Tính từ khi đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Các văn nghệ sĩ người DTTS hoặc đa số sáng tác về DTTS và miền núi có đóng góp không nhỏ cả về số lượng và chất lượng trong nền VHNT Việt Nam; làm phong phú và bền vững bản sắc văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Còn ở Yên Bái, VHNT DTTS đã và đang tồn tại, phát triển như thế nào, thực trạng và giải pháp cho sự phát triển là gì còn cần phải bàn thêm, bàn sâu. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chỉ xin đề cập qua ba vấn đề mấu chốt, đó là: tác giả, tác phẩm và tổ chức hoạt động.
Về tác giả người đa số viết về DTTS và miền núi: không có tác giả đầu tư chuyên sâu. Hầu hết các hội viên của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái đều có tác phẩm về đề tài DTTS và miền núi, ít thì dăm ba tác phẩm, có hội viên dăm chục tác phẩm, công trình. Điều đó dễ hiểu vì Yên Bái là một tỉnh miền núi, trên 30 thành phần dân tộc chung sống, môi trường ấy có ảnh hưởng đáng kể đến sáng tác của các văn nghệ sĩ.
Có thể kể đến những tác giả tiêu biểu như: nhà văn Hoàng Thế Sinh, Trần Cao Đàm, Hoàng Việt Quân… (văn học); Nguyễn Đình Thi, Quách Hùng, Trần Quang Minh… (mỹ thuật); Thanh Miền, Vũ Chiến… (nhiếp ảnh); Nguyễn Việt Hùng… (biên đạo múa); Y Nguôn… (sân khấu điện ảnh)… Đội ngũ văn nghệ sĩ là người đa số sáng tác về DTTS, miền núi không chỉ là người cùng đi mà còn là người thôi thúc, khích lệ các văn nghệ sĩ DTTS sáng tạo. Sự qua lại giữa hai đội ngũ văn nghệ sĩ này có vai trò tích cực trong hoạt động sáng tạo và phát triển VHNT tỉnh nhà.
Về tác phẩm người đa số viết về DTTS và miền núi: ở mảng văn học, phải kể đến nhà văn Hoàng Thế Sinh với các tiểu thuyết lấy bối cảnh, không gian vùng dân tộc miền núi như tiểu thuyết: "Thuốc phiện và lửa”, "Rừng thiêng”, "Bụi hồ”; trong đó, có 2 tiểu thuyết đã được dựng thành phim.
Tiếp đến là các tiểu thuyết của Trần Cao Đàm, lấy bối cảnh văn hóa, lịch sử vùng Văn Chấn, Mường Lò và sáng tác của một số tác giả khác.
Về mỹ thuật, các tác phẩm sáng tác về đề tài DTTS và miền núi chiếm tỉ lệ khá nhiều, đi sâu vào phản ánh cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc, vùng cao.
Về nhiếp ảnh, đề tài DTTS, miền núi cũng được thể hiện rõ nét trong sáng tác của tất cả các nghệ sĩ. Tác phẩm nhiếp ảnh đoạt các giải thưởng của tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế chủ yếu là tác phẩm sáng tác về DTTS và vẻ đẹp thiên nhiên, con người miền núi.
Về âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và các chuyên ngành khác cũng được chú ý khai thác và phát triển từ vốn văn hóa, văn nghệ dân gian, dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc.
Về tác giả người DTTS viết về DTTS và miền núi, hiện nay, tính cả Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái thì có 15 hội viên là người DTTS, trên tổng số 153 hội viên, chiếm 9%. Trong đó, 11 hội viên sinh hoạt trong Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam, gồm: 7 hội viên dân tộc Tày, 2 hội viên dân tộc Dao, 1 hội viên dân tộc Nùng, 1 hội viên dân tộc Mông.
Như vậy, Yên Bái có 4 thành phần dân tộc tham gia sáng tác VHNT. Trừ đội ngũ nghệ nhân biểu diễn, truyền dạy và đội ngũ nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian còn 25 DTTS khác của tỉnh Yên Bái không có tác giả sáng tác.
