Trung thu quê núi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/9/2017 | 8:09:55 AM

YBĐT - "Thình… thình… thình. Thình... thình… thình... thình… thình…”. Ông trăng vàng vừa lấp ló trên rặng hoa sữa cuối phố thì cũng là lúc tiếng trống ếch của thiếu nhi trong tổ vang lên, mừng tết Trung thu. Đã nhiều năm rồi, tổ dân phố đều làm Trung thu cho các cháu nhỏ tại nhà bà tổ trưởng.

 Sau khi thắp điện cho ông sao lớn treo trước phông chữ "Vui tết Trung thu”, hơn hai chục thiếu nhi cùng với mấy chị thanh niên rước đèn sao, đèn lồng và gõ trống giễu một vòng từ đầu tổ đến cuối tổ rồi trở về liên hoan bánh kẹo và vui văn nghệ chừng ba mươi phút. Tết Trung thu thời mới - nơi phường phố thật chóng vánh. Tôi bỗng thấy nhớ những mùa Trung thu xưa quá!

Dạo những năm tám mươi của thế kỷ trước, đất nước còn khó khăn – quê tôi cũng nghèo lắm. Nhưng Trung thu năm nào cũng thực sự là ngày tết không chỉ của tuổi thơ mà dường như cả người lớn cũng rạo rực trong lòng.
 
Trước rằm tháng Tám chừng một tháng là đã rộn ràng tiếng trống ếch hàng đêm vọng về từ sân kho của các thôn trong xã. Hồi đó, học sinh cấp một và cấp hai chỉ học buổi sáng, buổi chiều ở nhà tự ôn bài hoặc chăn trâu, lấy củi chăm vườn rau giúp bố mẹ. Từ sau rằm tháng Bảy, hầu hết các thiếu niên đều tham gia đội nghi thức, đồng diễn thể dục và tập văn nghệ chuẩn bị thi cắm trại vào dịp tết Trung thu.
 
Cứ sau bữa tối là các anh chị phụ trách đã có mặt tại sân kho, nổi trống tập hợp thiếu niên để tập đội hình. Cùng với tập đội nghi thức và đồng diễn thể dục, từng nhóm thiếu niên còn được ôn luyện kiến thức truyền thống Đội, tập tiết mục văn nghệ, các môn thể thao: chạy một trăm mét, ném bóng cao su, nhảy dây… và kỹ năng cắm trại để thi "cắm nhanh, nhổ nhanh” vốn rất hào hứng trong tết Trung thu.
 
Các em thiếu niên hào hứng luyện tập, còn các anh chị phụ trách và cả những bậc cao niên thì cùng nhau chuẩn bị cột trại, cọc rào, bện dây trại, trang trí đèn ông sao, họa tiết cổng trại và mô hình phù hiệu măng non… Nhiệt tình và xôm trò nhất vẫn là ông Tám – người luôn hài hước với những câu chuyện tiếu lâm kể mãi mà vẫn cười đến đau cả bụng và cũng là bậc thầy về múa sư tử phun lửa thật dũng mãnh. Đêm nào cũng vậy, sân kho của đội luôn sáng ánh đèn măng sông và rộn ràng không khí luyện tập tới tận khuya.

Từ chiều ngày mười ba tháng Tám âm lịch, các em thiếu niên trong đội đã được tập hợp đông đủ tại nhà ông Tước gần trường cấp hai chuẩn bị để sáng sớm mai bắt đầu hội trại toàn xã diễn ra trong hai ngày mười bốn và mười lăm. Mỗi em mang theo hai bộ quần áo đẹp nhất, một đôi đũa và một chiếc bát để sinh hoạt tập trung trong mấy ngày hội trại. Những tấm phản rộng từ các gia đình trong thôn được mượn về kê khắp nhà làm chỗ ngủ cho các em. Gọi là ngủ cho vui vậy thôi, chứ cả đêm mười ba chẳng ai có thể ngủ nổi vì trong lòng háo hức lắm.
 
Sau bữa cơm chiều, các em thiếu niên lại tiếp tục luyện tập nghi thức và đồng diễn thể dục ngay sân nhà ông Tước sao cho thật nhuần nhuyễn và nhịp nhàng. Đội văn nghệ thì cùng với mấy anh chị phụ trách tranh thủ thời gian giải lao tập lại các bước múa trong vũ điệu "Chàm rông” trên nền nhạc măng rô luyn và nhịp trống cái rộn ràng.
 
Ông chủ nhà cùng mấy cụ phụ lão, tất nhiên là không thể thiếu ông Tám - người luôn vui vẻ, hài hước tham gia làm mặt nạ chú Tễu, chỉnh trang lại chiếc đầu sư tử và hướng dẫn nhóm thanh niên tập các động tác phối hợp biểu diễn và kỹ năng phun lửa cho tiết mục thi múa sư tử vào tối ngày mai.

