Thời gian tổ chức ăn tết họ thường vào dịp trước tết Nguyên đán vài ngày hoặc sau tết (từ lúc hạ cây nêu khoảng mồng 7 tết cho đến ngày Rằm tháng Giêng). Theo truyền ngôn từ đời này qua đời khác, nguồn gốc của tục tết họ xưa kia bắt nguồn từ thực tế trong mỗi làng bản miền núi, dân cư còn thưa thớt; bởi vậy, mỗi dòng họ định cư trong các bản mường cũng không nhiều người.
Cùng đó, đất đai rộng rãi, màu mỡ nên canh tác lúa ngô cũng dư dật lương ăn; chăn nuôi trâu bò, dê, lợn, gà, cá... phát triển nên những nhà làm ăn khá giả thường mở tiệc thết đãi họ hàng cho thêm phần ấm cúng tình cảm, gắn bó gia tộc và cũng thể hiện đạo lý khi nhà nào có của ăn của để luôn nhớ đến việc cúng tế tổ tiên, thần linh thổ địa, trời, Phật với mong muốn tiếp tục được đấng anh linh phù hộ cho làm ăn phát đạt. Thế nên, tục ăn tết họ xưa kia còn được gọi là tết khao.
Quy mô tổ chức tết họ tùy tâm vào điều kiện từng nhà. Nhưng các bậc cao niên kể lại, có nhà giàu sẵn sàng mổ cả con trâu, con bò, ngựa hay một vài con dê đãi họ; nhà thì mổ lợn nuôi tới vài năm, to đến mấy người khiêng; có người thì làm cỗ tam sinh, tam vòng, tứ vòng...; trong đó, cỗ tam sinh gồm có thịt của loài vật 4 chân, 2 chân, không chân; cỗ tam tầng là mâm cỗ được xếp thành 3 tầng và tầng trên cùng là những món đặc sản quý hiếm; tầng giữa là món ăn thông dụng chế biến từ thịt trâu, bò, lợn, gà...; tầng cuối là những món ngũ cốc, bánh trái ngon nhất; cỗ tam, tứ, ngũ vòng... là loại cỗ bầy trên mâm lá mà mỗi một vòng tròn trong lòng mâm là một hoặc hai ba món ăn.
Sở dĩ khao to là vì quy mô người trong họ cũng không đông, thiên nhiên còn lắm của ngon vật lạ và cái chính là cả một đời người có khi mới khao họ một lần vì tính theo vòng quay mỗi năm 1 nhà làm tết họ thì hai ba chục hộ trong họ phải mất mấy chục năm ròng mới quay lại.
Về sau này, số lượng gia đình, số người trong các họ ngày càng đông lên thì việc tổ chức tết họ cũng đơn giản hơn theo hướng thực dụng và chia thành các chi, các nhánh. Cỗ tết họ chỉ cần mổ lợn, gà, cá để chế biến các món ăn thông thường là được.
Trong ngày tết họ vẫn duy trì được nét đẹp truyền thống là ngoài việc mời anh em trong họ đến chơi thì gia chủ còn mời cả con nuôi, thông gia, liên gia, bà con thân cận trong mường bản, mời cả người phương xa đến chơi.
Trong tết họ cũng không chỉ bó buộc trong việc ăn cỗ, trò chuyện tâm giao hay vui múa hát như ngày xưa... mà nó được mở rộng ra nhiều lĩnh vực như đọc gia phả giúp cho thế hệ trẻ hiểu về gốc tích dòng họ, vai vế anh trên em dưới, từng chi, từng nhánh; cùng nhau bàn bạc việc ghi chép tộc phả, bàn nghi thức tế lễ tổ tiên, tu bổ tổ mộ, từ đường; bàn cách cùng làm ăn, giúp đỡ những anh em còn nghèo khó hoặc gặp khó khăn hoạn nạn rủi ro; xây dựng dòng họ văn hóa, dòng họ hiếu học... Bởi vậy, tục ăn tết họ ngày nay lại có thêm một khái niệm mới là họp họ.
Ngoài những ý nghĩa nêu trên, nét đẹp nữa trong tục ăn tết họ còn thể hiện ở chỗ, mỗi người sau khi đi dự tết họ tự thân mình phải xác định luôn cần nỗ lực thật nhiều trong phát triển kinh tế thì mới có cơ hội một lần trong đời được khao họ để được mở mày mở mặt trong gia tộc.
Không chỉ có vậy, người muốn được khao họ phải luôn rèn cho mình lối sống mẫu mực, có uy tín; có tinh thần đoàn kết xây dựng dòng họ, sống có tôn ty trật tự trong nhà, trong họ, trong làng... thì khi có ý định tổ chức tết họ mới được mọi người trong gia tộc ủng hộ.
Tuy nhiên, do những biến đổi trong hội nhập văn hóa nên tục tết họ nhiều nơi, nhiều dân tộc, dòng họ không còn giữ được tục này. Do vậy, việc giới thiệu về tục tết họ chỉ giúp ta hiểu thêm về một nét văn hóa đầy tính nhân văn trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ cổ xưa.
Sơn Nam