Điều đáng nói là rất nhiều dân tộc có dân số đông, có bề dày về văn hóa vẫn không có tác giả tham gia sáng tác như dân tộc: Thái, Mường, Cao Lan... Trong tổng số 14 hội viên DTTS, có người đã có thành tựu, có người đang miệt mài trên con đường sáng tạo.
Tuy nhiên, hơn một nửa số hội viên trên 60 tuổi, sáng tác ở độ chín nhưng đã có đôi phần chững lại do sức khỏe, tuổi tác. Lực lượng tác giả mỏng, lại khó khăn trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới, dần tạo ra lỗ hổng không dễ bù đắp bởi tác giả trẻ tham gia sáng tạo VHNT đã hiếm, tác giả trẻ DTTS tham gia sáng tạo VHNT lại càng hiếm.
Phát hiện đã khó, nuôi dưỡng còn khó hơn, để sáng tạo ra tác phẩm hay, bản sắc, có tầm về DTTS lại càng khó hơn nữa. Sinh ra, lớn lên, tắm trong không gian văn hóa của dân tộc mình, hơn ai hết, chính những tác giả người DTTS sẽ là người lưu giữ, phát huy tốt nhất vốn văn hóa của họ.
Việc xây dựng đội ngũ tác giả, nâng cao chất lượng tác phẩm VHNT về DTTS và miền núi là việc làm hết sức quan trọng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, miền núi.
Về tác phẩm người DTTS viết về DTTS và miền núi: Trước đây, chúng ta đã có một vài tác giả có thành tựu, tác phẩm tạo được chỗ đứng, đầu tiên có thể kể đến nhà văn Hoàng Hạc với tiểu thuyết "Ké Nàm” được giảng dạy trong chương trình đại học; truyện "Hươu và rùa” được đưa vào chương trình sách giáo khoa lớp 3; tự truyện "Xứ lạ mường trên” được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lại nhiều lần và một loạt tác phẩm mang đậm hơi thở, cuộc sống người Tày vùng Đông hồ khác, như: "Sông gọi”, "Hạt giống mới”,"Chiếc mảng bay”...
Tiếp đến là nhà văn Hà Lâm Kỳ với 30 đầu sách, tái hiện và thấm đẫm không gian văn hóa, lịch sử dân tộc Tày vùng Đại Lịch, Văn Chấn, tiêu biểu là các tác phẩm: "Kỷ vật cuối cùng”, "Những đứa con lên núi”, "Gió Mù Cang”, "Chim ri núi”, "Con trai bà chúa Nả”, "Cánh cung đỏ”...
Nhà văn Hà Lâm Kỳ đã đoạt các giải thưởng từ địa phương đến Trung ương, như: Giải C Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm "Kỷ vật cuối cùng”; Giải A Cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp Trung ương cho tiểu thuyết "Cánh cung đỏ”.
Các tác phẩm của người DTTS tạo được dấu ấn nữa là tác giả Hoàng Hữu Sang với "Cửa rừng”, "Chuyện lạ ở bản Coóc”, "Ông nội”… ; tác giả Địch Ngọc Lân với tiểu thuyết: "Ngôi đình Bản Chang”… ; tác giả Hoàng Tương Lai với các tập truyện: "Chõ xôi trưa ấy”, "Cây sẹt trổ hoa”…; biên đạo múa Hà Bích Thảo, Hoàng Anh Đậu với các tiết mục, chương trình được dàn dựng, khai thác, phát triển bằng chất liệu dân gian, dân ca, dân vũ của đồng bào DTTS miền núi Yên Bái, giành nhiều giải thưởng… Cùng một số tác giả tiêu biểu khác.
Trừ tác giả Địch Ngọc Lân (dân tộc Nùng), tất cả các tác phẩm tiêu biểu kể trên đều của tác giả dân tộc Tày, viết về dân tộc, văn hóa Tày. Còn tất cả các tác phẩm VHNT về các DTTS còn lại đều do người Kinh sáng tác.
Chúng ta có 2 hội viên dân tộc Mông, 1 hội viên sáng tác âm nhạc, 1 hội viên sáng tác ảnh và viết báo; 2 hội viên dân tộc Dao đều thiên về nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian.
Điều đáng tiếc là có tác giả DTTS lại không bám vào cái gốc văn hóa của dân tộc mình, sáng tác theo lối mòn phổ thông hoặc viết sang các dân tộc khác nên đánh mất bản sắc.
Một vấn đề nữa về tác phẩm của người DTTS là tác phẩm sáng tác bằng tiếng dân tộc, chữ viết dân tộc, lực lượng sáng tác này hiện chỉ có vài người.
Về thế hệ tác giả DTTS sau này, chỉ có nhà văn Nông Quang Khiêm chung thủy với mảng đề tài dân tộc, miền núi và viết cả bằng tiếng dân tộc. Nhìn chung thế hệ sau này số lượng quá ít ỏi, lại đang trên quá trình tích lũy nên tác phẩm chưa có gì đáng kể.
Hiện nay, văn học trong nước đang có sự vận động, chuyển biến, đan xen nhiều khuynh hướng sáng tác, vì vậy, việc quan tâm đến tác phẩm và nâng cao chất lượng tác phẩm VHNT DTTS làm sao vừa dân tộc vừa hiện đại vừa dân tộc vừa đại chúng, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm hết sức cần thiết.
Về tổ chức hoạt động: trước hết phải nhấn mạnh, toàn bộ lực lượng sáng tác VHNT DTTS ở Yên Bái nằm gọn trong Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tỉnh Yên Bái - một đơn vị cơ sở của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, đồng thời là thành viên của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái.
Phải nói rằng, đây là lực lượng sung sức và chững chạc nhất của VHNT Yên Bái. Chi hội hiện có 29 hội viên, tập trung ở 4 chuyên ngành: văn học (20 hội viên), mỹ thuật (4 hội viên), nhiếp ảnh (3 hội viên), biên đạo múa (2 hội viên). Hội viên Chi hội đều là hội viên Trung ương, không có hội viên cấp tỉnh. Các hội viên trong Chi hội hoạt động sôi nổi trong sáng tạo VHNT ở tất cả các chuyên ngành.
Nhiều tác phẩm của các tác giả hội viên đoạt giải thưởng các cuộc thi của Trung ương, khu vực và của tỉnh; còn lại là các tác phẩm được công bố, tạo được dấu ấn, hoặc thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
Những năm qua, Chi hội đã có những hoạt động khá hiệu quả, đáng ghi nhận, như: tổ chức đi thực tế, sưu tầm tư liệu tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình; phối hợp với Chi hội Văn xuôi tổ chức tọa đàm về tác giả, tác phẩm Trần Cao Đàm. Phối hợp với UBND xã Đại Lịch tổ chức hội thảo "Hà Lâm Kỳ - nhà văn quê hương”; phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái tổ chức hội thảo tác giả, tác phẩm Hoàng Việt Quân…
Tuy nhiên, hoạt động của Chi hội vẫn còn muôn vàn khó khăn. Khó khăn thứ nhất vẫn là kinh phí. Chi hội không có nguồn kinh phí từ Trung ương Hội rót về. Kinh phí hoạt động của Chi hội phụ thuộc hoàn toàn vào Hội Liên hiệp VHNT tỉnh.
Để phát triển VHNT DTTS việc đầu tiên là phải tập trung vào tác giả, từ tác giả mới sinh ra tác phẩm nhưng hiện nay, phần nhiều hội viên đã qua thời gian sung sức. Việc phát triển hội viên mới là người DTTS khó khăn. Tạo nên tình trạng khó khăn chồng lên khó khăn. Có khó khăn thì phải tìm mọi cách vượt qua.
Với sự tạo điều kiện hơn nữa của Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, Hội VHNT các DTTS Việt Nam, cùng sự nỗ lực, trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa của Ban Chấp hành Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tỉnh Yên Bái cùng toàn thể hội viên, chúng ta có quyền tin tưởng vào sự phát triển đi lên của VHNT các DTTS Yên Bái trong những năm tới.
Nông Quang Khiêm