Ở xã Hòa Cuông, ai cũng biết ông Nịnh Quang Thanh, dân tộc Cao Lan là người có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ông Thanh hiện là người duy nhất trong xã còn lưu giữ một số sách cổ hướng dẫn nghi lễ của người Cao Lan như: hát Sịnh ca, cúng hương hỏa, cầu mùa, cầu mưa, lễ cấp sắc…
Với uy tín và trách nhiệm của mình, ông đã thực hiện nhiều lễ cấp sắc cho nam thanh niên trong và ngoài thôn, truyền dạy cho nhiều thế hệ cách đọc, cách viết, thực hành nghi lễ truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, ông còn truyền dạy cho thế hệ trẻ các điệu múa, hát truyền thống của dân tộc như: hát Sịnh ca, lễ nối dây tơ hồng, lễ cầu mùa...
Hiện nay, ở thôn 1 xã Hòa Cuông, ông Thanh đã xây dựng thành công Câu lạc bộ Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan với hơn 30 thành viên tham gia và chính đồng bào tự nguyện đóng góp kinh phí mua trang phục, dụng cụ giúp Câu lạc bộ hoạt động ổn định.
Ông Nịnh Quang Thanh chia sẻ: "Câu lạc bộ được duy trì sinh hoạt hàng tháng tại nhà văn hóa thôn, chủ yếu là các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy cho thế hệ trẻ những điệu hát, điệu múa của dân tộc mình; giữ gìn tiếng nói, trang phục thông qua việc giao tiếp, trò chuyện. Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt thôn, Câu lạc bộ cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giúp bà con dân tộc Cao Lan hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”.
Đồng bào Mường ở xã Quy Mông cũng đang lưu giữ vốn văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú. Ngoài những nét đẹp về trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán…, người dân nơi đây còn coi múa mỡi là phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Điệu múa mỡi có từ xa xưa, trải qua bao đời trên mảnh đất này nhưng từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, do điều kiện chiến tranh nên ít nhiều bị mai một, kể cả những người biết múa, biết hát ngày càng ít dần. Để giữ gìn điệu múa truyền thống độc đáo này, thôn Lập Thành, xã Quy Mông đã thành lập được một đội múa mỡi dưới sự hướng dẫn truyền dạy của nghệ nhân Hà Thị Hiên, vì thế, điệu múa này đang dần "sống lại”.
Ông Trần Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: "Văn hóa người Mường rất đặc sắc, phong phú và múa mỡi là một đặc trưng, điệu múa truyền thống mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Sự phát triển của xã hội hiện đại khiến nguy cơ văn hóa của người Mường trong xã bị mai một.
Nhận thức được vấn đề để bảo tồn và lưu giữ loại hình văn hóa truyền thống, chúng tôi luôn khuyến khích các thế hệ trẻ học tập loại nhạc cụ, điệu hát, múa…, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa mỡi nói riêng để các giá trị văn hóa dân tộc Mường nói chung mãi trường tồn với thời gian”.
Kiên Thành là một trong những địa phương đã gìn giữ và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là việc phục dựng thành công lễ hội Lồng tồng (hay còn gọi là lễ hội cầu mùa) sau hơn 50 năm bị mai một. Đến nay, lễ hội đã được tổ chức thường niên và dịp Rằm tháng Giêng.
Với các dân tộc ở Kiên Thành, lễ hội Lồng tồng chính là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất được tổ chức trong dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội chính là dịp để các dân tộc ở các thôn, bản trong xã thắt chặt tình đoàn kết gắn bó, tích cực thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đặc biệt, trong lễ hội đã làm sống lại và góp phần truyền dạy các điệu dậm cổ như: dậm chéo rứa (múa chèo thuyền), dậm đàn tính, dậm ví (múa quạt), dậm đáp (múa kiếm), dậm teo kéo, dậm quét sân rồng…
Ông Dương Kim Hưng – Chủ tịch UBND xã Kiên Thành chia sẻ: "Các điệu múa thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng, khéo léo của những đôi bàn tay con người và tinh thần thượng võ của dân tộc. Ngoài ra, nhân dân và du khách còn được tham dự các trò chơi dân gian như: bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn… Tất cả các trò chơi trong lễ hội đã thể hiện sự gần gũi và tinh thần cộng đồng cao của những người tham gia. Những hình thức sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã thực sự là nơi giao lưu giữa các dân tộc: Tày, Mông, Kinh và Dao trong vùng”.
Không phải là huyện vùng cao nhưng Trấn Yên cũng là địa phương có địa bàn rộng, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn với 16 dân tộc anh em chung sống, trong đó có 15 dân tộc thiểu số với trên 32.000 người, chiếm gần 40% dân số. Bên cạnh những nét chung về văn hóa cộng đồng, mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa đặc trưng riêng biệt tạo nên nền văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Phạm Huy Mai – Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: "Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Cùng với đó, huyện Trấn Yên cũng đã tập trung khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: lễ hội đình làng Dọc của dân tộc Tày (xã Việt Hồng), lễ hội đền Hóa Cuông (xã Hòa Cuông), lễ hội Lồng tồng (xã Kiên Thành), lễ hội đình Kỳ Can (xã Y Can), lễ hội đình và đền xã Quy Mông...; nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc được khai thác, khôi phục như: đàn môi, kèn lá, múa trống, sáo của dân tộc Mông, múa chạy rùa, lễ cấp sắc, trống tang sành của dân tộc Dao, múa chim gâu xúc tép của dân tộc Cao Lan...
Được biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, khối đoàn thể và các xã cũng đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn toàn diện từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhà cửa cũng như những giá trị, tri thức tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; quan tâm thu hút các chương trình, dự án đầu tư phát triển du lịch, trong đó chú ý tới bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở các bản, làng.
Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao từ huyện đến cơ sở, đáp ứng phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu tham gia, thụ hưởng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nhiều không gian văn hóa truyền thống đã được biết đến với những điệu xòe, điệu sạp và các phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Dao, Tày, Mường, Mông, Cao Lan...
Ông Nguyễn Thành Lê – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Hiện nay, một số nét văn hóa truyền thống như: tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đang dần bị mai một. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hơn 200 tổ, đội văn nghệ cơ sở; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống dân tộc đến công chúng”.
Đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện Trấn Yên được bảo tồn, đã tạo nên sự thống nhất trong đa dạng về văn hóa làm nền tảng xây dựng xã hội, con người trong thời kỳ mới. Giai đoạn tới, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục kết hợp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống và loại bỏ các hủ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến nhưng vẫn đậm bản sắc; qua đó, vừa giữ được truyền thống dân tộc vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Ngọc Sơn