“Xóm chợ” - bức tranh sinh động về đấu tranh cách mạng
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/4/2017 | 7:47:29 AM
YBĐT - Câu chuyện xoay quanh những biến động lịch sử của Việt Nam từ trước Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đến khi đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp năm 1954. Song lại được biểu hiện tập trung trong đời sống cư dân của xóm chợ Bảo Hà, mở rộng ra huyện Văn Bàn và gắn liền với phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái.
|
Vùng đất có tên gọi Bảo Hà từng ẩn chứa bao nhiêu huyền tích nhưng ấn tượng nhất vẫn là sự tích ông Hoàng Bảy. Ông là viên tướng giỏi thời Hậu Lê, được cử lên trấn ải vùng biên viễn Tây Bắc và đã tử trận tại đây. Đền thờ ông do nhân dân dựng lên để tưởng nhớ công ơn, qua bao thế hệ vẫn còn và cũng nổi tiếng linh thiêng "Bắc Nam đôi xứ vào ra/ Đồn rằng Ông Bảy Bảo Hà tối linh".
Chính vì thế, Bảo Hà hàng năm đón nhận hàng vạn khách thập phương đến vãng cảnh và lễ đền nên sớm trở thành một thị trấn sầm uất. Kể từ ngày chính quyền thực dân Pháp xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Vân Nam để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa và giao thương của nhà nước bảo hộ thì chợ Bảo Hà cũng được hình thành một cách tự nhiên.
Còn dân xóm chợ cũng tứ xứ quần cư, mỗi người mỗi cảnh: cô Thình tật nguyền, hai chân liệt từ bé nhưng lại có duyên với món bánh cuốn nóng rắc hành phi thơm lựng; bà lái Thỏa thì có món thuốc lào Vĩnh Bảo "một người hút những bốn người say"; lão Cúc lò rèn với tay nghề nổi tiếng gia truyền, từ đời ông cha từng rèn binh khí cho nghĩa quân Đề Thám; rồi ông chủ nhà dây thép, ông bà Đội Long với cô gái nuôi tên Yên...
Sau này, thêm Hoan vốn là con thứ tư của cụ Đồ Xường - cháu năm đời của dòng họ Nguyễn ở mãi tận dưới làng Phù Sa thuộc châu thổ sông Hồng. Từ nhỏ được gia đình cho ăn học trên tỉnh, đã lấy được bằng sơ học yếu lược, chuẩn bị lên học lớp nhì thì bị đuổi vì can tội tàng trữ tài liệu cấm. Rồi cũng vì ngay thẳng, không chịu khuất phục sự đè nén áp bức của cha con Lý Khà mà phải tha phương phiêu dạt đến đây.
Được bà lái Thỏa nhận làm con nuôi và quen dần với việc vào tận Văn Bàn để bán hàng. Ở đây, anh đã tiếp xúc với bao tập tục mới lạ của vùng cao, làm quen với bao người tốt như ông bà Phà, bố con Giàng A Dở, anh Pung, mẹ con cô Vạt người rừng...
Và cũng chính trong những chuyến đi bán hàng Hoan gặp anh Sinh - một cán bộ Việt Minh nằm vùng phụ trách phong trào cách mạng tại địa phương. Được anh Sinh giảng giải, Hoan đã hiểu rõ hơn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và tự nguyện tham gia vào tổ công tác địch hậu. Một trang đời mới đang mở ra trước mắt anh.
Được giác ngộ và có nhận thức đúng về quần chúng cách mạng nên Hoan đã biết đánh giá đúng bản chất của những người dân xóm chợ mà vận động họ tham gia Mặt trận Việt Minh. Bắt đầu lại chính từ Yên, người vợ hiền thảo. Rồi đến lão Cúc lò rèn, Thọ bảo an binh, anh Pung Văn Bàn và cả cha con người em nuôi dân tộc Mông Giàng A Dở. Càng ngày, phương pháp vận động cách mạng của Hoan càng mềm dẻo, có sức thuyết phục.
