Nét độc đáo trong đám cưới đồng bào Thái

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/8/2018 | 8:02:10 AM

YBĐT - Lần đi dự đám cưới của đồng bào Thái ở Văn Chấn, tôi may mắn được chứng kiến nhiều điều độc đáo trong nghi lễ đám cưới của họ.


Khác với nhiều dân tộc trong vùng, khi cưới nhà trai phải mang đồ lễ đến nhà gái thì người Thái ở đây chỉ cần đặt vấn đề cần bao nhiêu mâm để tiếp khách thì nhà trai mang thực phẩm, đầu bếp đến làm đủ cho nhà gái bấy nhiêu mâm.

Trong lễ đưa dâu, vị đại diện nhà gái là một người phụ nữ đứng tuổi. Cô dâu khi về nhà chồng, đầu đội nón mới, tay cầm một chiếc đèn pin, một chiếc "go" và "bàn phưm" trong khung cửi, một chai nước và một chai thóc.
 
Lý giải về chiếc nón đội đầu cũng như những đồ vật mà cô dâu mang theo, bà con cho biết, chiếc nón đội đầu được coi như vật chứng cho người con gái Thái từ nay chính thức ra đi làm dâu con nhà người.
 
Chiếc đèn pin thay cho chiếc đèn dầu xưa kia được thắp sáng để tổ tiên biết đường mà bảo hộ cho cô dâu trên đường về nhà chồng.
 
Bởi lẽ, quan niệm từ cổ xưa của người Thái thì ban ngày chính là ban đêm của thế giới cõi âm. Chai nước, chai thóc giống, chiếc go, là thông điệp có tính biểu tượng cho sự hài hòa âm dương để vạn vật sinh sôi, cuộc sống sung túc, tình yêu bền chặt mà cô dâu mang đến cho nhà chồng.

Khi đoàn rước dâu về đến nhà trai, một bà đại diện cùng mấy người mang chiếu ra cổng đón đoàn. Đoàn nhà trai mời nhà gái ngồi xuống chiếu ăn trầu, uống rượu làm lý rồi hai bên thưa chuyện với nhau về các thủ tục, nghi lễ. Xong câu chuyện, bà đại diện nhà gái cùng dẫn cô dâu lên nhà sàn diện kiến bố mẹ chú rể. Bà đại diện nhà gái giao dâu và giới thiệu về những thứ hồi môn mà cô dâu mang về nhà chồng.
 
Sau đó, trực tiếp trao chăn, đệm, gối, khăn mà cô dâu dành riêng tặng cho cha mẹ bên chồng. Bố mẹ chồng tặng lại con dâu và bà đại diện nhà gái chút tiền như để cảm ơn nàng dâu đã có lòng hiếu thảo tặng quà. Sau phần tặng quà cha mẹ chồng, mẹ chồng dẫn con dâu cùng bà đại diện sang chia của hồi môn cho các anh chị em của chú rể.
 
Kết thúc phần trao quà hồi môn, cô dâu, chú rể mới làm lễ bái gia tiên. Xong lễ bái gia tiên còn có một lễ cúng ở bên chiếc giường cưới.
 
Nghi lễ này chỉ được tiến hành đối với trường hợp cô dâu đã có bầu. Lễ cúng này nhằm mục đích trình báo với ma nhà là từ nay đã có thêm cô dâu và cháu nhỏ cùng về ở để vía cháu bé trong bụng mẹ không tủi thân cũng như được ma nhà che chở. Trên chiếc giường cưới có sẵn chăn gối của cô dâu, chú rể và cả của cháu nhỏ trong bụng đã được chuẩn bị từ trước.
 
Sau khi kết thúc các nghi lễ, nhà trai, nhà gái cùng ăn cỗ, chúc rượu, múa xòe, hát mừng dâu rất tưng bừng.

Qua những nghi lễ trong đám cưới của đồng bào Thái cho thấy, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của bà con chỉ riêng với ngày cưới đã rất phong phú, đậm đà nhiều triết lý dân gian sống động, giàu chất nhân sinh quan, thế giới quan từ cổ xưa.

Sơn Nam

Các tin khác

Cuộc thi Người mẫu Quý bà Việt Nam 2018 vừa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép tổ chức. Như vậy, gần 10 năm kể từ cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam tổ chức thì giờ đây mới có thêm cuộc thi mới cho người phụ nữ đã lập gia đình, sinh con được thể hiện tài năng.

Poster chương trình.

Lần thứ IV tổ chức tại Việt Nam Liên hoan guitar fingerstyle quốc tế (IFSGF 2018) sẽ diễn ra vào 25/8/2018 tại Nhà hát tuổi trẻ với sự tham gia biểu diễn của 5 nghệ sĩ nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia.

Đêm. Sấm chớp ì ùng làm Sếnh tỉnh giấc. Mưa quất ràn rạt ngoài phên nứa, đánh lộp độp trên mái cọ. Gió thốc ù ù làm căn nhà rung lên, cuốn theo cả những hạt mưa táp vào mặt Sếnh. Con thác Tốc Tát ầm ầm réo như trời lở. Vậy là mùa mưa đã bắt đầu!

Các hiện vật được Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chiều 9/8, tại Hà Nội, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã ban giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia 18 cổ vật Việt Nam ở một số thời kỳ văn hóa khác nhau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục