Nhớ “Mùa khói rơm”
- Cập nhật: Thứ sáu, 2/6/2017 | 10:41:11 AM
Chiều quê. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Quê tôi mùa khói rơm
Qua một mùa vất vả.
Mùa của ấm no
Mùa khói rơm
Mồ hôi lặn dưới bùn sâu
Mặt người hể hả.
Bầy trâu thung thăng
Nhai gốc rạ
Mõ khua nhạc chiều.
Trẻ con
Hun chuột
Thả diều
Đốt rơm
Khói nhòe cay mắt
Vẫn cười hồn nhiên.
Bao người quê lớn lên
Có người tha hương
Bảo nhớ khói rơm
Cũng nhòe cay mắt.
NÔNG QUANG KHIÊM
Lời bình của Nam Hà:
Khói rơm, khói đốt đồng vốn chẳng xa lạ với những ai từng sống ở nông thôn Việt Nam. Vụ thu hoạch khép lại, mấy ngày sau đã thấy trên những thửa ruộng màn khói đốt rơm rạ bay lên bảng lảng. Từ hiện tượng rất đỗi bình thường ấy, với Nông Quang Khiêm - người từng có một số bài thơ ấn tượng về bà, về mẹ, về cha và cuộc sống nơi bản làng lại là nguồn cảm hứng để thành thơ. Bài "Mùa khói rơm" là nỗi niềm nhớ quê sâu nặng của đứa con lớn lên bằng hạt gạo quê nghèo.
Mở đầu, tác giả đã khái quát lên ý nghĩa của mùa khói rơm, đó là sự kết thúc những tháng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời "Qua một mùa vất vả" để làm ra hạt lúa. Và đó còn là "Mùa của ấm no" khi thóc đã đầy bồ, nhà nhà vui mừng làm lễ mừng cơm mới. Khổ thơ như một luận đề từ đó mở ra những luận cứ về cái vui, cái phấn khởi của người, của vật nuôi mà dẫn dắt người đọc đến đích là tình yêu quê hương.
Ở khổ thơ tiếp theo, sự lặp lại có dụng ý "Mùa khói rơm" như để nhấn mạnh niềm vui thu hoạch. Không miêu tả thóc vàng, gạo trắng mà chỉ có mùi của khói rơm vương vất. Nó quện, nó quấn quýt giúp người đọc nhận ra cái sự kết tinh của lao động trong từng hạt gạo, bát cơm.
Làm ra hạt gạo gian khó biết chừng nào, ca dao đã ghi nhận: "Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần". Với Nông Quang Khiêm, cảm hứng thơ thiên về thành quả mà quên đi khó nhọc "Mồ hôi lặn dưới bùn sâu/Mặt người hể hả".
Vẫn mồ hôi, vẫn bùn đất song bây giờ nó đã hòa vào nhau làm nên lúa tốt, ngô xanh, bắp sây hạt mẩy. Và quan trọng hơn đem lại ấm no, hạnh phúc cho người nông dân. Khéo sử dụng những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "mồ hôi lặn", "mặt người hể hả", tác giả thơ đã tạo nên hiệu ứng nghệ thuật thật bất ngờ: bao lo toan, vất vả tan biến và chỉ còn niềm vui hiển hiện trên gương mặt người khi mùa màng bội thu.
Không chỉ con người, cái ấm no phấn khởi như được chia đều cho loài vật. Con trâu vốn là bạn thân thiết của nhà nông, bây giờ cũng được thảnh thơi nghỉ ngơi sau thời gian làm đất kéo cày "Bầy trâu thung thăng/Nhai gốc rạ".
Nhất là âm thanh của tiếng mõ trên cổ trâu lúc này lại có tác dụng hòa tấu để tạo nên bản nhạc làng quê thanh bình "Mõ khua nhạc chiều". Cái âm thanh, cái thứ nhạc mang đậm sắc thái miền núi ấy vang vọng làm cho bức tranh ngày mùa thêm sinh động, gần gũi.
Đặc biệt lũ trẻ với bao trò chơi trên cánh đồng sau thu hoạch "Trẻ con/Hun chuột/Thả diều/Đốt rơm/Khói nhòe cay mắt/Vẫn cười hồn nhiên". Phương pháp liệt kê gợi lại trong những ai từng sống ở nông thôn dù Nam hay Bắc, miền xuôi hay miền ngược kỷ niệm khó quên của tuổi thơ mình.
Cách ngắt dòng ngắn gợi cảm giác trò chơi kéo dài vô tận và cũng là sự chuyển đổi tự nhiên sang trạng huống mới "Khói nhòe cay mắt" mỗi mùa khói rơm. Hóa ra khói rơm, khói đốt đồng từ lâu đã là một phần hồn của đồng quê, của người nông dân trên dải đất này. Ngọn khói rơm bay lên từ từng đám ruộng là niềm vui, nỗi buồn của họ.
Chiều đến, màu khói rơm mịt mùng bay lên làm cho lòng người "tha hương" chợt thấy lòng mênh mang một nỗi nhớ, một niềm thương khó tả. Và cứ như thế, trong tâm thức của mỗi con người sinh ra từ gốc rạ, từ lũy tre làng, đều nhòe cay đôi mắt khi nhớ khói rơm:
Bao người quê lớn lên
Có người tha hương
Bảo nhớ khói rơm
Cũng nhòe cay mắt.
N.H
Các tin khác
Ngày 1-6, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân đã phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam phát động Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 9 (2017-2018).
YBĐT - Thế mà đã hơn hai mươi năm xa quê. Cuộc sống thị thành quanh năm náo nhiệt, bận rộn lo toan, lắm khi quên cả cái cảm xúc những lúc giao mùa. Sáng nay, vội bước qua thềm, gặp ánh lửa hồng từ bông lựu cảnh nhỏ nhoi trước sân nhà khúc xạ thật nhanh vào tiềm thức, chợt nhận ra hạ đã sang tự lúc nào.
YBĐT - Cuộc thi Sáng tác biểu trưng (logo) - tỉnh Yên Bái năm 2017 do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức phát động để sử dụng giao dịch trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau đây là nội dung thể lệ cuộc thi: