Tuy vậy, vẫn nhiều quan điểm cho rằng văn học trẻ chưa tương xứng và non kém trước thế hệ cha anh. Vẫn biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Theo góc nhìn của cá nhân tôi thì thấy rằng, có nhiều tác phẩm, đề tài, chủ đề của các cây bút trẻ phản ánh cái tôi cá nhân, tư tưởng bản thể. Những vấn đề như lịch sử, quốc gia, dân tộc… ít được các cây bút trẻ khai thác nên còn thiếu vắng các tác phẩm có tầm vóc về tư tưởng và thời đại.
Ở một số cây bút, những vấn đề căn cốt của văn chương như ngôn từ, tư tưởng, thẩm mỹ chưa thực sự được chú ý. Vẫn xuất hiện nhiều trang văn hời hợt, có thể do sự chen lấn của văn học giải trí, có thể do tác giả thiếu sự trường vốn về kinh nghiệm sống, trải nghiệm văn hóa, tri thức hoặc chưa thực sự chuyên tâm, trăn trở với nghề viết.
Một số cây bút trẻ còn coi văn chương như một cuộc dạo chơi hoặc một thứ trang sức. Đó là một số nhược điểm và thiếu sót dễ gặp của một số cây bút trẻ, nếu nhìn vào đó để đánh giá về cả một đội ngũ viết văn trẻ thì chưa đúng và chưa đầy đủ.
Tôi thấy rằng, đội ngũ viết trẻ hiện nay khá đông đảo. Trong đội ngũ ấy, có rất nhiều cây bút đã khẳng định mình, họ chinh phục bạn đọc bằng đầy đủ sự điềm tĩnh, sắc sảo. Ở khu vực miền núi phía Bắc, vài năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ, chững chạc vào Hội Nhà văn Việt Nam, gặt hái được nhiều thành công, tên tuổi đã trở nên quen thuộc và đáng tự hào như: Tống Ngọc Hân (Lào Cai), Chu Thị Minh Huệ (Hà Giang), Du An (Điện Biên)…
Nhiều cây bút trẻ đang lóe lên những tín hiệu đáng mừng, ngấp nghé vào Hội Nhà văn và có triển vọng đi xa hơn nữa như: Nguyễn Ngọc Yến, Nông Quang Khiêm (Yên Bái), Kiều Duy Khánh (Sơn La), Hoàng Anh Tuấn, Lưu Tử Anh (Lào Cai), Lục Mạnh Cường, Nguyễn Văn Toan (Hà Giang), Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ), Phùng Hương Ly, Hoàng Chiến Thắng (Bắc Kạn), Trung Long (Điện Biên)…
Những tác phẩm của các tác giả trẻ khu vực miền núi phía Bắc đa dạng về phong cách, thể loại cũng như chủ đề. Họ đang kiến tạo cho mình một lối đi riêng với rất nhiều triển vọng. Nhìn sâu hơn có thể nhận ra họ đã có cảm thức về thời đại.
Các tác phẩm của họ phản ánh tất cả các vấn đề của xã hội. Nhiều tác giả trẻ đã bứt lên, nhận các giải thưởng cao của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam và các giải thưởng chuyên ngành khác trong những năm gần đây. Chúng ta có thể vui mừng vì những tín hiệu trên cho thấy, một đội ngũ cây bút trẻ miền núi phía Bắc có đủ đam mê, dám dấn thân và trách nhiệm trước từng trang viết, trước độc giả, thời đại, nhân dân, đất nước. Với lực lượng ấy, cho ta tin vào một đội ngũ viết cẩn trọng và vững vàng trong tương lai.
Về đội ngũ viết trẻ ở Yên Bái, những năm gần đây đã xuất hiện khá nhiều những cây bút xuất sắc, họ viết chắc chắn, mới mẻ, xuất hiện đều đặn trên văn đàn. Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như: Vũ Mai Oanh, Thái Ly, Lưu Khánh Linh, Nguyễn Thu Phong, Nguyễn Tiến Kiều, Đào Thu Hương, Lò Thị Én Xuân, Dương Thu Phương, Phương Bảo Yến, Nguyễn Phương Thùy, Nguyễn Đức Phương, Lê Văn Cường…
Để phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển được một đội ngũ viết văn trẻ như thế, phải khẳng định công lao không nhỏ thuộc về Hội Liên hiệp VHNT và Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Về phía Hội Liên hiệp VHNT, đội ngũ viết văn trẻ luôn nhận được sự quan tâm, bồi dưỡng qua các trại sáng tác, các đợt đi thực tế sáng tác, các cuộc tọa đàm, trao đổi, tạo điều kiện giao lưu học tập cũng như động viên, khuyến khích họ sáng tạo.
Các cây bút trẻ đến với văn chương trước tiên bằng năng khiếu, tuy nhiên chỉ dựa vào năng khiếu để đi trên con đường dài của văn chương thì việc sáng tác chỉ là việc ăn may. Cho nên việc kết hợp năng khiếu với tích lũy vốn sống, rèn luyện kỹ năng viết qua các trại sáng tác, các đợt đi thực tế, tọa đàm, trao đổi như vậy là một hướng đi đúng đắn, vững chắc, vừa là trách nhiệm trước mắt vừa lâu dài.
Về phía Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, luôn dành số trang đáng kể cho chuyên mục Văn nghệ trẻ, Văn nghệ thiếu nhi. Các biên tập viên luôn trao đổi, góp ý cho từng tác phẩm. Tạp chí luôn đồng hành, ủng hộ các cây bút trẻ vươn lên. Tôi nghĩ đó là những việc làm nền tảng góp phần nâng đỡ cho các cây bút trẻ khẳng định mình.
Sự nghiệp VHNT tương lai có quyền kỳ vọng. Một thế hệ mới của văn chương đang khẳng định mình và hy vọng sẽ làm nên những thành quả, kỳ tích bởi trước họ đã có một thế hệ hy sinh và cống hiến, làm nên một dòng chảy VHNT đáng tự hào.
Nông Quang Khiêm