Sự chuyển biến nhận thức từ tự phát đến tự giác của họ khiến cho lực lượng cách mạng phát triển mau chóng và vững chắc. Một lão Cúc ngang tàng đã chịu rèn mã tấu cho cách mạng, lại còn biết vận động cô đồng The khó tính ở đền Bảo Hà cho gửi vũ khí. Thọ bảo an binh làm việc cho Nhật chỉ vì đồng tiền cũng đã cải tà quy chính cung cấp thông tin cho cách mạng và sau này trở thành cán bộ địa phương.
Yên từ là một phụ nữ chỉ quen với buôn bán cũng dám thay chồng trong việc giao liên... Và nhất là Hoan, sau khi hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng tại Bảo Hà đã phải thoát ly vào khu du kích Văn Bàn để bảo toàn lực lượng.
Rồi đứng trong hàng ngũ của vệ quốc quân đánh giặc tại địa phương, tiễu phỉ khắp vùng Tây Bắc, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn tỏ rõ bản lĩnh của người chiến sỹ đã được tôi luyện qua gian lao thử thách. Những con người bình thường ấy đã làm nên chiến thắng diệu kỳ: đánh bại thực dân Pháp, đuổi cổ phát xít Nhật và bọn tay sai quốc dân đảng giành lại Bảo Hà, giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ.
Trong tiểu thuyết, bộ mặt thật của thực dân, phát xít và bè lũ tay sai cũng được biểu hiện khá thành công với bản chất gian ngoan, tàn bạo. Một thằng tây quan hai Sơ-nét hai lần chiếm đóng Bảo Hà vừa xảo quyệt vừa ngoan cố mà không tránh khỏi thảm bại ê chề. Viên sỹ quan quân đội Nhật Sô-kô lúc đầu hống hách bao nhiêu thì kết cục tháo chạy không kèn, không trống và sa vào chết thảm.
Bọn Việt Nam quốc dân Đảng phản động mà đại diện là Vũ Phong thâm hiểm, tàn bạo rồi cũng bị quần chúng vạch mặt, cách mạng trừng trị. Đến cha con Lý Khà với bọn bang tá tay sai tham lam, độc ác, bóc lột nhân dân đều không thoát khỏi số phận diệt vong. Cách mạng thắng lợi khẳng định sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là những cán bộ như anh Sinh, Việt Cường, Hồng Minh cùng bao người khác nữa.
Khắc họa lịch sử, tác giả Nguyễn Hiền Lương chọn cách kết cấu tác phẩm theo lối chương hồi truyền thống. Chính vì thế mà các sự kiện được tái hiện sinh động theo thời gian tuyến tính, người đọc cảm giác như chứng kiến nó đang diễn ra. Được cha anh kể lại cộng với vốn hiểu biết về lịch sử và văn hóa tâm linh đã giúp tác giả miêu tả chân thực từng vùng đất với sắc thái riêng.
Đó là làng Phù Sa, chợ Ngọc, khu du kích Pú Gia Lan, tiêu biểu là thị trấn Bảo Hà. Ai đã từng nghe câu ca "Cọp Bảo Hà, ma Trái Hút" thì không khỏi ngậm ngùi trước một Bảo Hà những ngày đầu thực dân Pháp chiếm đóng: "Bảo Hà ngày một thêm nhộn nhạo. Cái xóm chợ chưa đầy một cây số vuông mà ngày nào cũng đổ thêm vào vài chục người tứ xứ. Người thì tìm việc làm, kẻ thì ăn xin, ăn mày, bọn thì trộm cắp, cướp giật công khai...
