Những dấu ấn nổi bật phải kể đến trước hết là cuộc thi "Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái” được tổ chức liên tục 3 năm từ 2017 đến nay. Tính cả 3 năm, Ban tổ chức đã nhận được 312 tác phẩm tham dự, đã có 31 tác phẩm được chọn trao giải. Điều đáng quý nhất từ cuộc thi là đã tạo nên không khí sôi nổi trong hoạt động sáng tác thơ của tỉnh.
Cuộc thi như một đòn bẩy, khích lệ cảm hứng sáng tác của nhiều tác giả, động viên các hội viên thơ, phát hiện thêm những cây bút mới. Các cây bút tự khám phá, phát huy được nội lực, tiềm năng của mình, đóng góp tích cực cho việc nâng cao chất lượng thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái trong 3 năm qua.
Thành công của cuộc thi là nhờ sự hưởng ứng, đóng góp trách nhiệm của các tác giả hội viên thơ chuyên nghiệp, lâu năm, với những bài thơ chững chạc, ấn tượng, neo lại trong lòng bạn đọc, có thể kể đến: tác giả Vi Hoàng với bài thơ "Gặp lại dòng sông”, tác giả Đoàn Đức Bình với bài "Tiếng vọng từ Thạch Hãn”, tác giả Nguyễn Thế Chửng với bài "Phác họa chân dung mẹ”, tác giả Hà Ngọc Anh với bài "Tôi về gặp lại”, tác giả Hoàng Việt Quân với bài "Giọt sương”…
Cùng với đó, thơ của các tác giả trẻ đã có sự chú ý đến ngôn ngữ thơ, cách lập tứ, đặc biệt là chú ý đến hình tượng, từ đó thể hiện tư tưởng. Những tác giả trẻ và bài thơ tiêu biểu có thể kể đến: tác giả Vũ Mai Oanh với bài "Bóng bay”, tác giả Hà Ngọc với bài "Bước qua sương”, tác giả Nguyễn Thu Phong với bài "Đàn bà ba mươi”, tác giả Lê Văn Cường với bài "Tháng mười hai”…
Thật đáng mừng là cuộc thi "Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái” đã phát hiện, động viên được một loạt tác giả mới, như: Bùi Thu Thủy, Vi Thị Dung, Lâm Đại Lộc, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Hoàng Bích Loan…
Tuy chưa thực sự ưng ý với những mục tiêu to lớn mà Ban tổ chức đề ra nhưng sự phát triển về lực lượng là điều đáng mừng bởi để có tác phẩm hay đầu tiên phải có người viết, người viết đam mê, "sống chết” vì thơ thì ắt sẽ có thơ hay.
Cuộc thi "Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái” lần 3 khép lại nhưng đang mở ra bao hướng tìm tòi, sáng tạo mới, tạo nên bước phát triển mới của thơ Yên Bái nói riêng và văn học nghệ thuật Yên Bái nói chung.
Cùng các tác phẩm thơ dự thi, tất cả các tác phẩm thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái năm qua vẫn khẳng định được chất lượng với bút pháp, phong cách phong phú. Nhiều tỉnh trong cả nước có số lượng hội viên thơ đông hơn chúng ta nhưng vẫn thiếu thơ đạt chất lượng để đăng tải thì ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thơ chất lượng đủ cho cả hai ấn phẩm, đôi khi có cả thơ để dành.
Điều đáng quý là trừ một số ít cây bút mới vào nghề, còn lại, các hội viên thơ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh không sáng tác "ào ào”, có những tác giả gửi về Hội rất ít bài nhưng bài nào cũng đăng tải được, điều đó khẳng định ý thức và trách nhiệm của mỗi tác giả luôn hướng đến độ "tinh” của tác phẩm. So với chất lượng mặt bằng chung của cả nước, thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã tạo được chỗ đứng, luôn được đánh giá cao, có phần nhỉnh hơn so với nhiều tạp chí của các tỉnh khác.
