Nhiều nét đặc sắc ở Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/9/2017 | 10:17:19 AM

Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần đầu tiên sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/9 tại tỉnh Tuyên Quang.

Biểu diễn điệu múa dân tộc Dao.
Biểu diễn điệu múa dân tộc Dao.

Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần đầu tiên với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao trong thời kỳ đổi mới-hội nhập và phát triển bền vững đất nước” sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/9 tại tỉnh Tuyên Quang.

Phóng viên báo chí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, Phó Trưởng Ban tổ chức Ngày hội.

PV: Tuyên Quang là mảnh đất sinh sống của 23 dân tộc khác nhau, vậy vì lý do gì tỉnh lại lựa chọn  tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao?

Ông Nguyễn Vũ Phan: Đây là chủ trương để cho các dân tộc có một tiếng nói của riêng mình, hòa chung đa sắc tộc văn hóa của Việt Nam. Việc này là do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khởi xướng từ rất lâu rồi, rất nhiều dân tộc đã làm ngày hội của mình và bây giờ đến lượt người Dao.

Tôi nghĩ là người Dao ở Tuyên Quang hay trong toàn quốc nói chung đều là một cộng đồng tương đối đông. Họ gìn giữ rất nhiều bản sắc văn hóa độc đáo, và tôi nghĩ rằng họ phải được giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đó, rất nhiều giá trị phù hợp với tiêu chí để xây dựng nếp sống văn minh hiện nay.

PV: Được biết, trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống….. Vậy đâu là điểm nhấn của Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần này?

Ông Nguyễn Vũ Phan: Có rất nhiều hoạt động của người Dao sẽ diễn ra, điểm nhấn thì chúng tôi có chọn những giá trị tiêu biểu nhất của người Dao để có một cái nhìn tổng thể về người Dao.

Đặc biệt chúng tôi đưa lễ Cấp sắc của người Dao ra giới thiệu trích đoạn. Trong Lễ Cấp sắc có một phần rất quan trọng là những lời răn của Bàn Vương, thủy tổ của người Dao, những lời răn dạy của tổ tiên dòng họ, phận phải làm người của đàn ông Dao. Phải biết mình vì mọi người, phải biết dũng cảm, phải biết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ bản làng, gánh vác những công việc của cộng đồng.

Chúng tôi chọn giới thiệu lễ Cấp sắc là chọn vì giới trẻ. Tất cả những người đàn ông Dao đều phải qua lễ Cấp sắc. Qua Cấp sắc ấy ở lứa tuổi thanh niên là chủ yếu, họ sẽ được nhận những lời răn dạy của tổ tiên, Bàn Vương. Họ được chứng kiến, tham dự vào lễ Cấp sắc đó và thấy được giá trị đó tốt đẹp như thế nào. Họ phải phấn đấu để xứng đáng là người của cộng đồng Dao, một công đồng đoàn kết, sống tốt với thiên nhiên và xã hội. Đó là những điều mà chúng tôi mong muốn lớp trẻ của người Dao tiếp thu được những điều đó để tiếp nối ông cha.

PV: Theo ông, tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao có ý nghĩ như thế nào trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc thiếu số khác nói chung?

Ông Nguyễn Vũ Phan: Ý nghĩa được thể hiện ở đây là việc chúng ta phải quan tâm đến đời sống của họ, những người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Làm thế nào để giới thiệu được những giá trị văn hóa rất nhân văn của họ ra cộng đồng, từ đó người ta sẽ ý thức được giá trị văn hóa đó, người ta tự gìn giữ, tự nuôi sống trong cuộc sống thường ngày của họ… Cách bảo tồn như vậy chúng tôi cho rằng là cách bảo tồn bền vững nhất, chứ không hẳn là quay phim, chụp ảnh, in sách… cái tốt nhất là làm sao để di sản văn hóa đó sống được trong đời sống thường ngày của đồng bào dân tộc. Đấy là cách bảo tồn tốt nhất.

PV: Chỉ con ít ngày nữa Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao sẽ khai mạc tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, vậy công tác chuẩn bị đã được tiến hành đến đâu rồi?

Ông Nguyễn Vũ Phan: Có 12 tỉnh sẽ tham dự ngày hội văn hóa người Dao. Chúng tôi đang tiến hành những công việc chuẩn bị hết sức chu đáo và phối hợp với các tỉnh có người Dao sinh sống để tổ chức thành công Ngày hội. Chúng tôi đã tiến hành tập trung 224 nghệ nhân về tập luyện chương trình khai mạc. Trong đó có đủ các nhóm Dao như là Dao Tiền, Dao Đỏ, Dao áo dài, Dao quần trắng… Tôi nghĩ là với thành phần đa dạng của người Dao về tham dự đấy là khâu chuẩn bị rất tốt để chúng ta giới thiệu những bản sắc văn hóa riêng của người Dao trong ngày hội này.

PV: Xin cảm ơn ông!
 
(Theo VOV)

Các tin khác

Festival Huế lần thứ 10 năm 2018 sẽ có chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế: 1 điểm đến 5 di sản” sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 27/4 - 2/5/2018.

Chú rể và cô dâu ra ngõ đón khách.

YBĐT - Mặc dù đời sống kinh tế - xã hội nhiều nét giao thoa nhưng đồng bào dân tộc Dao đỏ tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, nhất là lễ cưới truyền thống được duy trì theo đúng bản sắc từ xưa để lại. Đó cũng là cách mà người Dao đỏ nơi đây thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái vượt qua khó khăn, thách thức để chung tay xây dựng cuộc sống gia đình, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Poster của bộ phim

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (1967-2017), 40 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Canada và 150 năm thành lập Liên bang Canada, từ ngày 12-26/9 tại thủ đô Ottawa của Canada diễn ra Tuần lễ phim ASEAN 2017 do Ủy ban ASEAN tại Ottawa tổ chức.

YBĐT - Tối ngày 23/9, tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và vinh danh Hạn khuống của người Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã chính thức mở màn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục