Mặc dù đã có sự quan tâm của Nhà nước nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hết năm 2011, trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 di sản văn hóa, trong đó, có 720 di sản vật thể của 12 dân tộc trên tất cả các huyện, thị, thành phố và 3 di sản văn hóa phi vật thể được xếp vào mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghi lễ cấp sắc của người Dao ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ…
Đến thời điểm 31/12/2018, Yên Bái có 104 di tích đã được xếp hạng (13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 91 di tích cấp tỉnh với 4 loại hình cơ bản là di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh). Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa này để mang lại hiệu quả vẫn đang được đặt ra.
Tìm hiểu được biết, hiện nay, số lượng di tích đã được xếp hạng so với nguồn kiểm kê còn khá khiêm tốn, đặc biệt là vốn di sản phi vật thể được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy theo các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của tỉnh cũng như các chuyên đề nghiên cứu của các đơn vị còn hạn chế.
Trong số 104 di tích đã được xếp hạng thì có 74 di tích có yếu tố tôn giáo tín ngưỡng (chiếm 71,1%). Bên cạnh đó, các di tích cấp tỉnh đã được trùng tu tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn và huy động từ nhân dân là chủ yếu.
Các di tích cấp quốc gia thì được tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách quốc gia. Năm 2013, ngành văn hóa Yên Bái đã tiến hành xây dựng bia di tích tại Lễ đài Sân vận động thành phố, đèo Lũng Lô, Di tích lịch sử mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự, đền Đông Cuông, đền Rối với kinh phí hàng chục tỷ đồng…
Những năm gần đây du lịch Yên Bái đã có nhiều khởi sắc. Năm 2018, khách du lịch đến với Yên Bái đạt 560.000 lượt người (tăng 10% so với năm 2017). Du khách đều có nhiều ấn tượng về vùng đất giàu bản sắc màu văn hóa, đến những di tích, danh lam thắng cảnh và trải nghiệm nét độc đáo của trang phục, ẩm thực, lễ hội, phong tục, tập quán… đã trở thành yếu tố cốt lõi trong các chương trình du lịch tại Yên Bái.
Để làm được điều này, các địa phương nơi có các di tích và lễ hội đã làm tốt công tác quản lý và khai thác tốt giá trị lịch sử, văn hóa nhằm thu hút khách du lịch. Đó là gần 20 lễ hội tâm linh gắn với các di tích thường niên được tổ chức vào dịp đầu xuân như: Lễ hội đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn, đền Tuần Quán hay các lễ hội của các dân tộc thiểu số, điển hình như: Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú (Văn Chấn), lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày…
Cùng với đó, hàng năm, các địa phương trong toàn tỉnh còn tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội mới như: Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò - Nghĩa Lộ; Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Đông Cuông; Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng” ở Mù Cang Chải… đã tạo được điểm nhấn, góp phần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái.
Ngoài ra, nhiều địa phương đã và đang làm tốt công tác đưa di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng như thị xã Nghĩa Lộ với văn hóa người Thái đen hay Mù Cang Chải với văn hóa người Mông. Những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc được hội tụ từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca, dân vũ đã trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo nơi đây.
Mặc dù việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm. Song, còn nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp; việc tu bổ chỉ tập trung vào di tích chính; việc xếp hạng di tích ngày càng khó khăn do nhiều di tích chưa có quy hoạch…
Từ thực tế trên, với quan điểm biến di sản thành tài sản, đồng thời giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch, ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết một số giải pháp mà ngành sẽ chú trọng như: "Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và cộng đồng giữ vững giá trị bản sắc văn hóa; tăng cường hơn nữa việc xúc tiến quảng bá các hoạt động lễ hội truyền thống; tập trung bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch; chú trọng công tác tuyên truyền về di tích như sách cẩm nang về di tích; tiếp tục huy động nguồn lực từ xã hội trong công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích… để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế qua trọng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Tỉnh ủy đã đề ra”.
Trần Minh