Ngày mười bốn, hội trại diễn ra nhiều phần thi trong tiếng trống, tiếng xập xèng náo nức cả miền quê núi. Sau buổi tối, liên hoan văn nghệ và thi múa múa sư tử các đội tạm nghỉ để sáng hôm sau tiếp tục nội dung thi trang trí trại đẹp, thi kiến thức đội và tổng kết trao giải vào buổi trưa. Riêng ông Tám lại thêm một đêm nữa bận rộn với công việc mà ông được tín nhiệm trong nhiều mùa Trung thu ở đất này.
 
Sau khi đi cổ vũ cho các cháu thiếu niên trong thôn biểu diễn xong tiết mục "Chàm rông” và múa sư tử, ông Tám vội trở về cùng với bà nhà chuẩn bị các phần quà để kịp sáng sớm hôm sau phân phát đến từng cháu thiếu nhi trong thôn. Mỗi suất quà Trung thu cho tuổi thơ quê núi dạo ấy chỉ là một oản xôi gấc, ba quả chuối tiêu chín cuốc, hai trái hồng ngâm và vài múi bưởi đào. Tất cả đều do các hộ trong thôn góp lại để cùng chăm lo cho các cháu.
 
Gần một trăm hộ dân với ngót trăm rưởi suất quà cũng đủ để ông bà Tám tất bật tận tới khuya mà trong lòng khấp khởi ghê lắm. Mỗi suất quà được ông bà nâng niu bọc lại trong từng tàu lá dong xanh rịm và xếp vào hai chiếc thúng mới toanh có kết một vòng xúc xích giấy hồng quanh miệng. 

Sáu giờ sáng, trong bộ quần áo tươi màu nâu non, ông Tám quẩy gánh quà lần lượt phát cho từng thiếu nhi từ đầu thôn đến cuối thôn. Đến đầu ngõ mỗi nhà, ông cũng đều hào hứng lên tiếng gọi các em nhỏ ra nhận quà tết Trung thu.
 
Mỗi lần phát quà, ông cũng xoa đầu và chúc các cháu luôn chăm ngoan, học giỏi để Trung thu sang năm ông sẽ phát cho nhiều quà hơn. Trung thu năm ấy, cũng là lần cuối tôi được nhận quà từ ông Tám, bởi năm sau tôi đã lên cấp ba, học cách xa nhà 20 cây số và cũng bước vào tuổi Đoàn. Nhận phần quà từ tay ông với lời căn dặn: "Cố gắng học giỏi để sau này còn được đi công tác cháu nhé!” mà lòng tôi rạo rực vô cùng.
 
Nhìn theo bóng ông tung tẩy gánh quà như đôi cánh trên vai khuất dần ở cuối con đường đất đỏ trong thôn tôi bỗng thấy mình như lạc vào miền cổ tích. Ông chẳng khác nào "ông già Noel” của tuổi thơ xóm núi.

Tôi khôn lớn và công tác xa nhà đã hai hơn mươi mùa Trung thu. "Ông già Noel” của những đứa trẻ quê tôi giờ đã đi xa nhưng không khí rộn ràng mỗi độ Trung thu về nơi xóm núi và hương vị ngọt ngào từ những phần quà nồng đượm tình quê ấy vẫn cứ bâng khuâng vọng về trong ký ức.

Lại thêm một tết Trung thu nữa, ở phương trời xa kia, "ông già Noel” nơi xóm núi thuở nào chắc cũng đang mơ về những mùa Trung thu năm ấy!  

Thanh Tửu

Các tin khác
Biểu diễn điệu múa dân tộc Dao.

Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần đầu tiên sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/9 tại tỉnh Tuyên Quang.

Festival Huế lần thứ 10 năm 2018 sẽ có chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế: 1 điểm đến 5 di sản” sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 27/4 - 2/5/2018.

Chú rể và cô dâu ra ngõ đón khách.

YBĐT - Mặc dù đời sống kinh tế - xã hội nhiều nét giao thoa nhưng đồng bào dân tộc Dao đỏ tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, nhất là lễ cưới truyền thống được duy trì theo đúng bản sắc từ xưa để lại. Đó cũng là cách mà người Dao đỏ nơi đây thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái vượt qua khó khăn, thách thức để chung tay xây dựng cuộc sống gia đình, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Poster của bộ phim

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (1967-2017), 40 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Canada và 150 năm thành lập Liên bang Canada, từ ngày 12-26/9 tại thủ đô Ottawa của Canada diễn ra Tuần lễ phim ASEAN 2017 do Ủy ban ASEAN tại Ottawa tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục