo vệ di tích…

Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được tăng cường.

Theo Bộ VHTT&DL, đạt được những kết quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân năm 2017 nói trên là do có sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham mưu tích cực, kịp thời của ngành VHTT&DL các địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành; công tác tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội được tăng cường; ý thức của người tham gia lễ hội được nâng lên, hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi, ném thả tiền xuống giếng… như những năm trước.

Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ VHTT&DL cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý lễ hội, trong đó nổi lên là một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội; còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và hội chọi trâu huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, của đền thờ Quang Trung tại tỉnh Nghệ An.

Vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại hội Phết (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại hội Lim (Bắc Ninh)…

Bên cạnh đó, một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội… như báo chí đã phản ánh.

Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Cái Lân (Quảng Ninh); đền Sòng Sơn, đền Cô Bơ (Thanh Hóa); đền Bảo Hà (Lào Cai)…

Ngoài ra, một số di tích vẫn xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền 'giọt dầu', thu gom tiền công đức tại một số nơi chưa kịp thời; hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn, tình trạng kinh doanh trò chơi có thưởng có tính cờ bạc còn diễn ra ở nhiều lễ hội.

Một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện được ngành VHTT&DL đề ra là: Tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội theo hướng các quy định phù hợp với từng loại hình lễ hội. Đề xuất xây dựng văn bản quản lý chỉ đạo để phù hợp với tình hình thực tế.

Tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về nếp sống văn minh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác

Ngày 23-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc tại tỉnh Nam Định về việc tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Quang cảnh lễ công bố Đề cử Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2017.

Ngày 22- 2, Ban Tổ chức Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần 12 - 2017 của Báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam công bố danh đề cử của Giải với 9 hạng mục và sự xuất hiện của rất nhiều bản hit.

Bộ phim là một câu chuyện đẹp về tình phụ tử.

“Cha cõng con" là phim truyện Việt Nam đầu tiên được đề cử tranh “Giải Remi” danh giá tại LHP quốc tế Houston lần thứ 50 tại bang Texas, Mỹ.

YBĐT - Tác phẩm “Đại cương thế giới sử thi” của tác giả Lê Văn Cường (giáo viên Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình) là một tập thơ lục bát liên hoàn dài 3.456 câu viết về lịch sử thế giới từ thời nguyên thủy đến năm 2015. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2016, dày 154 trang.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục