Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đón bằng ghi danh của UNESCO
- Cập nhật: Thứ hai, 3/4/2017 | 7:14:32 AM
YênBái - Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại đã được tổ chức trang trọng tối 2-4 tại quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, Nam Định.
Bà Susan Vize, cố vấn khu vực châu Á – Thái Bình Dương về Khoa học, xã hội và nhân văn văn phòng UNESCO tại Bangkok, quyền trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng di sản cho Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện và đại diện lãnh đạo tỉnh Nam Định.
|
Dự buổi lễ, về phía Việt Nam có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; lãnh đạo tỉnh Nam Định cùng đại diện nhiều tỉnh, thành có tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, các nhà nghiên cứu văn hóa và đông đảo nhân dân - cộng đồng là chủ thể của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Về phía quốc tế có: Bà Susan Vize, cố vấn khu vực châu Á – Thái Bình Dương về Khoa học, xã hội và nhân văn văn phòng UNESCO tại Bangkok, quyền trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam; đại sứ nhiều quốc gia trong khu vực châu Á…
Mở đầu buổi lễ, thay mặt UNESCO, bà Susan Vize đã trao bằng di sản cho Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện và đại diện lãnh đạo tỉnh Nam Định.
Tại buổi lễ, bà Susan Vize cho biết, thực hành nghi lễ Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với nhiều nghi lễ, trong đó có nghi lễ lên đồng, không chỉ là cuộc đối thoại, giao tiếp tâm linh đầy cảm xúc của con người với các vị thánh ở vùng trời, sông nước, miền núi, mà nó còn cho thấy những khao khát tốt đẹp, tính nhân văn trong đời sống tinh thần của người Việt - đó là luôn tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Tính chất cởi mở của di sản này đề cao sự đa dạng trong sáng tạo văn hóa của nhân loại.
Bà Susan Vize nhấn mạnh, việc bảo vệ di sản này là vô cùng quan trọng, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý của Việt Nam và cộng đồng có di sản. UNESCO mong chính phủ Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng, đưa ra những biện pháp giữ gìn, phát triển hiệu hữu, đồng thời không ngừng nâng cao nhận thức và giáo dục cho công chúng về giá trị của di sản.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia trong việc giữ gìn, phát huy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Đó là:
1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
2. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, khuyến khích các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy những bản hát văn cổ cho thế hệ trẻ, tăng cường các hình thức giáo dục về giá trị và ý nghĩa của di sản trong trường học.
3. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, có chính sách khen thưởng và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp…
4. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, loại bỏ, ngăn ngừa những hủ tục và các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi….
5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức giới thiệu, quảng bá cho di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu dưới nhiều hình thức…
Thay mặt chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của tỉnh Nam Định nói riêng và của nước Việt Nam nói chung. Sức lan tỏa và bám rễ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện khát vọng muôn đời của người dân về cuộc sống hạnh phúc, bình an. Đó còn là tinh thần hướng về cội nguồn, về đấng sinh thành, tôn vinh vai trò của người phụ nữ. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã dung hòa các sắc thái văn hóa, tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ VHTT&DL, các địa phương có tín ngưỡng thờ Mẫu, các nhà khoa học và cộng đồng có di sản đã nỗ lực trong việc lập hồ sơ di sản để UNESCO ghi nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Phó Thủ tướng cũng cám ơn UNESCO và cộng đồng quốc tế đã ghi nhận giá trị tốt đẹp và nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng đặt ra nhiều trọng trách trong việc bảo tồn và phát huy di sản.
Đó không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, của địa phương có di sản mà còn là của cộng đồng trong việc tuyên truyền, quảng báo, giáo dục tới các tầng lớp nhân dân để di sản không bị làm sai lệch, tầm thường hóa, thương mại hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc.
Sau phần lễ, chương trình đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được tiếp tục với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, tái hiện những phần quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, gồm các tiết mục: “Văn công đồng”, “Văn chầu Cô Bé”, “Về miền đất thiêng”, “Khúc hát quê tôi”…
Tái hiện một phần nghi lễ Hầu đồng.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra từ ngày 1 đến 6-4 (mùng 5 đến 10 tháng Ba âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì (Phú Thọ) do tỉnh Phú Thọ chủ trì, TP Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Bến Tre, Bình Phước phối hợp tổ chức.
Ngày 30-3, tại Hà Nội, Cục Xuất bản - In và Phát hành (Cục Xuất bản), Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) họp báo để giới thiệu về chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm 2017 trên toàn quốc và Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam 2017 tại thủ đô Hà Nội.
Sau 2 năm đệ trình lên UNESCO, Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam hay còn gọi dân dã là hầu đồng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhận loại. Mời quý vị cùng VTC14 tìm hiểu xem: Hầu đồng là gì mà được UNESCO vinh danh?
Ngày 30/3, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết Ban chấp hành Hội đã họp và thống nhất bắt đầu từ năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ truy tặng Giải thưởng cống hiến cho các tác phẩm văn học chưa được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Giải thưởng cấp Nhà nước về văn học nghệ thuật.