Hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm nghệ thuật: Cổ vũ lối sống tốt đẹp hơn

  • Cập nhật: Chủ nhật, 15/3/2020 | 9:00:29 AM

Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24-2-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dành hẳn một nội dung về việc hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.

Những cảnh diễn viên uống rượu, bia sẽ bị hạn chế hơn trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình.
Những cảnh diễn viên uống rượu, bia sẽ bị hạn chế hơn trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình.

Cùng với việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trước đây, nội dung này được xem là sẽ góp phần cổ vũ lối sống tốt đẹp hơn trong cộng đồng.


Hạn chế phổ biến những hình ảnh chưa đẹp

Sân khấu, điện ảnh, truyền hình là những lĩnh vực có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ tới công chúng. Vì vậy, tương tự quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh được thực hiện từ 6 năm nay, việc hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia cũng nhằm giảm hình ảnh về những thói quen gây hại cho sức khỏe con người, ảnh hưởng tới gia đình, xã hội.

Theo Điều 4, Nghị định số 24/2020/NĐ-CP, ngoài việc không được ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia, thì việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết, để tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định, hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia... Những trường hợp khác phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt phim hoặc cấp phép biểu diễn nghệ thuật chấp nhận.

Như vậy, điều khoản này quy định khắt khe hơn khi sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm nghệ thuật. Bởi lâu nay, nhiều bộ phim, vở diễn đưa hình ảnh diễn viên uống rượu, bia không cần thiết, không phục vụ cho nội dung tác phẩm hay mục đích nghệ thuật. 

Điển hình như phim truyện "Chị trợ lý của anh”, "Yêu đi đừng sợ”, các nhân vật thấy buồn chán hay căng thẳng là chọn uống bia để giải tỏa. Hay phim truyền hình "Hoa hồng trên ngực trái” vừa khép lại, cứ vài tập lại đặc tả các nhân vật uống rượu đến say khướt. Thậm chí, cảnh nhân vật chính say rượu được lan truyền trên mạng xã hội, nhận được nhiều bình luận, chia sẻ... 

Chị Vũ Hà My (Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét: "Hầu hết các phim truyền hình gần đây đều có cảnh nhân vật thất tình, buồn bực, đau khổ…, rồi tìm đến rượu để quên đi mọi chuyện. Hình ảnh này trên phim không đẹp chút nào, gây phản cảm”.  

Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội chia sẻ, giống như thuốc lá, việc diễn viên uống rượu, bia tràn lan trên sân khấu, phim, truyền hình sẽ khiến người xem coi hành động này là bình thường, không ý thức được tác hại của nó. Vì vậy, nghị định này ra đời rất thiết thực, giúp hạn chế phổ biến những hình ảnh, hành vi chưa đẹp.

Góp phần thay đổi nhận thức của khán giả

Tuy Nghị định số 24/2020/NĐ-CP mới đi vào cuộc sống, song nội dung hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình đã nhận được sự quan tâm của các nghệ sĩ, người trong cuộc.

Nghệ sĩ nhân dân Trung Anh, diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam và cũng là gương mặt nổi bật trong các phim truyền hình được yêu thích thời gian qua, như "Người phán xử”, "Về nhà đi con”… bày tỏ, sân khấu, điện ảnh, đặc biệt phim truyền hình là lăng kính phản ánh đời sống. 

Nhiều bối cảnh như một buổi tiệc ăn mừng, dịp đón năm mới hay tại quán bar không thể thiếu hành vi uống rượu, bia. Đôi khi, rượu cũng được sử dụng để tạo tình huống kịch, như nhân vật bị sa vào cạm bẫy, vấp phải sai lầm chỉ vì lỡ uống rượu say… 

"Khi đã có nghị định thì các nhà làm phim, dàn dựng sân khấu sẽ cắt bỏ hoặc thay thế bằng những hình ảnh, tình huống khác. Chẳng hạn, thay uống rượu, bia bằng nước ngọt, nước hoa quả; thay vì hẹn nhau ở quán bia thì rủ nhau ra quán trà hay cà phê nói chuyện… Nếu nội dung, diễn xuất của diễn viên tốt, hấp dẫn, gần gũi, thì khán giả cũng sẽ ít để ý đến ngoại cảnh”, Nghệ sĩ nhân dân Trung Anh nhận định.

Theo đạo diễn Trần Bình Trọng, trong nhiều năm làm phim, ông luôn chú trọng đến việc tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thay đổi nhận thức của khán giả thông qua tác phẩm nghệ thuật, nhất là tuyên truyền tác hại của việc uống rượu, bia hay hút thuốc lá. 

Cụ thể như phim "Đại gia chân đất 10” vừa phát hành đầu năm nay, đạo diễn đã xây dựng các nhân vật vì uống rượu say mà có những hành động không hay, hại mình, hại gia đình, mất Tết…, từ đó truyền tải thông điệp giáo dục sâu sắc. 

"Với những bộ phim bình thường, không nhằm mục đích tuyên truyền, hầu như tôi không sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá hay uống rượu, bia. Mặc dù, có những tình huống nếu khai thác hình ảnh ấy thì dễ dẫn dắt câu chuyện hơn, nhưng tôi luôn tìm cách tránh. Tôi tin, nếu chịu khó sáng tạo, tìm tòi chất liệu trong đời sống sẽ có nhiều cách để xây dựng bộ phim hấp dẫn, với những nhân vật có lối sống đẹp, văn minh, để lan tỏa đến khán giả”, đạo diễn Trần Bình Trọng chia sẻ.

Trên cương vị là thành viên Hội đồng nghệ thuật giúp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội duyệt, cấp phép các tác phẩm sân khấu của thành phố, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm cho rằng, khi triển khai thực hiện nghị định, công việc của những người cấp phép khó khăn, vất vả và đòi hỏi tinh tế hơn nhiều. Tuy vậy, khi duyệt một tác phẩm điện ảnh, sân khấu, hay truyền hình có hình ảnh diễn viên uống rượu, bia thì Hội đồng nghệ thuật phải suy xét kỹ về tính hợp lý, cần thiết của hành vi ấy trong cốt truyện, tính cách nhân vật, tình huống…

Dễ nhận thấy, Nghị định số 24/2020/NĐ-CP đã nhận được sự ủng hộ của những người làm nghệ thuật. Thực hiện Nghị định số 24/2020/NĐ-CP là nghĩa vụ, song cũng là động lực kích thích sự sáng tạo của người làm nghệ thuật, nhằm tạo ra những tác phẩm hấp dẫn, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về những hành vi gây hại với bản thân và xã hội, cổ vũ lối sống lành mạnh, văn minh.

(Theo HNMO)

Các tin khác

Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả tuyên truyền về phòng, chống dịch, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp Covid-19.

Tác phẩm

3 nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam là Đào Tiến Đạt, Nguyễn Xuân Tuyến, và Lê Thanh Ngôn đã xuất sắc đoạt 3 huy chương vàng (HCV) Fiap ( Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế) tại Cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế "Picto - Real International Salon 2019".

Kết bạn tồng chỉ thực hiện với người đồng giới, thường trên mười tám tuổi và không có quan hệ anh em họ hàng. Ảnh MQ

Người Tày ở Yên Bái sinh sống chủ yếu ở huyện Lục Yên và huyện Yên Bình, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán vẫn được bảo tồn với những nét đặc sắc; trong đó, tục kết bạn tồng vẫn được lưu giữ, mang nhiều giá trị nhân văn, độc đáo.

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012.

Việc lập hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục