Bộ mộc bản chùa Bổ Đà là Kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới
- Cập nhật: Thứ bảy, 13/5/2017 | 8:54:27 AM
Bộ mộc bản kinh phật của Chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vừa được xác lập là Bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới.
Cận cảnh những mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị ở chùa Bổ Đà vừa được xác lập kỷ lục.
|
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Hội Kỷ lục gia Việt Nam vừa phối hợp cùng Tổ chức Kỷ lục Châu Á và Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) tổ chức Đêm Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 33 tại Việt Nam để tiếp tục vinh danh những kỷ lục mới, những Top đỉnh cao mới của người Việt.
Tại cuộc Hội ngộ lần này, có 12 kỷ lục gia và đơn vị sở hữu kỷ lục của Việt Nam được Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) vinh danh. Trong đó Bộ mộc bản kinh Phật của Chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được xác lập là Bộ mộc bản Kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới.
Theo Hòa thượng Tự Tục Vinh - trụ trì chùa Bổ Đà hiện nay, kho mộc bản Kinh Phật ở đây được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng (số năm được khắc trên ván kinh), còn bản sách kinh cuối cùng được khắc năm nào thì chưa rõ. Trải qua gần ba thế kỷ, kho mộc bản kinh Phật này vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng và hình hài.
Hơn 2000 ván kinh ở chùa Bổ Đà đều được khắc, chạm trên chất liệu gỗ thị. Các ván kinh hiện nay được xếp trên 10 giá gỗ (mỗi giá xếp gần 200 ván kinh, chia làm ba hàng), một số ván kinh lớn được xếp bên ngoài để khách tham quan dễ xem. Hầu hết ván kinh trong kho mộc bản chùa Bổ Đà có kích thước 45 x 22 x 2,5cm (dài, rộng, dày) hoặc 60 x 25 x 2,5cm. Nhưng cũng có cả những ván kinh khổ rất lớn 150 x 30 x 2,5cm hoặc 110 x 40 x 2,5cm. Các ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn với nhiều loại văn bản như: kinh, sớ, điệp, ván lục thù, bùa chú…
Tiêu biểu có các bộ kinh Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… Những ván kinh khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư.
Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật trong số đó là hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…Các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, nó góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ và tiếp nhận Phật giáo.
Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Vì thế, mỗi mộc bản còn được coi như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ hoàn chỉnh. Mỗi bản in trong kho mộc bản còn xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ đẹp.
Với việc được xác lập là bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất thế giới đã góp phần tôn vinh thêm những giá trị đặc sắc của Bộ mộc bản, cũng như quần thể di tích chùa cổ Bổ Đà. Qua đó thu hút sự quan tâm của du khách tới thăm quan di tích, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.
Chùa Bổ Đà là một ngôi cổ tự có lịch sử từ rất lâu đời và được mở mang phát triển mạnh ở thế kỷ XVII-XVIII với các hạng mục công trình chính như: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao (chùa Quán Âm, chùa Bổ Đà, chùa Ông Bổ), khu Vườn Tháp. Di tích chùa Bổ Đà tọa lạc dưới chân núi Bổ Đà, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Đây là một trung tâm Phật giáo lớn của huyện tỉnh Bắc Giang, một chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế ở thời Lê Trung Hưng. Ngôi chùa với tổng số gần 100 gian lớn nhỏ với quy mô rộng lớn này còn là nơi đào tạo các vị sư tăng của dòng Thiền Lâm Tế có lịch sử lâu đời của Phật giáo Việt Nam và được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, đây còn là nơi khắc in và lưu trữ nguồn thư tịch cổ Việt Nam khá phong phú qua các triều đại phong kiến.
Trải qua nhiều thế kỷ đến nay, chùa Bổ Đà vẫn là nơi tàng lưu một kho tàng di sản văn hoá quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam bao gồm: hệ thống tượng thờ theo quy chuẩn hệ thống tượng chùa miền Bắc, hệ thống văn bia (5 bia), hệ thống chuông đồng (3 chuông) cơ bản được soạn khắc ở giai đoạn thời Nguyễn ghi lại lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Bổ Đà, hệ thống hoành phi - câu đối, đồ thờ ...
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Trong thời lượng 100 phút, khán giả sẽ được thưởng thức các ca khúc đi cùng năm tháng, ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 12/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Lễ phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam.
Từ ngày 11-14/6, tại làng lụa Hội An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam-châu Á 2017.