Tranh thờ trong đời sống người Dao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2018 | 2:41:11 PM

YBĐT - Tranh thờ chiếm một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của người Dao, đặc biệt trong mỗi dịp lễ, tết.

Ông Bàn Phú Định truyền dạy cho con trai cách vẽ tranh thờ.
Ông Bàn Phú Định truyền dạy cho con trai cách vẽ tranh thờ.

Nhắc đến người Dao huyện Văn Yên là nhắc đến những phong tục, tập quán độc đáo và một trong những phong tục, lễ nghi đặc sắc không thể thiếu, phản ánh sống động đời sống tâm linh ấm êm no đủ của gia đình người Dao là tranh thờ ngày tết.

Người Dao cho rằng, tranh thờ chiếm một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của họ, đặc biệt trong mỗi dịp lễ, tết. Chúng tôi tìm gặp ông Bàn Phú Định - một trong rất ít người còn giữ được nghề vẽ tranh thờ của người Dao ở xã Viễn Sơn nói riêng và cả huyện Văn Yên nói chung. Nhấp chén trà nóng, ông Định tâm sự: "Tôi vốn có năng khiếu bẩm sinh vẽ tranh. Bố mẹ cho tôi theo học một thầy vẽ tranh thờ của người Dao ở xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn. Vốn có năng khiếu nên tôi học trong vòng vài tháng là vẽ được hết các bộ tranh thờ".
 
Học vẽ nhanh là vậy, nhưng ông Định bảo học xong để vẽ tranh được cho các gia đình khác, ông phải được làm lễ cấp sắc từ 7 đèn trở lên. Trong các bộ tranh thờ của người Dao thì bộ Tam thanh là quan trọng hơn cả trong các dịp lễ tết quan trọng, đặc biệt là lễ cấp sắc. Bộ Tam thanh có 17 bức, gồm 12 bức to, 4 bức nhỏ gọi là Tứ phủ và 1 bức binh lính 120 quân, hoàn thiện bộ tranh phải mất 40 ngày. Dù biết vẽ nhưng mãi sau này khi được cấp sắc 12 đèn ông mới được vẽ bộ tranh này.
 
Theo quan niệm của người Dao, bức tranh thờ phải đẹp và được vẽ bởi người có uy tín bởi bộ tranh thể hiện sự trang trọng và mang lại may mắn cho gia chủ. Hiện nay, trong gia đình người Dao đỏ Văn Yên còn giữ những bộ tranh hàng trăm năm. Họ quan niệm chỉ thờ tranh vẽ, không thờ tranh in. Đặc biệt, tranh thờ ngày tết thì không thể nhờ các họa sỹ hay họa công truyền thống vẽ được bởi loại tranh này phải vẽ dựa vào ý tưởng của chủ nhà và thủ tục để vẽ tranh cũng khá phức tạp.
 
Theo ông Định, những bức tranh thờ thể hiện quan niệm của người Dao về vũ trụ, triết lý, mối quan hệ giữa cuộc sống với con người và vạn vật. Trong đó, bảo trợ cuộc sống của con người là 3 vị thần (còn gọi là Tam thanh) gồm: Ngọc thanh (thần cai quản trên trời); Thượng thanh (thần cai quản trần gian); Thái thanh (thần cai quản âm phủ).
 
Trong 3 vị này, Ngọc thanh có vị trí cao hơn cả. Tam thanh luôn giữ vị trí trung tâm trong các bộ tranh người Dao. Tranh thờ được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều mang nét oai nghiêm.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về tranh thờ cũng như nghề vẽ tranh thờ, toát lên trong ánh mắt, nụ cười của ông Định luôn là niềm tự hào xen lẫn say mê với nghề. Tay nâng niu từng bức tranh, ông Định tâm sự: "Nếu thiếu đi những bức tranh thờ thì đồng bào Dao không thể thực hiện được những nghi thức quan trọng trong lễ, tết. May mắn thay, con trai út của tôi cũng có năng khiếu vẽ. Hiện tôi đang truyền dạy lại nghề vẽ tranh thờ cho con, giờ đã có thể hỗ trợ tôi rất nhiều".
 
Ông Định truyền nghề cho con và ước mong con mình có thể truyền nghề cho những người trẻ khác. Nhắc tới đây, nét mặt ông rạng rỡ hẳn lên, ánh lên niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho nghề vẽ tranh thờ của dân tộc mình nếu một ngày được quan tâm hỗ trợ mở các lớp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm vẽ tranh.

Chia tay mảnh đất thắm đượm bản sắc văn hóa Dao khi từng tia nắng lấp lánh đã trải vàng trên các nẻo đường, sắc xuân đang tràn ngập khắp bản làng. Chúng tôi tin tưởng rằng, với tình yêu nghề của những người như ông Bàn Phú Định, nét đẹp văn hóa độc đáo người Dao sẽ được gìn giữ và phát triển.

Lê Thương

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục