Tôi gặp nhà văn Ngọc Bái trong một sớm mùa đông tại nhà riêng tại thôn 2, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. Đã bước vào tuổi 77, thời gian và tuổi tác làm ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe nhưng ông vẫn rất minh mẫn, luôn tỏ ra đầy hào hứng, tự hào và tâm đắc khi nói về cuốn tiểu thuyết "Ngang trời mây đỏ” cũng như cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Nhấp ngụm trà nóng, nhớ về những ngày tháng sưu tầm tư liệu, điền dã đến những địa điểm thực tế tại các tỉnh, thành nơi cuộc khởi nghĩa nổ ra, ông bắt đầu câu chuyện: "Thời gian đã quá lâu, những tư liệu về cuộc khởi nghĩa và nhà cách mạng "Không thành công cũng thành nhân” còn rất ít. Vì vậy, mỗi tư liệu sưu tầm được đều rất quý báu. Công đoạn này phải mất mấy năm trước khi tôi đặt bút viết những dòng đầu tiên”.
Nhà văn Ngọc Bái viết tiểu thuyết "Ngang trời mây đỏ” không nhằm tái hiện lịch sử mà ông khắc họa tinh thần yêu nước bằng những nhân vật lịch sử, tình yêu và tâm thế của những vị tiên liệt, những nhà ái quốc, góp phần làm nên tầm vóc của dân tộc, tầm vóc của tinh thần ái quốc bất khuất.
Đọc tác phẩm và tìm hiểu sâu xa hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Ngọc Bái, còn có thể nhận thấy rõ cuốn sách được ông viết xuất phát từ lòng yêu nước, đối với ông "lòng yêu nước không bao giờ là cũ, lòng yêu nước là bình đẳng”, lòng yêu nước được ông gửi vào những trang văn, thổi hồn vào những tư liệu quý để trở thành những chi tiết hấp dẫn của hình tượng nghệ thuật.
Trước thắc mắc của tôi về tên tác phẩm, nhà văn Ngọc Bái giải thích: "Anh linh những người liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do cho Việt Nam vẫn mãi hiển hiện trên đám mây đỏ của bầu trời tự do ngày hôm nay như lời nói tri ân của thế hệ con cháu ngày nay đối với những người hy sinh vì đại nghĩa của dân tộc”.
"Ngang trời mây đỏ” được bắt đầu bằng sự kiện thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng, sau đó lần lượt là các chương viết về cuộc đời Nguyễn Thái Học từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành gắn liền với truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương, bạn học và các tổ chức yêu nước cách mạng trong thanh niên, sinh viên ở Hà Nội.
Độc giả sẽ phải trầm trồ thán phục cái tài, trí tưởng tượng của Ngọc Bái khi diễn biến cuộc khởi nghĩa không còn khô khan mà được kể lại rõ ràng, chi tiết, sống động qua lời nói, tranh luận, bàn bạc công việc của từng nhân vật lịch sử cụ thể.
Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc..., những yếu nhân lịch sử ấy được khai thác tâm tư, tình cảm, tính cách, hành động trở thành nhân vật tiểu thuyết đầy dũng khí, bước vào chiến trận và cái chết hiên ngang, khí phách, không một chút do dự, băn khoăn.
Cuộc trò chuyện khiến tôi cứ cuốn mãi theo những câu chuyện kể, tất cả những cử chỉ cái nhăn trán, nhíu mày hay ánh mắt rạng ngời đều toát lên tâm huyết, tình yêu của Ngọc Bái đối với lịch sử cũng như cuốn sách của mình.
Nhà văn Ngọc Bái chia sẻ: "Tôi viết tiểu thuyết này cũng vì mong muốn qua những trang văn sống động khơi dậy hứng thú tìm hiểu, yêu mến lịch sử của thế hệ trẻ ngày nay, luôn luôn ghi nhớ những bài học lịch sử để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc”.
Quả vậy, ngay những dòng đầu tiên bắt đầu cuốn tiểu thuyết ông viết: "Lịch sử đã qua/ như dấu mực hằn khô trên trang giấy/ không phải để khắc mối hận thù/ mà để đừng bao giờ lặp lại nỗi đau quá khứ”.
89 năm đã trôi qua nhưng khởi nghĩa Yên Bái vẫn còn in đậm dấu ấn lịch sử, góp phần cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù của nhân dân ta đối với bè lũ cướp nước và tay sai, làm nên những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của đồng bào và nghĩa sỹ trong cuộc khởi nghĩa sẽ còn mãi trong lòng nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Lê Thương