Nghệ nhân cả nước hội tụ về Festival Nghề truyền thống Huế 2017
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/4/2017 | 11:58:12 AM
Với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt", Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7 sẽ được tổ chức từ ngày 28/4-2/5.
Thi công sân khấu phục vu Lễ hội.
|
Festival Nghề truyền thống Huế 2017 là hoạt động văn hóa và kinh tế lớn, nhằm khẳng định, nâng cao vị thế của Cố đô Huế-thành phố Festival của Việt Nam - thành phố Văn hóa ASEAN; đồng thời, tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống, tăng cường hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, gắn những sản phẩm nghề truyền thống với du lịch...
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho biết lễ hội gồm các nội dung chính như lễ khai mạc gắn với chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra vào 20 giờ ngày 28/4; không gian nghệ nhân và các làng nghề; lễ tế Tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề; hoạt động trưng bày, triển lãm những tác phẩm nghệ thuật, hiện vật cung đình, bộ sưu tập độc đáo của các nhà sưu tập trong suốt thời gian diễn ra Festival...
Ngoài ra, Festival Nghề truyền thống Huế 2017 còn có các hoạt động như lễ hội ẩm thực; chương trình bế mạc kết hợp với lễ công bố các giải thưởng; chương trình nghệ thuật đặc sắc trong và ngoài nước.
Festival lần này còn có những chương trình mới như lễ hội áo dài, liên hoan chiếu phim Hàn Quốc, lễ hội kinh khí cầu ở sân Hàm Nghi...
Hiện đã có 34 cơ sở nghề, làng nghề truyền thống ở Huế và 20 cơ sở nghề, làng nghề tiêu biểu, đặc sắc trong cả nước đăng ký tham dự Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7.
Đặc biệt, Festival lần này có 8 làng nghề và cơ sở nghề lần đầu tiên tham dự gồm dệt lanh thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình); làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); dệt lụa xã Nam Cao (Thái Bình); làng gốm Mỹ Thiện 200 năm tuổi; dệt làng Teng (Quảng Ngãi); làng nghề sản xuất gốm, thảm lục bình xã Bình Ninh (Vĩnh Long); hoa đất sét Thời gian (Đà Lạt); mộc mỹ nghệ Chuyên Mỹ (Hà Nội).
Festival Nghề truyền thống Huế năm nay còn sự tham gia của 5 thành phố và doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, qua đó góp phần tạo nên sự phong phú mới lạ, nâng tầm Festival nghề truyền thống Huế.
Nghề và các làng nghề truyền thống ra đời, tồn tại, phát triển luôn gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế, góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa Huế.
Với chủ trương khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch, từ năm 2005, Festival chuyên đề về Nghề truyền thống được Ủy ban Nhân dân thành phố Huế tổ chức vào các năm lẻ, đã trở thành nơi hội tụ của các nghệ nhân, làng nghề tiêu biểu ở Thừa Thiên-Huế cùng nhiều địa phương trên cả nước.
Qua 6 kỳ tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế đã dần khẳng định thương hiệu và uy tín trong lòng công chúng cũng như các nghệ nhân...
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan này đã có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với ba di tích; thuộc địa bàn các tỉnh/ thành phố: Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Ngày 19-4, tại Hà Nội, Cục Văn thư Lưu trữ (Cục VTLT) Nhà nước đã công bố giới thiệu hai bộ phim tài liệu sưu tầm ở nước ngoài “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” và “Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin”.
Tối 19-4, chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) năm 2017 với chủ đề “Những bông hoa đất Việt” đã khai mạc tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Quảng Trị-Ký ức những dòng sông” sẽ diễn ra tối 30/4 tại bờ Nam sông Bến Hải, dưới chân cầu Hiền Lương trong khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương-Bến Hải.