Xóm chợ lúc nào cũng đầy tiếng la thét, quát tháo, kêu khóc inh ỏi như vỡ chợ. Lính khố đỏ vác súng chạy rầm rập, khố xanh ngày nào cũng đi tuần tiễu, ngày nào cũng tuýt còi báo động, hô ầm ầm, lại hết trạm gác này đến trạm gác khác mà náo loạn lại càng tăng hơn...". Rồi những ngày Hoa quân nhập Việt, Nhật tới: "Bọn lính thì đi giày vải, xà cạp quấn kín cả bắp chân, vác súng tuốt lưỡi lê trên vai. Chúng chạy đều, tiếng bước chân nghe cứ rầm rập, rầm rập tưởng vỡ cả đường, rung cả lều chợ"...
Thiêng liêng và cảm động nhất là buổi Bảo Hà giải phóng, chính quyền về tay nhân dân: "Mọi người cùng xúm lại xem cờ ta, ai cũng muốn sờ tay mình vào lá cờ một tý, có người tự nhiên rơi nước mắt, có người còn hôn vào cờ trước khi cờ được kéo lên đỉnh cột. Mọi người cùng dõi mắt nhìn theo lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên từ từ, khi cờ vừa lên đến đỉnh cột không ai bảo ai tất cả đứng nghiêm, mắt nhìn lên lá cờ cách mạng lần đầu tiên tung bay trên nền trời Bảo Hà. Một không khí thật trang nghiêm, không có tiếng xì xào nào, nghe rõ cả tiếng phần phật của lá cờ tung bay trong gió".
Viết tiểu thuyết, vấn đề xây dựng nhân vật điển hình luôn cần được chú ý. Nhân vật Hoan được tác giả đặt trong nhiều trạng huống nhằm làm nổi bật tính cách: cứng cỏi đối đầu hào lý khi ở quê, lơ ngơ khi mới đến Bảo Hà, dũng cảm và mưu trí lúc phải trực diện với quan hai Pháp Sơ-nét, sĩ quan Nhật Sô - kô cùng Vũ Phong quốc dân Đảng; bình tĩnh xử lý trước cơn nóng giận của anh Pung vì bị địch xuyên tạc mà hiểu sai về cách mạng.
Xây dựng nhân vật này tác giả cũng tạo nên bao tình huống éo le: có vợ con ở quê song vì nhiệm vụ cách mạng và trả ơn bà mẹ nuôi mà kết hôn với Yên; vờ làm tay sai cho giặc khiến mọi người hiểu lầm tẩy chay để đến nỗi đứa con sơ sinh chết oan uổng; giả chết để thoát ly làm cách mạng; rồi cuộc gặp gỡ bất ngờ với người vợ cũ và đứa con lưu lạc... Lại được đặt bên cạnh những người thân, quần chúng tiến bộ và các cán bộ cách mạng khiến càng về sau nhân vật càng thể hiện rõ bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng được Đảng dìu dắt, nhân dân nuôi dưỡng.
Quá trình kể chuyện, tác giả Xóm chợ đã biết kết hợp khéo léo giữa lịch sử với hiện tại để làm sáng tỏ truyền thống. Tuy vậy, việc lạm dụng kiến thức lịch sử cũng khiến cho một số trường đoạn trở nên khô khan, loãng chủ đề. Ở Yên Bái, lịch sử đấu tranh cách mạng có bề dày và khá phong phú rất cần các cây bút tái hiện. Với thời gian, mong rằng, tác giả Nguyễn Hiền Lương sẽ tiếp tục sáng tạo ở mảng đề tài này, góp phần làm nên bức tranh sinh động về quá khứ hào hùng của quê hương.
Thế Quynh
Các tin khác
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa được nhận bằng UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017), ngày 5/4, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức triển lãm “Tổng Bí thư Lê Duẩn - Cuộc đời và sự nghiệp”.
Giải Tưởng nhớ Astrid Lindgren năm nay, giải văn học danh giá nhất trong làng văn học thiếu nhi và giới trẻ, đã được trao cho nhà văn kiêm họa sỹ Đức Wolf Erlbruch.
Lần đầu tiên, các trường phái hội họa Huế sẽ được tái hiện trên những bộ áo dài tại Festival nghề truyền thống Huế 2017.