Về thơ xuất bản, năm 2019, với nỗ lực của từng tác giả thơ, đã có 6 tập thơ lần lượt được công bố: tập "Người đánh rơi câu hát”, tác giả Ngọc Chấn, sử dụng nhiều hình ảnh có sức gợi, dựng nên hình tượng thơ. Nhiều bài thơ giàu cảm xúc và trải nghiệm sâu sắc.
Thơ Ngọc Chấn có những tầng ngầm tư tưởng vừa hướng tới độ sâu vừa có tính gợi mở với cách viết khá hiện đại. Tập "Những cơn mơ”, tác giả Hà Ngọc Anh, cách nói nhỏ nhẹ, giản dị nhưng nhiều suy ngẫm, câu chữ chọn lọc, giàu cảm xúc, nhiều câu thơ sâu về tư duy, nhiều hình ảnh thơ đẹp có giá trị thẩm mỹ đem lại hiệu ứng tốt, tạo nên ấn tượng và giọng điệu riêng của thơ Hà Ngọc Anh.
Tập "Núi thả bùa mây trắng”, tác giả Phạm Quỳnh Loan, luôn ẩn chứa tâm trạng day dứt, cô đơn, nỗi niềm trăn trở của người đàn bà trải qua sóng gió cuộc đời, luôn khát khao đi tìm hạnh phúc, vượt lên số phận để tự khẳng định bản ngã. Tác giả đã dụng công trong cách biểu đạt thơ, có ý thức đổi mới câu thơ và đã có những câu thơ đọng được trong lòng bạn đọc.
Tập "Sao băng”, tác giả Nguyễn Thu Hương, viết về tình yêu trong trẻo, da diết, giàu cảm xúc; hình ảnh trong thơ với nhiều nét chấm phá sinh động. Nhân vật trữ tình trong thơ thể hiện qua nhiều cung bậc, nặng trữ tình, làm cho tập thơ có hơi thở riêng.
Tập "Nỗi nhớ ngày qua”, tác giả Vũ Chấn Nam, là những kỷ niệm về nơi tác giả đã từng sống và dạy học ở nhiều vùng đất với những ngôi trường, học sinh, con người, cuộc đời, cảnh vật, thiên nhiên, được tác giả khắc họa sinh động; đề tài nhà giáo được tác giả nhấn mạnh với những câu thơ giàu cảm xúc.
Tập "Giọng núi”, tác giả Xuân Tình, dành nhiều bài thơ viết về Nghĩa Lộ, Mường Lò, Mù Cang Chải với cảnh sắc thiên nhiên, nét đẹp văn hóa của người miền núi được thể hiện sinh động với tình cảm chân thực, ngôn ngữ thơ bình dị, dễ cảm thụ. Một số bài thơ viết về người lính có sức rung động.
Dấu ấn nổi bật nữa của thơ Yên Bái năm 2019 là buổi sinh hoạt thơ hằng tháng đã đi vào nề nếp, hiệu quả. Không hạn chế số lượng, mở rộng đến các cộng tác viên trong toàn tỉnh. Đây thực sự là những buổi sinh hoạt chuyên môn đầy ý nghĩa. Thân tình, bình đẳng, cầu thị, các tác giả thơ chia sẻ những sáng tác mới, góp ý cho nhau từng câu thơ, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác. Chính vì thế, kỹ năng sáng tác của các tác giả thơ và chất lượng thơ Yên Bái ngày càng nâng cao.
Trước yêu cầu cao hơn về hoạt động chuyên môn, cuối năm 2019, Chi hội thơ đã được thành lập, đã thông qua Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội do đồng chí Nguyễn Hiền Lương làm Trưởng ban vận động.
Với 48 hội viên khi thành lập, chiếm tỷ lệ đông nhất so với các chuyên ngành khác của Hội, Chi hội thơ hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi về chuyên môn, sáng tác. Đoàn kết, đam mê, trách nhiệm, các tác giả thơ và Chi hội thơ Yên Bái đã và sẽ từng bước tự khẳng định mình trên đường phát triển.
Nông Quang Khiêm