Thực tế cho thấy, bản sắc văn hóa dân tộc sẽ phai dần theo thời gian khi mà lớp trẻ không còn mặn mà kế thừa thể hiện ở nhiều phương diện như: không thích mặc trang phục dân tộc, không biết dân ca, dân vũ hay sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, ít quan tâm đến cội nguồn, lịch sử văn hóa truyền thống… Bởi vậy, những năm qua, xã Nghĩa Sơn đã tăng cường công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực thu hút sự tham gia của người trẻ.
Từ những năm 2010, xã đã phối hợp với các ngành và nghệ nhân trình diễn dân gian Vì Văn Sang ở thôn Nậm Tộc sưu tầm và phục dựng lại các bài múa dân gian, các bài hát dân ca và nhạc cụ truyền thống. Xã đã phục dựng thành công lễ hội Cầu mùa, rước mẹ lúa, mang bản sắc riêng của dân tộc Khơ Mú, trở thành một lễ hội đặc sắc không thể bỏ lỡ vào đầu xuân năm mới.
Ông Vì Văn Sang cho biết: "Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Sơn, sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, văn hóa dân tộc Khơ Mú ở Nghĩa Sơn đã được lưu giữ, bảo tồn, đặc biệt là có sự tham gia tích cực từ thế hệ trẻ. Đến nay, phần lớn người trẻ trong xã đã biết múa các điệu múa truyền thống; người trung niên biết hát các bài hát cổ. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo, hướng dẫn người trẻ các bài hát cổ, cách sử dụng và chế tác nhạc cụ truyền thống như chiêng, đao, tính "tla”... bồi đắp đam mê, tình yêu với văn hóa dân tộc cho họ”.
Để thu hút người trẻ tham gia vào các hoạt động văn hóa - văn nghệ truyền thống, xã Nghĩa Sơn đã thành lập 5 đội văn nghệ liên thế hệ tại 4/4 thôn, bản với hơn 100 thành viên. Khác với các đội văn nghệ thông thường, mỗi đội văn nghệ liên thế hệ được chia thành 4 nhóm đối tượng theo độ tuổi: người cao tuổi, người trung tuổi, thanh niên và học sinh. Từng nhóm sẽ tổ chức sinh hoạt, luyện tập riêng theo thời gian phù hợp, thuận tiện cho việc tập hợp đông đủ các thành viên. Nhóm cao tuổi hơn sẽ trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn cho nhóm tuổi kế cận phía sau.
Ở Nghĩa Sơn, trong bất cứ buổi họp, sinh hoạt đoàn thể từ xã cho đến thôn đều không thể thiếu những tiết mục văn nghệ truyền thống mở đầu. Đây chính là cơ hội để các đội văn nghệ thường xuyên được thể hiện khả năng biểu diễn và người dân được chiêm ngưỡng.
Em Mè Thị Lợi ở thôn Nậm Tộc chia sẻ: "Tham gia vào đội văn nghệ liên thế hệ, em được các nghệ nhân, các cô chú dạy cho rất nhiều điệu múa của dân tộc mình như: múa cá lượn, múa cầu mùa, mừng mùa lúa mới, múa măng mọc. Qua những câu chuyện của các cụ, em còn hiểu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mà bấy lâu nay em vẫn mơ hồ. Hiện, em đang cố gắng theo các cụ trong thôn tập các bài hát cổ và sử dụng được một vài nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình”.
Cùng với các đội văn nghệ liên thế hệ, đầu năm 2019, Đoàn xã Nghĩa Sơn còn thành lập Câu lạc bộ Thanh niên tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời định hướng cho sự phát triển du lịch cộng đồng với 16 thành viên là những đoàn viên, thanh niên.
Với mục đích giúp thế hệ trẻ quan tâm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đang hoặc chuẩn bị kinh doanh du lịch cộng đồng được tập huấn nghiệp vụ, tiếp cận với các mô hình du lịch trong thời đại mới, câu lạc bộ bước đầu khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong việc bảo tồn, kế thừa tinh hoa văn hóa cha ông trong thời kỳ hội nhập.
Hoài Anh