Địa bàn huyện Mù Cang Chải có 91% dân cư sinh sống là đồng bào Mông. Đời sống của đồng bào Mông chủ yếu dựa vào canh tác ruộng bậc thang, trồng ngô nương, phát triển chăn nuôi và sản xuất tiểu thủ công nghiệp...
Phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của người Mông nơi đây cũng rất phong phú, được xem là kho tàng văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, xu thế hội nhập, trao đổi kinh tế, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, đô thị hóa hiện nay đã tác động không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào.
Nhìn vào trang phục cũng có thể thấy được điều này khi nhiều người bỏ mặc trang phục dân tộc, nhất là lớp trẻ. Nhiều loại nhạc cụ đặc sắc phục vụ cho hoạt động văn hóa dân gian như: khèn trúc, sáo đồng, đàn môi... ít được quan tâm chế tác và ít được sử dụng.
Các trò chơi dân gian như: đua ngựa, vỗ lưng, nhảy mò chẩu, bịt mắt bắt dê, hát đối đáp bằng ống tre, múa khèn, nhảy pao… cũng bị lãng quên. Các lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mừng lúa mới ít được chú tâm.
Tín ngưỡng phồn thực như: nào sồng (lễ hội đoàn kết cộng đồng), nào công (lễ hội mừng lúa chín) rồi nhiều lễ hội khác như: thờ thần núi, thần suối, thần rừng... cũng không còn được người Mông quan tâm tổ chức.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2014, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng và phê duyệt Đề án Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông, giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Sau 3 năm thực hiện Đề án, đời sống văn hóa, tinh thần của người Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã được nâng lên rõ rệt.
Đến nay, huyện Mù Cang Chải có một nhà văn hóa cấp huyện, 9 nhà văn hóa cấp xã, 185 nhà văn hóa thôn, bản. Đồng thời, hoàn thành việc thành lập đội văn nghệ mang bản sắc dân tộc tại một số khu dân cư; hoàn thành việc xây dựng 2 đội múa khèn tại xã Khao Mang và Mồ Dề; thành lập 2 đội dân ca Mông ở xã La Pán Tẩn và Dế Xu Phình và 2 đội chế tác nhạc cụ dân tộc ở 2 xã Mồ Dề và Chế Cu Nha...
Chỉ đạo các xã phát huy tốt các nghề truyền thống như: đan lát, thêu thùa, rèn, mộc…; tuyên truyền người dân đầu tư phát triển các nghề truyền thống vừa bảo tồn văn hóa vừa tạo ra thu nhập cho người dân như: giã bánh dày, làm thịt sấy, đồ mèn mén...
Ông Nguyễn Cao Thắng - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho biết: "Lợi thế nằm giữa trung tâm khu Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, xã đã chỉ đạo thành lập các đội múa, hát, chế tác nhạc cụ và thêu thùa trang phục thổ cẩm dân tộc Mông. Để vừa duy trì phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông vừa quảng bá với du khách trong nước và quốc tế”.
Là huyện có Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 2007, Mù Cang Chải đã phát huy, gìn giữ để tôn vinh di tích danh thắng này gắn với các giá trị văn hóa của dân tộc Mông.
Tuần văn hóa - du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức mỗi năm một lần, trong đó có nhiều hoạt động đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Tuần văn hóa - du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang đều được huyện Mù Cang Chải tổ chức thành công với nhiều hoạt động phong phú như: hội diễn nghệ thuật quần chúng, chợ phiên vùng cao, Festival dù lượn… Hai năm gần đây, hội thi khèn Mông và hội chọi dê, giã cốm, bánh dày... đã mang lại sự sinh động, hấp dẫn tạo nên tuần văn hóa đậm bản sắc dân tộc Mông.
Hàng năm, huyện còn tổ chức tốt các tour du lịch giúp khách thăm quan, khám phá vẻ đẹp hùng vỹ của vùng cao và tìm hiểu văn hóa dân tộc, nhất là thông qua hình thức du lịch cộng đồng.
Người Mông xã Chế Cu Nha phát huy nghề đan lát mây tre truyền thống.
Trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Mù Cang Chải đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, bản, tổ dân phố...
Hiện nay, việc hiếu, hỷ đã được nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện tốt, bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm. Các gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa cấp thôn, bản, tổ dân phố không ngừng tăng lên. Nếu năm 2013 số gia đình văn hóa thôn, bản, tổ dân phố là 3.969 hộ thì đến hết năm 2016, con số này là 6.143 hộ. Số thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa cũng tăng từ 15 thôn, bản năm 2013 lên 65 thôn, bản năm 2016.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục tuyên truyền, vận động người Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung cùng chung tay giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ những hủ tục; gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch; xây dựng một số bản văn hóa gắn với phục vụ du lịch ruộng bậc thang tại các xã La Pán Tẩn, Nậm Khắt và bản Thái ở thị trấn Mù Cang Chải.
Chỉ đạo các trường học tuyên truyền, vận động các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ 2 hàng tuần. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa tới nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các xã có ruộng bậc thang được công nhận Danh thắng cấp quốc gia.
Bà Cứ Thị Nu - Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Hiện nay, Phòng đang phối hợp với các ban, ngành chức năng làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân tộc Mông. Đồng thời, khuyến khích các già làng, trưởng bản, nghệ nhân và những người có uy tín, am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của người Mông cùng chung tay gìn giữ...”.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, những năm qua, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải đã được tái hiện một cách sinh động. Nhiều trò chơi truyền thống được diễn ra, tạo nên khí thế hào hứng mỗi độ tết đến, xuân về. Những điệu múa, hát giao duyên, hát xướng, kèn lá, đàn môi... ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, con người đã nhóm lên ngọn lửa tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc về gìn giữ bản sắc văn hóa Mông.
Đức Hồng