Bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ tư, 19/4/2017 | 6:48:39 AM
YBĐT - Quan điểm nhất quán của Đảng ta xuyên suốt từ Đề cương văn hóa (1943) cho đến báo cáo chính trị tại các kỳ đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề về văn hóa là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Lý Kim Khoa - Chi hội phó Chi hội Văn hóa dân gian tỉnh Yên Bái, Phó Giám đốc Bảo tàng Yên Bái.
|
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, xu thế hội nhập, trong đó có hội nhập văn hóa, làm thế nào để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập là một thách thức lớn.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Lý Kim Khoa - Chi hội Phó Chi hội Văn hóa dân gian tỉnh Yên Bái, Phó Giám đốc Bảo tàng Yên Bái.
P.V: Xin ông đánh giá về việc bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay?
Ông Lý Kim Khoa: Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua rất được quan tâm, đầu tư, đẩy mạnh. Tỉnh ta đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc mà nổi bật là Đề án tổng thể “Bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010, chiến lược phát triển văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đến năm 2020”.
Bên cạnh đó, nỗ lực đưa lễ cấp sắc của người Dao đỏ xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ, Nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn khuống của người Thái Nghĩa Lộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh với công tác bảo tồn văn hóa dân tộc.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng và thu được những giá trị kinh tế nhất định nhưng việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống hoạt động chưa đồng đều ở các vùng văn hóa của mỗi dân tộc khác nhau, đầu tư nguồn lực chưa đồng bộ.
P.V: Lâu nay, việc bảo tồn và giữ gìn văn hóa còn mang tính bao cấp, dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước là chính. Vậy, làm thế nào để khơi dậy được tính chủ động, tích cực, tự giác của các chủ thể văn hóa dân tộc?
Ông Lý Kim Khoa: Theo tôi, cần có những biện pháp để cho người dân thấy được lợi ích từ việc giữ gìn truyền thống giống như làm nền móng của một ngôi nhà. Chỉ ra lợi ích kinh tế từ chính việc gìn giữ truyền thống đó để mỗi dân tộc tự bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của chính mình. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hình thành ý thức chủ động, tích cực và tự giác trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình này không thể nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ mà cần được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp giáo dục và tự giáo dục trong chính cộng đồng dân tộc.
P.V: Việc bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc hiện nay của tỉnh được gắn với phát triển du lịch, với tư cách là người nghiên cứu văn hóa dân gian, Yên Bái nên có những giải pháp gì để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương thưa ông?
Ông Lý Kim Khoa: Việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch là một chủ trương đúng đắn, cách làm hay cho các địa phương, cũng là phát huy các giá trị văn hóa. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống là sự khẳng định vai trò, vị trí xứng đáng của nó trong đời sống xã hội hiện đại.
Song, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống phải gắn liền với sự phát triển bền vững. Tôi nghĩ, giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc có mối quan hệ mật thiết, phải có những chính sách cụ thể.
Trong đó, phát triển kinh tế không được làm suy giảm các giá trị văn hóa truyền thống. Bản sắc văn hóa dân tộc có tính đa dạng và để gìn giữ và phát huy, chúng phải có phương pháp, cách thức phù hợp, bám sát thực tiễn, không chạy theo phong trào. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội là nền tảng của mọi sự phát triển. Vì vậy, phát triển kinh tế và văn hóa phải gắn với việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội. Đây là một trong những yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững của dân tộc.
Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cần gắn với giữ gìn không gian văn hóa - nơi duy trì đời sống của cộng đồng dân tộc.
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!
Lê Thương (thực hiện)
Các tin khác
Ngày 18/4, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức bầu chọn Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần 12, năm 2017 với sự tham gia của gần 100 phóng viên báo chí.
Thủ tướng Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật cho 35 tác giả, trong đó có NS Thuận Yến, Đinh Ngọc Liên.
Điệu múa Bharata Natyam của 5.000 người tại thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ tổ chức ngày 15/4 vừa qua đã phá vỡ kỷ lục đông người nhất được lập tại thành phố Kolhapur vào năm 2016.